Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột gây ảnh hưởng tới đường tiêu hóa. Tìm hiểu các triệu chứng bệnh Crohn dễ nhận biết để điều trị kịp thời.
Thông tin tổng quan về bệnh Crohn
Bệnh Crohn gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa gây ra đau bụng, tiêu chảy nặng, mệt mỏi, sụt cân và suy dinh dưỡng.
Viêm do mắc bệnh Crohn có thể liên quan tới các phần khác nhau của đường tiêu hóa tùy thuộc vào mỗi người. Tình trạng viêm thường lan tới các lớp sâu hơn của ruột.
Bệnh Crohn có thể gây đau đớn và suy nhược, đôi khi có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Tuy không có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh Crohn nhưng bác sĩ sẽ áp dụng các liệu pháp giúp giảm các triệu chứng bệnh và giúp chữa trị triệu chứng viêm. Điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp người bệnh Crohn có cuộc sống như bình thường.
Các triệu chứng của bệnh Crohn
Khi mắc phải bệnh Crohn, bất kỳ phần nào của ruột non hoặc ruột già đều có thể liên quan và bệnh có thể gây ảnh hưởng tới cả đoạn liên tục hoặc nhiều đoạn nhất định. Ở một số người, bệnh Crohn chỉ ảnh hưởng tới ruột kết, một phần của ruột già.
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh Crohn có thể từ nhẹ tới nặng. Triệu chứng thường xuất hiện dần nhưng đôi khi sẽ xuất hiện đột ngột không báo trước. Có những khoảng thời gian mà triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm.
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh Crohn bao gồm:
- Tiêu chảy
- Có lẫn máu trong phân
- Sốt cao
- Mệt mỏi
- Đau quặn ruột
- Lở miệng
- Sụt cân và chán ăn
- Đau hoặc tiết dịch xung quanh hậu môn
Các dấu hiệu và triệu chứng khác
Những người bị bệnh Crohn nặng cũng có thể gặp phải:
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nên đi khám nếu bạn có những thay đổi nhiều trong thói quen đi vệ sinh hoặc có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh Crohn. Chẳng hạn như:
- Đau bụng
- Có máu trong phân
- Buồn nôn và ói mửa
- Những cơn tiêu chảy liên tục không đáp ứng với thuốc không kê đơn (OTC)
- Sốt không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 hoặc 2 ngày
- Giảm cân không giải thích được
Nguyên nhân dẫn tới bệnh Crohn
Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn chưa được biết. Trước đây, chế độ ăn uống và căng thẳng được nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên hiện tại bác sĩ đã nghiên cứu và cho rằng các yếu tố này chỉ làm trầm trọng thêm bệnh chứ không gây ra bệnh Crohn. Một số yếu tố khác như di truyền và hệ miễn dịch gặp vấn đề có thể ảnh hưởng gây ra bệnh. Cụ thể:
- Hệ miễn dịch: Có thể virus hoặc vi khuẩn có thể gây ra bệnh Crohn. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa xác định được yếu tố gây bệnh. Khi hệ miễn dịch đang cố gắng chống lại vi sinh vật xâm nhập, một phản ứng miễn dịch bất thường cũng khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào trong đường tiêu hóa.
- Di truyền: Bệnh Crohn phổ biến hơn ở những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh. Vì thế, gen di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh Crohn
Các yếu tố nguy cơ của bệnh Crohn bao gồm:
- Tuổi tác: Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi. Hầu hết những người phát bệnh Crohn được chẩn đoán trước tuổi 30.
- Lịch sử gia đình: Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu như có người thân ruột thịt bị mắc bệnh như: cha mẹ, anh chị em. Cứ 5 người mắc bệnh Crohn thì có 1 người có thành viên trong gia đình mắc bệnh.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất có thể kiểm soát được. Hút thuốc lá cũng khiến bệnh tiến triển nặng hơn và có nguy cơ phải phẫu thuật. Vì thế tốt nhất nên ngừng hút thuốc lá.
- Sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid: Bao gồm ibuprofen (Advil, Motrin IB,…), naproxen natri (Aleve), diclofenac natri và những loại khác. Mặc dù thuốc không gây bệnh Crohn nhưng chúng có thể gây viêm ruột, làm cho bệnh Crohn trở nên trầm trọng hơn.
Các biến chứng của bệnh Crohn
Bệnh Crohn có thể dẫn đến một hoặc nhiều biến chứng sau:
- Tắc ruột: Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ độ dày của thành ruột. Theo thời gian các phần của ruột có thể bị sẹo và hẹp lại. Quá trình này dẫn tới tắc nghẽn dòng chảy của các chất tiêu hóa. Bạn có thể được yêu cầu phẫu thuật để cắt bỏ một phần ruột bị bệnh.
