Tần giao hay còn gọi là rễ cây khổ đẳng, là một loại thảo dược quan trọng trong y học cổ truyền, đặc biệt trong y học Trung Quốc. Dược liệu thường được sử dụng để chữa các bệnh nóng rét, phong tê, gân xương co quắp.
Vị thuốc Tần giao chữa đau nhức xương khớp
Tổng quan về dược liệu Tần giao
Dược liệu Tần giao là rễ phơi khô của cây Tần giao, thuộc họ Long đởm
Tên gọi, danh pháp
Tên thường gọi: Tần giao.
Tên gọi khác: Tần cửu, tần qua, thanh táo, trường sơn cây, thuốc trặc, khổ đẳng;…
Tên khoa học: Gentiana macrophylla Pall.
Họ: Long đởm (Gentianaceae)
Đặc điểm thực vật
Tần giao là loại cây gỗ nhỏ, sống lâu năm, chiều cao khoảng từ 1 – 1,5m. Thân cây mọc thẳng, có nhiều nhánh, thường có màu xanh lục hoặc nâu nhạt. Cành nhẵn, màu xanh lục hoặc tím sẫm, hơi to ở các đốt.
Rễ và thân rễ của cây có hình tròn hoặc hình trụ, đôi khi phân nhánh. Vỏ cây có nhiều nếp nhăn theo chiều dọc, với màu thay đổi từ nâu sẫm đến nâu nhạt.
Lá cây lớn, mọc đối, hình bầu dục hoặc hình mác hẹp, kích thước 10 – 30cm x 4 – 10cm. Mặt trên của lá bóng, màu xanh đậm, mặt dưới có màu nhạt hơn, với các đường gân nổi rõ.
Cụm hoa mọc thành chùm ở ngọn thân và cành, lá bắc thẳng. Hoa Tần giao có kích thước lớn, màu trắng, xanh dương hoặc tím nhạt, cánh hoa hình ống, có 5 cánh, nở vào mùa hè
Quả hình nang nhẵn, giống như móng tay, chứa nhiều hạt nhỏ, thường chín vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu.
Đặc điểm thực vật của cây Tần giao
Phân bố
Cây Tần giao thường mọc ở vùng đồi núi, nơi có đất ẩm, nhiệt độ và ánh sáng vừa phải
Cây thường được thấy mọc hoang hoặc trồng nhiều ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như Quảng Đông, Đài Loan, Đông Bắc,… và một số nước như Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia,…
Ở nước ta hiện nay, loại dược liệu này có thể được tìm thấy ở một số địa phương, chủ yếu là mọc hoang ở bụi hoang, bãi đất trống.
Bộ phận sử dụng
Rễ của cây Tần giao sau khi thu hái phơi khô được dùng làm thuốc, dựa vào đặc điểm phần rễ người ta chia dược liệu thành 3 loại:
- Gentiana macrophylla: phần rễ cây hình trụ, phần trên to hơn phần dưới, cứng và giòn, có thể dễ dàng bẻ gãy. Vỏ ngoài có màu vàng nâu hoặc màu vàng sáng, có vị đắng, hơi chát.
- Gentiana straminea: phần rễ có hình hơi tròn, giòn và dễ bẻ gãy, vỏ ngoài màu nâu, có những vết nứt giống hình mạng lưới.
- Gentiana dahurica: phần rễ cây hình tròn nón hoặc hình trụ, bên ngoài vỏ có màu vàng nâu.
Thu hái, chế biến và bảo quản
Thu hái
Thời điểm thu hái diễn ra quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa hè từ tháng 7 đến tháng tám. Đào lấy rễ đối với những cây đã đủ lớn, đem rửa sạch với nước để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất.
Chế biến
Rễ cây sau khi được rửa sạch sẽ loại bỏ phần rễ con, đem phơi khô hoặc sấy qua để dùng. Để bào chế tần giao người ta thường làm theo một số cách như sau:
- Theo dân gian: Tần giao sau khi đem về chỉ giữ phần gốc, đem rửa sạch, cắt thành khúc ngắn rồi phơi khô.
- Theo Trung y: Rễ cây sau khi đem về thì lấy vài lau sạch, sau khi ngâm trong nước một ngày một đêm thì mang rửa sạch rồi phơi khô, để dùng dần.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở khu vực thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt, tốt nhất nên cất trữ trong bọc kín để sử dụng lâu dài.
