Tìm hiểu 10 bài thuốc chữa bệnh từ Ngũ vị tử
Ngũ vị tử ngoài tác dụng bổ can thận, trị thận hư còn là vị thuốc mang nhiều công dụng. Bài thuốc chữa bệnh từ ngũ vị tử được dùng trong các bài thuốc như trị suy nhược thần kinh, viêm gan, hen suyễn, ra mồ hôi trộm.
Ngũ vị tử nổi tiếng với tác dụng bổ can thận
Tên khoa học
Tên khoa học: Fructus Schisandrae
Ngũ vị tử còn có tên gọi khác là ngũ mai tử hay huyền cập.
Ngũ vị tử là quả chín đã sấy/phơi khô của cây ngũ vị. Có 3 loại ngũ vị sau: Bắc ngũ vị (Schizandra chinensis Baill), Nam ngũ vị (Kadsura japonica), Mộc lan (Magnoliaceae).
Mô tả dược liệu
Đặc điểm cây thuốc: Ngũ vị là cây dạng thân leo, chiều dài khoảng 3m. Phiến lá hình tròn dài từ 10 – 12cm. Hoa cây ngũ vị có màu vàng, ra hoa vào tháng 5 – 6, quả hình tròn, đường kính khoảng 3cm, quả chín có màu đỏ vào tháng 7 – 9 hàng năm.
Cây ngũ vị phân bố chủ yếu tại Trung Quốc, chưa được di thực vào Việt Nam. Vì vậy dược liệu ngũ vị tử trong nước hiện này chủ yếu nhập từ Trung Quốc sang.
Dược liệu làm thuốc sử dụng phần quả (ngũ vị tử) được thu hái khi quả chín, thường vào mùa thu. Sau khi thu hái về, loại bỏ tạp chất, làm sạch, giữ quả nguyên, đem phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học
Theo các phân tích về thành phần, ngũ vị tử có chứa chất béo, acid hữu cơ, tinh dầu, đường và vitamin C.
Tinh dầu mùi chanh, trong đó thành phần tinh dầu gồm 30% sesquiterpene, 20% aldehyd và aceton. Quả chứa 11% acid citric, 7% acid malic và 0.8% acid tartric.
Thành phần chính của ngũ vị tử là các dẫn chất của dibenzo [a,c] cycloocten. Hàm lượng của nhóm lignan này trong hạt ngũ vị tử dao động từ 7.2 – 19.2%, cao nhất vào tháng 5, tháng 6 và từ 1.3% đến 10.3% trong cành.
Tác dụng dược lý theo y học hiện đại
Theo phân tích, ngũ vị tử có nhiều tác dụng như:
- Tác dụng ở tử cung: Nước sắc ngũ vị tử có tác dụng kích thích tử cung thỏ, dù có thai hoặc không có thai hoặc sau khi sinh, làm tăng cường nhịp co thắt. Tác dụng này được dùng để hỗ trợ việc trục (phá) thai.
- Tác dụng chuyển hóa: Nước sắc ngũ vị tử làm tăng tác dụng dự trữ glycogen và glucose ở gan, tăng mức acid lactic, tăng sự hấp thụ chất P32 từ vết vị trường.
- Tác dụng đối với cảm giác: Nước sắc ngũ vị tử làm tăng nhãn lực và nhãn trường ở cả người bệnh và người bình thường khỏe mạnh.
- Tác dụng với hệ thần kinh: Thực nghiệm với chuột nhắt, thành phần schizandrin trong ngũ vị tử có khả năng kích thích hệ thần kinh ngoại biên tiếp nhận nicotin và giải phóng choline. Tác dụng kích thích một số phần ở hệ thần kinh trung ương.
- Tác dụng với hệ hô hấp: Kích thích hoạt động hô hấp thông qua tác động đến hệ thần kinh trung ương.
- Điều trị viêm gan: Ngũ vị tử có tác dụng điều trị viêm gan.
- Trị chứng suy nhược: Cồn chiết ngũ vị tử có tác dụng trên các chứng thần kinh suy nhược với các biểu hiện đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, hồi hộp.
Tính vị, quy kinh
Theo ghi chép của Trung Dược Học, ngũ vị tử có vị chua, tính ấm. Quy kinh Thận và Phế.
Công dụng theo Y học cổ truyền
Ngũ vị tử có tác dụng an thần, thu liễm phế khí, sáp trường, bổ thận, sinh tân chỉ khát…
Công dụng chủ trị di tinh, ra mồ hôi trộm, háo khát, miệng khô, suy nhược, hen suyễn, mất nước…
Liều dùng, cách dùng ngũ vị tử
Ngũ vị tử có thể dùng ở dạng thuốc bột, sắc, làm viên hoàn.
Liều lượng thông thường: 2 – 4g/ ngày, có thể dùng đến 12g/ngày. Tuy nhiên cần tránh dùng liều cao nếu điều trị lâu dài.