- Viêm loét: Viêm mạn tính có thể dẫn đến vết loét hở ở bất kỳ khu vực nào trong đường tiêu hóa. Bao gồm cả miệng, hậu môn và vùng sinh dục.
- Lỗ rò: Đôi khi vết loét mở rộng hoàn toàn qua thành ruột, tạo ra lỗ rò – gây ra kết nối bất thường giữa các bộ phận cơ thể khác nhau. Các lỗ rò có thể phát triển giữa ruột và da, hoặc giữa ruột và một cơ quan khác. Lỗ rò gần hoặc xung quanh khu vực hậu môn là phổ biến nhất.
Khi các lỗ rò phát triển trong hệ tiêu hóa, thức ăn có thể bỏ qua khu vực ruột cần thiết để hấp thụ. Các lỗ rò hình thành giữa các vòng ruột, trong bàng quang hoặc âm đạo hoặc qua da khiến chất trong ruột thoát ra liên tục trên da.
Trong một số trường hợp, lỗ rò có thể nhiễm trùng và tạo thành áp xe có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
- Nứt hậu môn: Đây là một vệt rách nhỏ ở mô lót hậu môn hoặc ở xung quanh vùng da quanh hậu môn, nơi có thể xảy ra nhiễm trùng. Đây là hậu quả của việc đi tiêu bị đau đớn và có thể gây ra lỗ rò quanh hậu môn.
- Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy, đau bụng có thể khiến bạn chán ăn hoặc ruột không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Bệnh Crohn vì thế cũng dễ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt hoặc thiếu vitamin B12.
- Ung thư ruột kết: Mắc bệnh Crohn ảnh hưởng đến ruột kết làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Hướng dẫn tầm soát ung thư ruột kết chung cho những người không mắc bệnh Crohn và nên nội soi hệ tiêu hóa 10 năm một lần bắt đầu từ tuổi 50. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần tầm soát sớm hơn không.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Bệnh Crohn có thể gây ra các vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể. Trong đó gồm có: thiếu máu, loãng xương, viêm khớp, bệnh gan,…
- Cục máu đông: Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.
- Rủi ro khi sử dụng thuốc điều trị: Một số loại thuốc điều trị bệnh Crohn hoạt động bằng cách ngăn chặn chức năng của hệ miễn dịch có liên quan đến nguy cơ nhỏ phát triển các bệnh ung thư như ung thư hạch và ung thư da.
Chúng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi dùng thuốc. Cần hỏi ý kiến bác sĩ để xác dịnh những rủi ro và lợi ích khi dùng thuốc.
Chẩn đoán bệnh Crohn
Bác sĩ có thể chẩn đoán mắc bệnh Crohn chỉ sau khi loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng của người bệnh. Không có xét nghiệm đơn lẻ để chẩn đoán được bệnh Crohn.
Bác sĩ cần kết hợp các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh Crohn, bao gồm:
Xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu. Khi máu không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy tới các mô hoặc để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân: Người bệnh cần cung cấp mẫu phân để xét nghiệm xem có máu hoặc vi khuẩn trong phân không.
Chụp chiếu
- Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ xem toàn bộ đại tràng và phần cuối hồi tràng bằng cách dùng một ống mỏng, mềm và có gắn camera ở cuối. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để phân tích trong phòng thí nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh hơn. Các cụm tế bào viêm được gọi là u hạt nếu có về cơ bản giúp chẩn đoán ra bệnh Crohn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bạn có thể chụp CT – một kỹ thuật X-quang đặc biệt sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn so với chụp X-quang thường. Chụp cắt lớp sẽ giúp nhìn thấy toàn bộ ruột cũng như các mô bên ngoài ruột. Chụp CT ruột non là một phương pháp chụp cắt lớp CT giúp cung cấp hình ảnh rõ hơn về ruột non.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là cách sử dụng máy cộng hưởng từ dùng một sóng từ đặc biệt để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và các mô. Chụp cộng hưởng từ đặc biệt hữu ích để đánh giá lỗ rò xung quanh hậu môn hoặc ruột non.
Điều trị bệnh Crohn bằng cách nào?
Hiện nay không có cách nào giúp chữa khỏi hoàn toàn được bệnh Crohn và không phải tất cả bệnh nhân mắc bệnh Crohn đều có chung phương pháp điều trị. Mục tiêu của điều trị y tế là giảm viêm gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Một mục tiêu khác là cải thiện bệnh về lâu dài và hạn chế các biến chứng bệnh. Trường hợp tốt nhất là có thể điều trị bệnh Crohn không chỉ giảm triệu chứng mà còn giúp giảm thuyên giảm lâu dài.
