Xử trí khi bị tiêu chảy do kháng sinh

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh thường nhẹ và tự hết khi bạn ngưng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, có một loại tiêu chảy nặng xảy ra gọi là viêm ruột màng giả, cần phải xét nghiệm để phân biệt và có biện pháp điều trị.

Vì sao dùng thuốc kháng sinh dễ gây tiêu chảy?

Bình thường trong đường ruột luôn tồn tại một quần thể vi khuẩn lành tính với nhiều loài khác nhau. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở thế cân bằng, lợi khuẩn giúp tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ các chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.

Kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến cả các vi khuẩn có ích. Điều này sẽ vô tình phá vỡ thế cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ra hiện tượng loạn khuẩn, do đó thúc đẩy sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc mới xâm nhập, dẫn tới tiêu chảy hoặc viêm ruột do kháng sinh.

tiêu chảy do kháng sinh
Có nhiều loại thuốc kháng sinh gây ra tiêu chảy

Hầu hết các loại thuốc kháng sinh đều gây ra sự mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột, nhất là các kháng sinh phổ rộng hiện nay. Các loại kháng sinh hay gây tiêu chảy nhất là ampicillin, các cephalosporin, erythromycin và clindamycin.

Triệu chứng tiêu chảy do kháng sinh

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh là nhẹ với biểu hiện chính là đi ngoài phân sống, phân lỏng nhiều lần trong ngày.

Trong một số trường hợp suy giảm miễn dịch, trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh lý nặng kèm theo, khi dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao, kéo dài có thể gây ra tình trạng tiêu chảy nặng hơn, được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Trong trường hợp này, các biểu hiện có thể bao gồm: tiêu chảy, phân nhiều nước và có thể có máu; đau bụng; buồn nôn và nôn; sốt.

Phân biệt tiêu chảy do kháng sinh với tiêu chảy do ngộ độc hoặc nhiễm virus

Trong hầu hết các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh là nhẹ, đều không kèm theo sốt, triệu chứng tự hết sau khi ngừng kháng sinh; trong khi tiêu chảy do các nguyên nhân nhiễm khuẩn đều kèm sốt cao, mức độ tiêu chảy nặng hơn, kèm theo các rối loạn tiêu hóa khác như nôn, đau bụng.

Tuy nhiên, với các trường hợp viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh, cần đưa trẻ đi khám để được xét nghiệm phân, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Xử trí thế nào khi bị tiêu chảy do kháng sinh?

Với các trường hợp tiêu chảy nhẹ, khi ngừng kháng sinh thì triệu chứng thuyên giảm rõ rệt hoặc có thể khỏi hẳn, thì không cần phải điều trị.

Trong trường hợp loạn khuẩn mà vẫn phải sử dụng kháng sinh hoặc bị tiêu chảy nặng thì cần dùng các biện pháp hỗ trợ thêm như dùng các chế phẩm vi sinh có chứa probiotics và prebiotics có tác dụng cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột. Khi hệ vi sinh đường ruột được cân bằng lại, tình trạng tiêu chảy hay các rối loạn tiêu hóa khác sẽ chấm dứt. Người bệnh cần chú ý không sử dụng men tiêu hóa trong các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh.

tiêu chảy do kháng sinh
Bổ sung lợi khuẩn giúp giảm nhanh tiêu chảy do kháng sinh

Ngoài việc sử dụng men vi sinh, người bị tiêu chảy cũng nên có biện pháp để bù nước và chất điện giải như dùng dung dịch oresol hoặc viên hydrite để tránh bị mất nước. Cần chú ý pha dung dịch bù nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrite để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc kháng sinh phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, không được tự ý bỏ liều hay đổi thuốc kháng sinh khi bị tiêu chảy, bởi điều này sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh hoặc khiến tình trạng loạn khuẩn đường ruột thêm trầm trọng.

Với các trượng hợp đã kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh mà tình trạng tiêu chảy vẫn không đỡ, tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ để được đổi thuốc kháng sinh hoặc có biện pháp điều trị khác cho phù hợp.