mã tiền

Mã tiền – “khắc tinh” của bệnh đau xương khớp

Mã tiền là một vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền, có hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên mã tiền sống có độc nên cần bào chế trước khi sử dụng và chỉ nên dùng các sản phẩm thuốc có chứa mã tiền chế đã được kiểm định.

Mã tiền là một vị thuốc điều trị bệnh xương khớp rất hiệu quả

Mã tiền là gì?

Mã tiền còn có tên gọi khác là Phan một miết, Củ chi, Mắc sèn sứ. Tên khoa học là Strychnos pierriana/Strychnos nux vomica, thuộc họ Mã tiền – Loganiaceae.

Có một số loài thực vật cho dược liệu mã tiền, tiêu biểu như: Cây mã tiền – Strychnos nux vomica, Cây mã tiền cành vuông – Strychnos vanprukii Craib, Cây mã tiền Trung Quốc/ Cát Hải – Strychnos cathayensis Merr, Mã tiền hoa nách – Strychnos axillaris Colebr, Cây mã tiền hoa tán – Strychnos umbellate.

Riêng ở Việt Nam, có gần 20 loài thực vật cho mã tiền, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Gia lai, Đắc Lắc, Kiên Giang.

Nhìn chung, đặc điểm của những cây thuộc chi Strychnos này là cây to, thân đứng, cao từ 5-12 m, cành nhẵn, không có móc, một số cây có gai ở kẽ lá, vỏ màu xám. Hoa có màu trắng hoặc vàng nhạt, mọc thành chùy. Quả bình cầu, có đường kính từ 3-6 cm, vỏ cứng, nhẵn bóng. Quả chín chuyển màu vàng cam hay vàng đỏ, thịt quả màu trắng. Mùa hoa và quả thường từ tháng 2 đến tháng 8.

Bên trong quả có 1-5 hạt tròn dẹt như khuy áo, màu xám. Đường kính của hạt từ 2-2,5 cm, dày 4-5 mm, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt ở giữa. Hạt được dùng làm dược liệu.

mã tiền
Quả mã tiền khi chín có màu vàng cam

Chế biến và bảo quản

Quả được thu hái khi chín khô và rơi xuống đất. Lấy hạt, sấy khô rồi tán nhỏ. Mã tiền là vị thuốc có độc tính. Mã tiền sống có độc tính cao nên được xếp vào nhóm dược liệu độc bảng A. Mã tiền đã qua bào chế (mã tiền chế) ít độc hơn, nên được xếp vào nhóm dược liệu độc bảng B.

Mã tiền cần được bảo quản riêng, không để chung với các vị thuốc khác.

Vị thuốc mã tiền theo Đông y

  • Tính vị: Mã tiền có tính hàn, vị đắng, độc tính rất mạnh.
  • Quy kinh: Vào kinh Tỳ và Can.
  • Công năng: Chỉ thống, tiêu thũng, tê bại, thông kinh lạc, tán kết, mạnh tỳ vị, trừ phong thấp và mạnh gân cốt.
  • Chủ trị: Đau nhức xương khớp, bại liệt, đau tê, viêm âm đạo, viêm họng, mụn nhọt độc.
mã tiền
Quả mã tiền được thu hái khi chín khô và rơi xuống đất, rồi lấy hạt

Dược liệu mã tiền theo phân tích của y học hiện đại

Mã tiền có chứa strychnine, brucine, 2 alkaloid có tác dụng chữa đau xương khớp, có tác dụng với hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, từ đó giúp tăng dẫn truyền thần kinh, giảm đau. Ngoài ra, mã tiền còn làm tê liệt dây thần kinh cảm giác vùng rễ, giảm cảm giác đau nhức xương khớp.

Mã tiền còn giúp ức chế đáng kể sự giải phóng prostaglandine E2 trong mô viêm, hỗ trợ quá trình điều trị các bệnh xương khớp.

Tuy vậy, vì mã tiền có độc nên cần bào chế trước khi sử dụng. Theo GS.TS Phạm Thành Kỳ, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội: “Trong hạt mã tiền có hoạt chất strychnin có độc tính. Nhưng hàm lượng sau bào chế đã giảm, không còn độc tính mà chỉ có tác dụng điều trị bệnh”.

Kinh nghiệm dân gian bào chế mã tiền thành dược liệu

Hạt mã tiền dùng sống không chế biến chỉ được dùng ngâm rượu xoa bóp bên ngoài điều trị đau nhức xương khớp, không được uống.

Hạt mã tiền chỉ được dùng đường uống khi đã được bào chế (mã tiền chế). Các cách bào chế hạt mã tiền như sau:

  • Ngâm hạt mã tiền trong nước vo gạo khoảng 36 giờ cho tới khi mềm. Cạo bỏ vỏ ngoài và mầm, sau đó thái mỏng, sấy khô. Ướp dầu vừng một đêm, rồi sao vàng, cho vào lọ kín.
  • Cho hạt mã tiền vào dầu vừng đun sôi cho đến khi hạt nổi lên thì vớt ra, thái nhỏ, sấy khô.
  • Ngâm hạt mã tiền vào nước vo gạo một ngày một đêm, vớt ra rửa sạch rồi cho vào nồi nấu cùng với cam thảo trong 3 giờ (cứ 100g hạt cho 400ml nước và 20g cam thảo). Khi hạt còn nóng, lấy ra bóc vỏ và bỏ mầm. Đun dầu vừng (300g) cho sôi, bỏ nhân vào khi thấy nổi lên thì vớt ra ngay, thái nhỏ 2-3 mm, sấy khô cho vào lọ kín.
mã tiền
Mã tiền thường được sấy khô, tán thành bột rồi bảo quản

Các bài thuốc dùng mã tiền

Mã tiền có mặt trong nhiều bài thuốc như:

  • Bài thuốc chữa phong thấp, liệt nửa người
  • Bài thuốc chữa phong tê thấp, đau nhức sưng khớp
  • Bài thuốc chữa thấp khớp
  • Bài thuốc chữa viêm khớp và viêm khớp dạng thấp
  • Bài thuốc chữa đau vai gáy
  • Bài thuốc trị di chứng bại liệt ở trẻ nhỏ

Liều dùng trung bình cho người lớn là 0,05g một lần, trong vòng 24 giờ có thể dùng 0,15g. Liều tối đa có thể dùng là: 0,10g một lần, trong vòng 24 giờ có thể dùng 0,30g. Không dùng quá liều quy định. Mã tiền không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai.

Mua mã tiền ở đâu, dùng như thế nào?

Vì mã tiền có độc tính nên khi tìm mua và sử dụng dược liệu này nên cẩn trọng, chỉ nên tới những cơ sở, nhà thuốc Đông y hoặc doanh nghiệp dược phẩm uy tín đến tìm mua được sản phẩm đúng chất lượng. Tránh mua và dùng mã tiền không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, chưa được kiểm định.

Một số sản phẩm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng mã tiền chế (mã tiền đã bào chế) để điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp có hiệu quả cao, bạn có thể tham khảo sử dụng.

Vân Anh

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y