Dùng thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm thường là bước đầu tiên trong điều trị bệnh viêm ruột. Chúng bao gồm:
- Thuốc corticoid: Corticosteroid như prednisone và budesonide (Entocort EC) có thể giúp giảm viêm trong cơ thể nhưng chúng không có tác dụng đối với tất cả những người mắc bệnh Crohn. Bác sĩ thường chỉ sử dụng chúng nếu người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Corticosteriod có thể được sử dụng để cải thiện triệu chứng ngắn hạn (3 đến 4 tháng) và làm thuyên giảm bệnh. Corticosteroid cũng có thể được sử dụng kết hợp với thuốc ức chế hệ miễn dịch.
- Uống 5-aminosalicylat: Những loại thuốc này bao gồm sulfasalazine (Azulfidine), có chứa sulfa và mesalamine (Asacol HD, Delzicol, những loại khác). 5 – aminosalicylat đường uống đã được sử dụng rộng rãi trong quá khứ nhưng hiện nay thường được coi là không có nhiều lợi ích.
Sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch
Những loại thuốc này cũng giúp giảm viêm nhưng chúng nhằm vào hệ miễn dịch, nơi sản sinh ra các chất gây viêm. Đối với một số người, sự kết hợp các loại thuốc này hoạt động tốt hơn so với một số loại thuốc đơn lẻ.
Các chất ức chế hệ miễn dịch bao gồm:
- Azathioprine (Azasan, Imuran) và mercaptopurine (Purinethol, Purixan): Đây là những chất ức chế miễn dịch được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị bệnh viêm ruột. Dùng thuốc này cần người bệnh phải theo dõi chặt chẽ với bác sĩ và kiểm tra các tác dụng phụ thường xuyên. Ví dụ như giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và gây viêm gan. Dùng thuốc cũng gây cảm giác buồn nôn.
- Methotrexate (Trexall): Thuốc này đôi khi được sử dụng cho những người bệnh Crohn không đáp ứng tốt với các loại thuốc khác. Bạn sẽ cần theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc để biết được các tác dụng phụ.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh giúp giảm lượng dịch tiết ra từ lỗ rò và áp xe, đôi khi giúp chữa lành chúng ở người bệnh Crohn. Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng dùng thuốc kháng sinh giúp giảm vi khuẩn đường ruột có hại đóng vai trò kích hoạt hệ miễn dịch đường ruột gây viêm. Một số loại thuốc kháng sinh thường được kê toa bao gồm ciprofloxacin (Cipro) và metronidazole (Flagyl).
Các loại thuốc khác
Ngoài việc kiểm soát viêm một số loại thuốc được sử dụng đối với người bệnh Crohn để giảm các dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Tuy nhiên cần sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, bởi tùy mức độ bệnh bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc sau:
- Chống tiêu chảy: Thực phẩm bổ sung chất xơ có thể giúp giảm tiêu chảy từ nhẹ tới trung bình.
- Thuốc giảm đau: Đối với những cơn đau nhẹ, bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng acetaminophen, tuy nhiên không nên dùng các loại giảm đau thông thường khác như ibuprofen hoặc naproxen sodium. Những loại thuốc này sẽ làm các triệu chứng trở nên tệ hơn.
- Vitamin và các chất bổ sung: Nếu bạn không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, bác sĩ có thể đề nghị các loại vitamin và chất bổ sung dinh dưỡng.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Bác sĩ có thể khuyến cáo chế độ ăn uống đặc biết được cung cấp qua đường uống hoặc cho ống, các chất dinh dưỡng được truyền vào tĩnh mạch để điều trị bệnh Crohn. Bởi đây là cách giúp cải thiện dinh dưỡng tổng thể và cho phép ruột được nghỉ ngơi. Khi ruột được nghỉ trong một thời gian sẽ giúp giảm tình trạng viêm đáng kể.
Bác sĩ cũng có thể áp dụng liệu pháp dinh dưỡng ngắn hạn và kết hợp dùng thuốc như thuốc ức chế hệ miễn dịch.
Bác sĩ sẽ đề nghị một chế độ ăn ít chất xơ để giảm nguy cơ tắc ruột nếu bạn bị hẹp ruột. Chế độ ăn ít được cho rằng giúp giảm kích thước và lượng phân của người bệnh.
Phẫu thuật
Nếu như thay đổi chế độ ăn và điều trị bằng thuốc không giúp giảm triệu chứng bệnh Crohn bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật. Gần 50% người bệnh Crohn sẽ phải phẫu thuật ít nhất một lần. Tuy nhiên, phẫu thuật không hề chữa khỏi bệnh.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ một phần ruột bị hư hỏng và sau đó nối lại các phần khỏe mạnh. Phẫu thuật cũng giúp đóng lại các lỗ rò và dẫn lưu ổ áp xe.
Lợi ích của phẫu thuật đối với bệnh Crohn thường là tạm thời. Bệnh thường dễ tái phát gần với mô được nối. Tốt nhất là nên theo dõi bệnh sau khi phẫu thuật kết hợp với uống thuốc để giảm nguy cơ tái phát.
Đào Tâm