Thừa cân, béo phì có ảnh hưởng đến tim, khớp, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Tìm hiểu bệnh ung thư liên quan đến thừa cân và ung thư như thế nào để phòng tránh hiệu quả?
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa thừa cân, béo phì và ung thư đã được nhiều nhà khoa học quan tâm và nghiên cứu.
Một đánh giá được công bố mới đây của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho thấy: thừa cân, béo phì có liên quan đến 13 loại bệnh ung thư khác nhau.
Mối liên hệ giữa trọng lượng cơ thể và nguy cơ ung thư
Một báo cáo được công bố vào năm 2017 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy: ung thư liên quan đến thừa cân và béo phì chiếm 40% tổng số ca ung thư ở Hoa Kỳ từ năm 2005 đến 2014. Tuy nhiên, mối quan hệ này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc giảm cân thì sẽ tránh được ung thư, cũng không phải tất cả những người bị tăng thêm vài cân đều có nguy cơ bị ung thư.
Nhưng nhìn chung, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và giảm cân có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư, đặc biệt là những loại ung thư liên quan đến béo phì.
Bác sĩ, Graham Colditz – Phó giám đốc Viện Y tế Công cộng tại Đại học Washington (Mỹ) cho biết: lời khuyên tốt nhất là tránh tăng thêm cân. Giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ cũng như ung thư.
Một số bệnh ung thư có liên quan đến béo phì
1. Ung thư vú
Thừa cân làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nguy cơ chỉ tăng cao ở phụ nữ sau mãn kinh, thường ở độ tuổi từ 45 đến 55.
Phụ nữ sau mãn kinh bị béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng 20 – 40% so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Cứ tăng thêm 5 điểm trên thang chỉ số khối cơ thể (BMI) thì nguy cơ đó sẽ tăng thêm 12%.
Chỉ số BMI là tỷ lệ chiều cao trên cân nặng. BMI lý tưởng của người Việt Nam là từ 18,5 đến 22,9. Dấu hiệu thừa cân xảy ra khi BMI lớn hơn 23 và nếu con số đó vượt trên 25 thì là béo phì.
Mô mỡ sản xuất hormone estrogen. Trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể sản xuất ngày càng ít estrogen hơn bình thường. Vì vậy, sau khi mãn kinh, chất béo trở thành nguồn chính của estrogen. Nhưng estrogen cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư vú. Mỡ cơ thể dư thừa có thể đồng nghĩa với lượng estrogen dư thừa, do đó làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Mô mỡ có thể không ổn định và bị viêm. Chứng viêm mãn tính kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư. Vì vú chủ yếu chứa các mô mỡ, nên có khả năng loại rối loạn chức năng mô mỡ này có liên quan đến mối liên hệ giữa nguy cơ ung thư vú và cân nặng.
2. Bệnh ung thư buồng trứng
Nguy cơ ung thư buồng trứng cũng cao hơn ở những phụ nữ có chỉ số BMI cao. Chỉ số BMI tăng 5 điểm sẽ làm tăng 10% nguy cơ ung thư buồng trứng.
Giống như ung thư vú, estrogen được sản xuất trong mô mỡ thừa có thể góp phần gây nguy cơ ung thư buồng trứng. Rối loạn chức năng trao đổi chất như kháng insulin cũng có thể là một yếu tố nguy cơ.
3. Ung thư nội mạc tử cung
Nội mạc tử cung là mô lót bên trong tử cung. Các tế bào nội mạc tử cung có thể trở nên ác tính, gây ung thư nội mạc tử cung.
Tình trạng này có nguy cơ cao gấp 2 đến 4 lần ở phụ nữ thừa cân và béo phì so với phụ nữ có cân nặng bình thường.
Cũng như ung thư vú và ung thư buồng trứng, estrogen mà mô mỡ sản xuất dư thừa, có thể góp phần gây nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Một số bằng chứng cũng cho thấy mối liên hệ giữa ung thư nội mạc tử cung và kháng insulin.
4. Ung thư đại tràng
Những người béo phì có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn gần 30% so với những người có chỉ số BMI bình thường.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra hai giả thuyết về lý do tại sao trọng lượng cơ thể dường như ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư đại tràng.
Lý thuyết đầu tiên chỉ ra tình trạng kháng insulin, khiến cơ thể không sử dụng insulin đúng cách. Nếu không được điều trị, những người bị kháng insulin sẽ bị tăng lượng đường trong máu. Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng insulin. Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa kháng insulin với việc tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
Giả thuyết thứ hai liên quan đến việc sản xuất hormone và viêm nhiễm. Mô mỡ giải phóng hormone adipokine kích thích sự phát triển của tế bào, bao gồm cả sự phát triển của tế bào ung thư đại tràng. Đại tràng cũng được bao quanh bởi mô mỡ. Nếu có tình trạng viêm mãn tính sẽ dẫn đến ung thư.
