Uy linh tiên là vị thuốc có tác dụng hành khí, trừ phong thấp và thông kinh lạc. Với nhiều tác dụng đa dạng, nó được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau nhất là các bệnh lý xương khớp.
Vị thuốc có tác dụng điều trị bệnh khớp
Tổng quan về dược liệu
Vị thuốc Uy linh tiên là rễ và thân rễ phơi khô của cây Uy linh tiên.
Tên gọi
Tên gọi khác: Dây ruột gà, Mộc thông,…
Tên dược: Radix Clematidis
Tên khoa học: Clematis chinensis Osbeck
Họ: Mao lương/ Hoàng liên (danh pháp khoa học: Ranunculaceae)
Đặc điểm thực vật
Uy linh tiên là loài thực vật thân nhỡ, nửa thân hóa gỗ và có xu hướng mọc trườn ra mặt đất hoặc bám vào các cây khác. Lá cây có hình trái xoan, phần cuống hơi tù và nhọn dần về mũi, thường có 3 phiến.
Cụm hoa mọc ở nách lá hoặc ở đầu các nhánh ngắn. Hoa trắng nhỏ, dáng dài, nhọn ở đầu, có lông mịn ở mép. Nhị nhiều, không lông, bao phấn tròn. Lá noãn nhiều, có lông nhung, màu nâu, vòi ngắn.
Quả bế hình bầu dục – lăng kính, có lông mềm, tận cùng là một vòi nhuỵ có lông dài hơn 4 lần bầu.
Thân rễ hình trụ dài từ 1,5 – 10cm, đường kính 0,3 – 1,5cm, mặt ngoài màu vàng nhạt, phần dưới thân rễ có chứa nhiều rễ con. Kết cấu rễ tương đối bền, dai, có xơ sợi.
Rễ của cây có hình trụ hơi cong, dài 7 – 15cm, đường kính 1 – 3mm, mặt ngoài nâu đen, có vân dọc nhỏ, đôi khi có màu vàng nhạt. Chất cứng và giòn, dễ gãy, vết gãy có phần vỏ tương đối rộng, thường có khe nứt giữa phần vỏ và phần gỗ, có mùi nhẹ, vị nhạt.
Uy linh tiên ra hoa và sai quả vào tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.
Đặc điểm thực vật của Uy linh tiên
Đặc điểm phân bố
Cây phân bố chủ yếu ở Trung quốc nhưng tại Việt Nam, người dân đã bắt đầu trồng ở vùng Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn.
Bộ phận dùng làm thuốc
Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là rễ và thân rễ. Mỗi cụm rễ có tới hàng trăm sợi và chiều dài lên đến 60cm.
Rễ được chọn thường là rễ rậm dài, bên ngoài đen sẫm, bên trong trắng, mùi thơm nhẹ và có vị đắng.
Thu hái, chế biến
Rễ và thân rễ của Uy linh tiên hiện nay được thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vẫn là vào mùa thu. Sau khi đào lấy lễ, loại bỏ thân lá rồi rửa sạch và phơi khô.
- Dược liệu có thể chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau như
- Chích rượu: 10kg rễ uy linh tinh trộn đều với 2kg rượu để trong 1 giờ đồng hồ. Sau đó đem đi xào nhỏ lửa cho đến khi khô.
- Phiến: Cắt rễ cây thành từng đoạn ngắn 3 – 5cm, phần gốc rễ sẽ thái phiến và đem đi sấy khô.
- Sao khô: sau khi rửa sạch bụi bẩn, rễ cây được đem cắt thành từng đoạn, cho lên bếp sao cho tới khi rễ khô lại.
Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu, trong rễ Uy linh tiên có chứa các thành phần anemonol, anemonin, saponin, sterol, oleanolic acid, phenol, đường,..
Tác dụng dược lý của Uy linh tiên
Tác dụng kháng histamine đối với cơ ruột ruột thỏ và có tác dụng lợi mật.
Tác dụng bảo vệ tuyến yên, hạn chế tình trạng thiếu oxy và giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim.
Dược liệu có khả năng thư giãn nhờ vào khả năng kháng histamine.
Thực nghiệm ở chó cho thấy nước sắc uy linh tiên có tác dụng tăng nhu động thực quản.
Hoạt chất Anemonin trong dược liệu có tác dụng xung huyết niêm mạc và gây mụn phỏng ngoài da.
Nước sắc từ rễ uy linh tiên có tác dụng ức chế trực khuẩn lị Shigella, tụ cầu vàng, nấm, vi khuẩn gram dương và gram âm.
Giảm quá trình tiêu xương do sự biệt hóa tế bào xương, giúp bảo vệ xương và sụn khớp.
Tác dụng hạ huyết áp, giảm đau và lợi mật.
Vị thuốc Uy linh tiên trong Y học cổ truyền
Uy linh tiên là vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong nhiều bài thuốc chữa bệnh trong y học xưa.
Vị thuốc Uy linh tiên trong Y học cổ truyền
Tính vị quy kinh
Rễ uy linh tiên có vị cay, mặn, tính ấm, ít độc, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hành khí, thông kinh lạc, chỉ thống.
Thân rễ của cây có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm.
Cách dùng – liều lượng
Uy linh tiên được dùng ở dạng điều trị tại chỗ, sắc uống, tán bột làm hoàn… Có thể sử dụng dược liệu đơn lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để gia tăng tác dụng. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 6 – 12g.
Một số bài thuốc có chứa Uy linh tiên
Bài thuốc chữa viêm khớp, đau khớp: Uy linh tiên, Xuyên khung, Tần giao, Độc hoạt, Phòng kỷ, Hoàng bá, Bạch chỉ, Đào nhân, Hải phong đằng, Nhũ hương, mỗi vị 12g. Đem tất cả đi sắc uống hằng ngày.
Bài thuốc chữa hóc xương cá: Sắc 30g uy linh tiên thành cao rồi pha với giấm uống. Ngoài ra, còn có thể kết hợp 3g sa nhân cùng 10g dược liệu này để sắc uống.
Bài thuốc chữa đau bụng dưới do hàn, khí trệ: Dùng 40g uy liên tiên, cùng 20g quế chi, mộc hương và đương quy. Đem tất cả tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g và pha với rượu ấm.
Bài thuốc trị nấc cụt: Uy linh tiên 12g, Ngũ vị tử 12g, Gừng sống 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa: Uy linh tiên 12g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Ngũ gia bì chích 12g, Tế tân 8g, Quế chi 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa phong thấp, phù thũng: Uy linh tiên 12g, Khương hoạt 12g, Quế chi 8g, Tế tân 8g, Phòng phong 8g, Chỉ xác 8g, Trần bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa chốc lở, hắc lào, ngứa da: Uy linh tiên tươi giã nát, ngâm với rượu/giấm trong 10 ngày, thoa lên da.
Lưu ý: Không dùng cho người bị huyết hư gân co rút, người suy nhược nặng, gan co rút và thiếu máu. Đồng thời không nên dùng chung với chè hoặc canh miến.
Dược sĩ Thu Hà