Bệnh nhân ung thư sau khi điều trị một đợt hóa chất thường cảm thấy đau xương khớp, nhức mỏi chân. Tìm hiểu nguyên do tại sao và cách khắc phục hiệu quả.
Tình trạng nhức mỏi chân sau hóa trị ở người bệnh ung thư
Đối với mỗi bệnh nhân thì sau hóa trị sẽ gặp phải tác dụng phụ khác nhau. Một trong những hiện tượng nhiều người gặp phải là bị chuột rút, đau cơ, khớp và đau xương. Cơn đau có thể nhẹ và không liên tục nhưng cũng có thể xuất hiện cơn đau dữ dội và dai dẳng.
Cơ chế của loại đau cơ xương khớp này chưa được nghiên cứu đầy đủ. Theo một số chuyên gia, thì nhiều người bệnh trải qua cơn đau do hóa trị thường mô tả cảm giác đau nhức hoặc tê buồn chân tay. Điều này cho thấy bệnh nhân có thể xuất hiện viêm và có thể do đau thần kinh.
Một số loại thuốc hóa trị đặc biệt có liên quan tới tình trạng đau chân sau khi hóa trị. Cơn đau thường bắt đầu 2 – 3 ngày sau mỗi đợt hóa trị và kéo dài khoảng 7 ngày.
Đau nhức cơ xương khớp làm ảnh hưởng tới chất lượng sống và khả năng sinh hoạt của mỗi người. Nếu như bạn gặp phải cơn đau khiến cho việc hoạt động bình thường trở nên khó khăn thì nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Có thể cần phải điều chỉnh liều hóa trị hoặc thực hiện thêm các xét nghiệm để loại trừ một số nguyên nhân khác gây ra triệu chứng này.
Cách giúp giảm đau cơ xương khớp sau khi hóa trị
Liệu pháp nhiệt
Sử dụng một túi chườm ấm để lên vùng bị đau để giúp tăng nhiệt độ cơ thể cục bộ giúp làm giãn nở mạch máu và tăng cường máu lưu thông tới vùng đó để thư giãn các cơ. Chườm ấm cũng giúp thích thích các thụ thể nhiệt trên da, ghi đè các tín hiệu đau truyền đến não bằng các kích thích không đau.
Ngoài sử dụng túi chườm ấm, bạn có thể dùng chai nước nóng, túi gel hoặc tắm nước nóng.
Liệu pháp lạnh
Khi chườm lạnh vào khu vực đau, mạch máu ở khu vực đó sẽ co lại và giảm lưu lượng máu đến đây. Hệ quả là khu vực này sẽ tạm tê liệt và giảm đau khi chườm lạnh. Khi không chườm nữa thì lưu lượng máu tới vùng bị đau sẽ tăng lên giúp “thải” chất độc ra khỏi khu vực bị đau có thể giúp giảm viêm.
Massage vùng bị đau
Bị đau nhức cơ xương khớp sau khi hóa trị thì nên thực hiện các biện pháp massage khu vực bị đau để kiểm soát các triệu chứng nhức mỏi, đau đớn và bồn chồn.
Tuy nhiên, massage nên lựa chọn các kiểu chạm nhẹ hơn là massage cơ sâu đối với bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó cũng nên tránh xoa bóp trực tiếp lên vị trí có các khối u, các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng cũng như vị trí điều trị bằng xạ trị.
Tập thể dục kéo giãn nhẹ nhàng
Cơ bắp bị đau sẽ có xu hướng bị căng đau. Tình trạng đau kéo dài sẽ dẫn tới các cơ bị rút ngắn, cứng và giảm phạm vi chuyển động. Vì thế, người bệnh nên kết hợp các động tác thể dục kéo giãn nhẹ nhàng vào mỗi ngày để duy trì hoạt động và giảm đau hiệu quả.
Hoạt động thường xuyên
Người bệnh sau hóa trị sẽ trở nên mệt mỏi và thiếu năng lượng hơn so với bình thường. Tuy nhiên người bệnh vẫn nên duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày. Bởi các bài tập nhẹ sẽ có lợi giúp cải thiện nhiều triệu chứng do tác dụng phụ mà hóa trị gây ra.
Hãy lựa chọn bài tập có cường độ thấp không gây áp lực lên các khớp như đi bộ hoặc đạp xe. Cố gắng duy trì tập luyện mỗi ngày một khoảng thời gian ngắn để tăng lưu lượng máu cũng như duy trì chức năng tim mạch.
Sử dụng thuốc giảm đau
Bác sĩ có thể đưa ra phương pháp giảm đau tức thời bằng cách sử dụng paracetamol để đối phó với cơn đau chân do hóa trị gây ra. Một số nhà khoa học cho rằng sử dụng loratadine kháng histamine có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau nhức chân.
Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về các loại thuốc giảm đau có thể sử dụng được để giảm đau cơ sau hóa trị.
Bổ sung kali vào chế độ ăn
Nên đảm bảo chế độ ăn giàu kali với một số loại thực phẩm như: chuối, dưa chuột, mơ khô, nho khô, sữa chua,… sẽ giúp giảm đau nhức.
Đau nhức chân sau hóa trị có phải là bệnh tổn thương dây thần kinh?
Tổn thương dây thần kinh có thể gây ra cảm giác ngứa ran, tê và các cảm giác khác ở bàn chân và bàn tay. Các triệu chứng này tương tự như đau nhức chân sau hóa trị. Các bác sĩ cho rằng hiện tượng này xảy ra do hóa trị làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh bao gồm cả dây thần kinh.
Hóa trị có thể làm hỏng các dây thần kinh ảnh hưởng đến cảm giác và cử động ở bàn chân và bàn tay. Đây được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên do hóa trị liệu. Tuy nhiên, cũng có người bệnh ung thư sau khi hóa trị không gặp phải tình trạng này.
Các bác sĩ không chắc tại sao có người gặp phải bệnh tổn thương thần kinh sau hóa trị, nhưng có người lại không bị. Rủi ro này phụ thuộc vào loại thuốc hóa trị của mỗi người khác nhau có thể gây tổn thương các dây thần kinh.
Dù gặp phải vấn đề gì thì bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để kiểm soát các tác dụng phụ của quá trình hóa trị. Quản lý được chúng sẽ giúp cải thiện kế hoạch điều trị, sức khỏe và cuộc sống của mình.
Đào Tâm