Thử độc tính trên chuột cho thấy, liều ngộ độc đường uống là 10-15g/kg. Dấu hiệu ngộ độc, quá liều là mệt mỏi, mất ngủ, khó thở.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ ngũ vị tử
1. Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ
Dành cho người bệnh gặp chứng suy nhược thần kinh, đánh trống ngực, mệt mỏi, tim đập mạnh và thường xuyên mất ngủ.
Chuẩn bị: Câu kỷ tử 30g, rượu 500ml, nhân sâm 10g, ngũ vị tử 30g.
Đem các vị ngâm với rượu trong 7 ngày. Mỗi ngày uống 1 ly nhỏ (khoảng 20ml) trước khi đi ngủ.
2. Chữa di mộng tinh ở nam giới
Chuẩn bị: Hồ đào nhân 250g và ngũ vị tử 100g.
Đem dược liệu ngũ vị tử ngâm trong nửa ngày cho mềm. Sau đó tách bỏ hạt, lấy phần thịt sao với hồ đào nhân. Để nguội bớt và tán thành bột. Mỗi lần dùng 9g thuốc bột uống cùng hồ nước cơm hoặc nước sôi để nguội.
3. Chữa thiếu máu
Chuẩn bị: Ngũ vị tử 10g; đảng sâm 16 g; phục linh, hoàng kỳ, thục địa, bạch thược, đại táo, mỗi vị 12g; đương quy, viễn chí mỗi vị 10g; bạch truật 8g; quế tâm, cam thảo, trần bì, mỗi vị 6g; gừng 2g.
Sắc uống ngày một thang.
4. Bài thuốc chữa chứng vã mồ hôi, hồi hộp
Bài thuốc chữa bệnh từ ngũ vị tử dùng cho người vã mồ hôi, thường hay kích ứng, khát nước, loạn nhịp tim, hồi hộp, thở gấp.
Chuẩn bị: Ngũ vị tử 10g với 1 quả tim lợn.
Tim lợn rửa sạch, sau đó cho ngũ vị tử vào bên trong tim, buộc chặt lại và hầm cho nhừ. Ăn món này khi còn ấm.
5. Chữa khô miệng, háo khát
Chuẩn bị: Ngũ vị tử 6g, mạch đông và đảng sâm mỗi thứ 12g.
Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi bệnh cải thiện.
6. Chữa thận hư gây yếu sinh lý
Chuẩn bị: Ngũ vị tử 8g, phụ tử, long cốt và tang phiêu tiêu mỗi thứ 12g.
Sắc lấy nước uống mỗi ngày dùng 1 thang.
7. Chữa chứng suy nhược khiến mồ hôi ra nhiều
Chuẩn bị: Bạch truật, mẫu lệ, ngũ vị tử, nhân sâm, ma hoàng căn mỗi thứ 63g, bán hạ khúc và bán tử nhân mỗi thứ 125g và 30 quả đại táo.
Để đại táo riêng, các vị thuốc còn lại trộn đều và nghiền thành bột. Sau đó dùng đại táo nấu nhừ, bỏ hạt và nghiền nát. Đem bột thuốc nhào với thịt đại táo, làm thành viên bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống khoảng 20 viên, dùng 2 lần/ ngày.
8. Chữa viêm gan mạn tính
Dùng ngũ vị tử sao vàng. Đem dược liệu tán bột mịn, mỗi lần dùng khoảng 3g uống cùng nước sôi để nguội hoặc nước cơm.
Ngày uống 3 lần, mỗi đợt dùng kéo dài 30 ngày.
9. Chữa thận hư gây đau thắt lưng, cứng xương sống, tiểu trắng đục
Ngũ vị tử 100g đem sấy khô, sau đó tán nhỏ và vo thành viên (viên to bằng hạt đậu xanh). Mỗi lần sử dụng 30 viên uống cùng với giấm.
10. Suyễn ở người cao tuổi
Chuẩn bị: Mạch môn 16g, sa sâm bắc 12g, ngưu tất 16g với ngũ vị tử 5g.
Sắc uống ngày 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng ngũ vị tử
Ngũ vị tử là vị thuốc có nhiều công dụng, nhưng không phải ai cũng dùng được. Do vậy, dược liệu này nên được sử dụng dưới sự tư vấn của chuyên gia để có hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Những đối tượng sau đây nên tránh hoặc cẩn trọng khi dùng ngũ vị tử:
- Người nhiệt thịnh không nên dùng
- Ho giai đoạn đầu, mới phát ban không nên dùng
- Người bị viêm khí phế quản mới phát sốt và ho không nên dùng
- Ngũ vị tử có khả năng co bóp tử cung, vì vậy không dùng cho phụ nữ mang thai
- Ngũ vị tử gây tăng tiết dịch vị dạ dày, do vậy không nên dùng cho người đang có triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng.
- Không nên sử dụng chung với các thuốc chống đông máu warfarin, tacrolimus, thuốc chuyển hóa qua gan… do có thể gây tương tác thuốc.
- Khi dùng ngũ vị tử có thể gặp phải một số tác dụng như đau dạ dày, lười ăn, phát ban da, ợ nóng…
Ds. Thanh Loan