Thành phần hóa học
Khi phân tích thành phần dịch chiết dược liệu người ta xác định được trong rễ cây Tần giao chủ yếu chứa các thành phần:
- Alkaloid: Gentianine A, B, C,…, Gentianide
- Glycosides: amarogentin, gentiopicrin (khoảng 1,5% trong rễ tươi), gentiopicroside và swertiamarin.
- Flavonoids: quercetin, kaempferol,…
- Saponins
- Vitamin và khoáng chất
- Một lượng nhỏ tinh dầu bay hơi
Tác dụng của dược liệu Tần giao
Tác dụng dược lý
Các thử nghiệm về tác dụng của Tần giao lên sức khỏe chưa có dữ liệu lâm sàng đầy đủ. Tuy nhiên, các thành phần hoạt chất đã được phân lập từ dịch chiết của cây có tác dụng:
- An thần, chống trầm cảm
- Giảm đau kháng viêm
- Kháng khuẩn
- Kích thích tiết dịch túi mật
- Bảo vệ gan chống lại các tác hại của hóa chất
- Cải thiện sự thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa
- Bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa
- Giải độc, lợi tiểu
Vị thuốc Tần giao trong Y học cổ truyền
Tính vị: Tần giao có vị đắng cay, tính hơi hàn
Quy kinh: vào các kinh vị, đại trường, can, đởm
Công năng chính: khu phong, trừ thấp, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau, thanh nhiệt, lợi niệu, nhuận tràng
Chủ trị: Trị các chứng phong thấp tý thống, đau khớp, thiên về phong tà, bắp thịt tê buốt, chân tay co quắp; cốt chưng triều nhiệt;….
Vị thuốc Tần giao
Ứng dụng chữa bệnh của Tần giao
Cách dùng – Liều dùng
Vị thuốc Tần giao có thẻ sử dụng bằng cách sắc lấy nước uống hoặc tán nhuyễn thành bột mịn rồi hoàn thành viên.
Mỗi ngày sử dụng với liều dùng từ 6 – 12 gam, tối đa dùng tới 20g mỗi ngày.
Bài thuốc kinh nghiệm
- Chữa thấp khớp, tay chân co quắp, viêm đa khớp do phong thấp:
Dùng tần giao, phòng kỷ mỗi loại 12g; bạch chỉ, đào nhân, nhũ hương, hải phong đằng, hoàng bá, uy linh tiên mỗi loại 10g cùng với độc hoạt, xuyên khung mỗi loại 8g.
Đem tất cả các vị thuốc trên sắc cùng với nước rồi uống mỗi ngày đến khi tình trạng bệnh dứt hẳn.
- Trị chứng hư lao (bao gồm lao phổi), sốt thấp về chiều tối, đêm ngủ ra mồ hôi:
Tần giao 20g, Miết giáp 40g, Địa cốt bì 40g, Sài hồ 40g, Tri mẫu, Đương quy đều 20g. Các vị nghiền chung thành bột mịn.
Mỗi lần dùng 20g cho vào nước sắc với Ô mai 1 quả, Thanh hao 12g, uống lúc gần đi ngủ.
- Trị viêm gan cấp trẻ em
Tần giao 15g (dưới 6 tuổi lượng bằng nửa) tùy theo từng chứng bệnh khác nhau mà gia thêm các vị như sốt gia Hoàng cầm, Liên kiều, thấp nặng gia Thương, Bạch truật, Hậu phác.
Một đợt sử dụng kéo dài 14 ngày.
- Trị sưng đau răng lúc nhổ
Tần giao, Phòng kỷ lấy lượng bằng nhau đem sấy khô rồi tán thành bột mịn. Rây qua rây rồi cho vào nang 0,3g.
Trước khi nhổ răng uống 2 viên (trước 30 phút), sau khi nhổ cứ 6 giờ uống 1 lần trong 3 ngày liền.
- Chữa bong gân, sai khớp
Tần giao 20g, Xuyên tiêu, Cốt Toái Bổ, mỗi vị 20g, lá Diên tươi 50g. Sắc uống lúc còn ấm, ngày 1 thang.
Lá Tần giao, lá Diên, lá Ngải Cứu, dùng tươi, lượng bằng nhau. Giã nhỏ đắp ngày 2 lần.
Kiêng kỵ
Người chân tay đau nhức lâu ngày do khí huyết hư hao, không thể nuôi dưỡng được gân không dùng tần giao.
Dược sĩ Thu Hà