5. Ung thư thực quản
Thừa cân béo phì làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc một loại ung thư ở thực quản gọi là ung thư biểu mô tuyến thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thực quản bắt đầu trong các tế bào cổ họng sản xuất chất nhầy và chất lỏng.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (tình trạng axit dạ dày di chuyển vào phần dưới của thực quản) là một yếu tố nguy cơ gây ra loại ung thư này và căn bệnh này phổ biến hơn ở những người bị thừa cân, béo phì.
Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng viêm mãn tính do mô mỡ gây ra có thể góp phần gây ung thư thực quản.
6. Ung thư túi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ gần gan tiết ra mật, giúp tiêu hóa, đặc biệt là chất béo. Nguy cơ ung thư túi mật tăng khoảng 20% nếu bị thừa cân. Và nếu bị béo phì, tỷ lệ này sẽ tăng lên 60%.
Bị sỏi mật là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư túi mật. Sỏi mật là những khối mật và cholesterol hòa tan trong túi mật hoặc ống mật. Người bị béo phì cũng thường bị sỏi mật.
7. Ung thư thận
Nguy cơ ung thư thận ở những người thừa cân hoặc béo phì cao gần gấp đôi so với những người có chỉ số BMI bình thường.
Cũng như các bệnh ung thư liên quan đến thừa cân và béo phì khác, kháng insulin có thể góp phần làm tăng nguy cơ ung thư thận.
Thận nằm trong một lớp chất béo. Và tình trạng viêm trong mô mỡ đó cũng có thể ảnh hưởng đến thận.
8. Ung thư gan
Nguy cơ ung thư gan cũng cao gấp đôi ở những người thừa cân hoặc béo phì so với những người có chỉ số BMI bình thường.
Các nhà nghiên cứu tìm kiếm các nguyên nhân khác gây ung thư gan để hiểu hơn về mối liên hệ với trọng lượng cơ thể. Ví dụ, viêm gan C, xơ gan đều có thể tiến triển thành ung thư gan.
Viêm gan C và xơ gan có thể tạo ra chứng viêm mãn tính. Tình trạng viêm đó sẽ “châm ngòi” cho sự phát triển của các tế bào ung thư.
9. U màng não
U màng não là một loại u bắt đầu ở màng não, màng bao phủ não và tủy sống.
Nguy cơ u màng não cao hơn khoảng 20% ở những người thừa cân và 50% ở những người béo phì so với mức trung bình. Nguyên nhân cũng có liên quan đến estrogen.
10. Bệnh đa u tủy
Đa u tủy là một loại ung thư máu ảnh hưởng đến các tế bào plasma trong tủy xương.
Nguy cơ mắc đa u tủy cao hơn từ 10% đến 20% ở những người thừa cân hoặc béo phì so với những người khác.
Theo một nghiên cứu, các hóa chất làm tăng quá trình viêm do các tế bào mỡ tạo ra có thể giúp đa u tủy phát triển vì có các tế bào mỡ trong tủy xương.
11. Ung thư tuyến tụy
Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 50% so với những người có chỉ số BMI bình thường.
Tuyến tụy sản xuất insulin, làm cho cơ quan này đóng vai trò chính trong việc trao đổi chất. Các vấn đề về sản xuất insulin như kháng insulin, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.
Ngoài ra, tuyến tụy được bao quanh bởi chất béo, có thể gây viêm và kích hoạt sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tụy.
12. Ung thư dạ dày
Những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc ung thư tâm vị dạ dày cao gấp đôi, một tình trạng ảnh hưởng đến phần trên của dạ dày, so với những người có chỉ số BMI bình thường.
Tình trạng viêm mãn tính do mô mỡ thừa gây ra cũng có thể liên quan.
13. Ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến hình con bướm ở cổ, giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao từ 26 đến 30% so với bình thường.
Tình trạng viêm mãn tính và tăng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) là các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp.
Tóm lại, thủ phạm khiến thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ ung thư là do tình trạng viêm mãn tính do mô mỡ dư thừa gây ra. Các hormone như insulin và estrogen được tạo ra từ chất béo cũng là yếu tố nguy cơ.
Việc giảm cân và giữ cân nặng ở mức bình thường, khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính khác, qua đó giúp phòng ngừa ung thư.
Vân Anh