Sử dụng húng chanh chữa bệnh như thế nào cho hiệu quả?
Húng chanh là một loại thảo dược được sử dụng lâu đời trong y học dân gian. Nghiên cứu cho thấy húng chanh chữa bệnh được do có tính kháng khuẩn cao.
Húng chanh là vị thuốc được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày
Đặc điểm thực vật của húng chanh
Húng chanh còn có tên gọi khác là rau thơm lông, rau tần lá dày hay dương tử tô. Húng chanh có tên khoa học là Coleus amboinicus Lour., họ Bạc hà Lamiaceae. Đây là cây thảo, sống lâu năm, cao 20 – 50cm. Thân mọc đứng hay ngả, phần sát gốc hóa gỗ. Lá mọc đối, dày, mọng nước, hình trứng rộng, gốc hình nêm, đầu hơi nhọn hoặc tù, dài 3 – 6 cm, rộng 2 – 5 cm, mép khía răng tròn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông dày, các vòng mang hoa rất sít nhau, hoa nhỏ màu tím hồng, dài hình chuông ngắn, có lông, chia 5 răng, răng trên hình trứng rộng, răng dưới và răng bên gần bằng nhau, tràng cong, có ống hình phễu, mặt ngoài có lông, mặt trong nhẵn, môi dưới dài bằng ống tràng, môi trên ngắn, 3 thùy, thùy trên rộng, hai thùy bên hình mũi mác, nhị 4, thò ra ngoài tràng. Quả bế tư, nhỏ, hình cầu, màu nâu.
Toàn cây có lông rất nhỏ và mùi thơm như chanh. Ở Việt Nam, húng chanh là cây trồng từ lâu đời, rải rác trong nhân dân, chưa trở thành một cây trồng sản xuất. Cây ưa sáng và ưa ẩm, đôi khi chịu hạn. Cây trồng ở các tỉnh phía Bắc có hiện tượng rụng lá vào mùa đông, ít khi thấy có hoa. Húng chanh có khả năng tái sinh vô tính khỏe.
Thành phần hóa học của húng chanh
Lá húng chanh chứa thành phần chủ yếu là tinh dầu. Thành phần chính trong tinh dầu húng chanh là carvacrol (69%), cymene (9%), kế tiếp là trans-caryophyllene (4%). Ngoài ra, trong húng chanh có chứa hàm lượng cao các vitamin A, B, C, Omega 6. Những hoạt chất này có tác dụng tăng cường sức đề kháng, cải thiện thị lực của cơ thể.
Theo công bố của một số nhà nghiên cứu, thành phần chính trong tinh dầu húng chanh là Thymol chiếm khoảng 41,13%. Hàm lượng tinh dầu và các thành phần hóa học của nó sẽ thay đổi tùy thuộc vào môi trường phát triển và thời điểm thu hái.
Tính vị, công năng
Lá húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, vào hai kinh can, phế, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, phát hãn, thoái nhiệt, tiêu độc.
Công dụng của húng chanh
Kết quả thử hoạt tính kháng vi sinh vật cho thấy, ở nồng độ thấp, tinh dầu kháng tốt trên một số vi sinh vật thử nghiệm Escherichia coli ATCC 25922, Candida albicans ATCC 10231, Enterococcus feacalis ATCC 29212, Aspergillus niger, Bacillus subtilis ATCC 6633, Staphylococus aureus ATCC 25923 và Samonella typhi2.
Cao nước húng chanh có tác dụng ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng. Như vậy, tác dụng kháng khuẩn của húng chanh không chỉ do tinh dầu, mà có thể do những thành phần khác chứa trong cao nước như flovon, acid nhân thơm, tanin, vì lượng tinh dầu trong cao nước húng chanh rất ít.
Lá húng chanh được dùng để chữa cảm cúm, ho, hen, viêm họng, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, nôn ra máu, chảy máu cam.
Thường dùng lá tươi với liều 10 – 16g mỗi ngày, dạng thuốc sắc, xông hoặc giã nát vắt lấy nước uống. Trong thuốc xông, lá húng chanh thường được dùng phối hợp với nhiều loại lá khác có tinh dầu như sả, hương nhu, hoắc hương… Cũng có thể dùng lá phơi âm can với liều 4 – 8g mỗi ngày. Dùng ngoài, lá tươi húng chanh giã nát, đắp lên vết thương chữa rết và bọ cạp cắn.
Ở Ấn Độ, lá húng chanh chữa bệnh về tiết niệu… Nước ép lá trộn với đường là một thuốc gây trung tiện mạnh. Húng chanh được dùng trong chứng khó tiêu, tuy có ý kiến cho rằng thuốc có độc. Nước sắc lá được dùng chữa ho và hen mạn tính.
Các bài thuốc từ húng chanh
Chữa ho, viêm họng, khản tiếng
Lá húng chanh tươi nhai ngậm với muối, nuốt nước dần dần. Hoặc lấy 20g lá tươi giã nhỏ, thêm nước gạn uống làm 2 lần trong ngày.
Đối với trẻ nhỏ, lấy lá tươi rửa sạch, giã nhỏ với ít đường, đem hấp cách thủy và cho uống làm 2 -3 lần trong ngày.
Húng chanh 20g, xạ can 20g. Nấu thành cao lỏng có đường, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê, hoặc làm thành phiến, mỗi ngày ngậm 1 phiến, tương đương với 3 g dược liệu.
Chữa ho gà
Húng chanh 10g, mạch môn 12g, vỏ rễ dâu 12g, bách bô 10g, rau sam 10g. Sắc uống ngày một thang, uống liên tục 15 – 30 thang. Hoặc chế thành siro, ngày uống 3 lần, mỗi lần một thìa canh. Trẻ em giảm ½ liều.
Chữa cảm mạo do lạnh
Húng chanh 10g, bách bộ 12g, tía tô 12g, xạ can 10g, gừng 8g, trần bì 8g, bạch chỉ 6g. Sắc uống ngày 1 thang trong 5 ngày liền.
Chữa cảm cúm, cảm sốt, nóng rét, nhức đầu ngạt mũi, ho đờm
Lá húng chanh tươi 15 – 20g, giã lấy nước cốt uống. Lá húng chanh tươi 15 – 20g, gừng 12g, hành 12g cùng lúc sắc uống và xông cho ra mồ hôi.
DS Phan Thu Hiền