Ung thư lưỡi – Những dấu hiệu nhận biết sớm không thể bỏ qua

Ung thư lưỡi là loại ung thư phổ biến nhất trong các ung thư khoang miệng. Tuy nhiên, 90% bệnh nhân chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Có dấu hiệu nào nhận biết bệnh sớm không?

Ung thư lưỡi
Nhận biết sớm ung thư lưỡi giúp điều trị hiệu quả, kéo dài thời gian sống

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư lưỡi

Lưỡi được cấu tạo từ một nhóm cơ đóng vai trò nếm thức ăn, tham gia các vận động nuốt và nói. Thông thường, lưỡi có màu hồng và được phủ bằng các nốt sần nhỏ gọi là nhú lưỡi. Các bất thường ở lưỡi tương đối phổ biến nhưng phần lớn là các vấn đề không nghiêm trọng có thể được giải quyết một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những bất thường ở lưỡi có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm trong đó có ung thư lưỡi.

Hiện nay, y học vẫn chưa khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư lưỡi. Tuy vậy, những vấn đề dưới đây đã được chứng minh là có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu bia
  • Nhai trầu
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Nhiễm virus HPV
  • Thiếu vitamin và khoáng chất như vitamin A, E, D
  • Tiếp xúc bức xạ cường độ cao
  • Gia đình có người mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư lưỡi, khoang miệng

Những dấu hiệu nhận biết sớm ung thư lưỡi

ung thư lưỡi
Nhận biết sớm ung thư lưỡi giúp điều trị hiệu quả, kéo dài thời gian sống

Ở giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn 0, giai đoạn tiền ung thư, tình trạng ung thư khởi phát với ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này tế bào ung thư chưa lan rộng, khó quan sát. Nhưng cũng có thể phát hiện với sự xuất hiện của các khối u nhỏ trong các biểu mô lưỡi. Tuy vậy, dấu hiệu này rất giống và dễ nhầm lẫn với nhiệt miệng.

Ung thư giai đoạn đầu không có cảm giác đau, không gây triệu chứng quá khó chịu nên thường dễ bị bỏ qua.

Đau lưỡi là dấu hiệu tiếp theo nhận biết ung thư lưỡi. Người bệnh có thể có cảm giác như có xương cá hoặc dị vật cắm vào lưỡi gây đau, khó chịu nhưng không tìm thấy dị vật khi quan sát.

Trên bề mặt lưỡi xuất hiện các mảng màu trắng, ngày càng lan rộng cũng là một biểu hiện cảnh báo bạn cần đi khám sàng lọc ung thư lưỡi.

Ở giai đoạn đầu, lưỡi có thể có một điểm nổi phồng lên. Lưỡi bị thay đổi màu sắc hoặc bị xơ hóa và xuất hiện nhiều vết loét nhỏ hoặc các tổn thương rắn, chắc, không mềm mại như bình thường. Một số bệnh nhân còn có thể xuất hiện hạch cổ.

Ngoài ra, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu sau, người bệnh cũng nên đi khám sàng lọc ung thư lưỡi:

  • Gặp khó khăn khi uốn lưỡi
  • Lưỡi thay đổi kích thước hoặc đột nhiên sưng phồng
  • Màu sắc thay đổi từ hồng sang màu trắng, màu đỏ hoặc màu đen
  • Cảm giác đau rát, bất thường, khó chịu trên lưỡi
  • Thường xuyên xuất hiện vết loét trên lưỡi, các vết loét ngày càng khó điều trị

Mặc dù có nhiều triệu chứng, tuy nhiên các biểu hiện này cũng dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nên cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn tiến triển

ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi tiến triển sẽ gây ra nhiều triệu chứng

Đa số các tổn thương ung thư lưỡi gặp ở viền cạnh lưỡi, đôi khi gặp ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc ở đầu lưỡi.
Trong giai đoạn tiến triển, rất nhiều triệu chứng biểu hiện rầm rộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bệnh nhân:

  • Đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài, gây khó khăn khi nói
  • Đau càng ngày càng nặng, tăng lên khi nói, nhai
  • Đau có thể lan lên tai
  • Tăng tiết nước bọt
  • Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm khuẩn
  • Cơ thể suy sụp rất nhanh do không ăn uống được
  • Chảy máu vùng miệng lưỡi, nhổ ra nước bọt lẫn máu
  • Hơi thở hôi do tổn thương hoại tử
  • Một số trường hợp bị khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và nuốt
  • Xuất hiện ổ loét ở lưỡi, loét phát triển nhanh, lan rộng, có mủ
  • Niêm mạc lưỡi có nhiều lỗ nhỏ mà khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng do hoại tử ở phía dưới

Ở giai đoạn nặng hơn, tình trạng loét lan rộng xuống mặt dưới của lưỡi, niêm mạc miệng gây đau đớn dữ dội, bội nhiễm, rất dễ chảy máu. Ung thư lưỡi có thể bị di căn sang các vùng khác và dẫn đến tử vong.

Phương pháp điều trị ung thư lưỡi

Các biện pháp điều trị ung thư lưỡi bao gồm phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Các biện pháp này được áp dụng linh hoạt đơn độc hoặc phối hợp tùy vào giai đoạn bệnh.

Ở giai đoạn sớm có thể điều trị bằng phẫu thuật. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Xạ trị đơn thuần có thể được áp dụng trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị. Xạ trị cũng là biện pháp có thể dùng sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại.

Hóa chất có thể dùng trước, sau phẫu thuật – xạ trị. Hóa chất trước phẫu thuật hoặc xạ trị có tác dụng giảm thể tích khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u, khu trú tổn thương để phẫu thuật và xạ trị thuận lợi hơn.

Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều, có thể cần phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu. Nếu bệnh nhân ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ một phần lưỡi hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u.

Phòng tránh ung thư lưỡi bằng cách nào?

ung thư lưỡi
Vệ sinh lưỡi sạch sẽ giảm nguy cơ ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi nói riêng và ung thư nói chung là những căn bệnh nguy hiểm. Tuy chưa rõ căn nguyên, nhưng chúng ta cần thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có thể mắc bệnh bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách bằng bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa mỗi ngày. Thay bàn chải 3 tháng một lần để phòng bệnh răng miệng nói chung.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu bia.
  • Luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe tổng thể, kiểm soát cân nặng, hạn chế béo phì, phòng tránh bệnh ung thư.
  • Nên ăn nhiều hoa quả, bổ sung dinh dưỡng khoa học. Hạn chế ăn các món ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ muối, đồ hộp để giảm nguy cơ hấp thụ các chất có khả năng gây ung thư.
  • Khám nha khoa thường xuyên 6 tháng/lần để phát hiện sớm ung thư lưỡi. Lấy cao răng 3 tháng/lần để giảm nguy cơ nhiễm trùng răng miệng.
  • Nếu bị loét lưỡi sau 3 tuần dùng kháng sinh không khỏi cần khám chuyên khoa ngay.
  • Tầm soát với người có tiền sử gia đình ung thư khoang miệng.

Ung thư lưỡi là bệnh ác tính, ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Bệnh dễ bị bỏ sót do những triệu chứng khởi phát dễ nhầm lẫn với bệnh lý thông thường điển hình như nhiệt miệng.

Do đó, bạn không nên chủ quan nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như trên. Hãy đi khám để được kiểm tra chính xác các tình trạng bệnh lý của mình và có biện pháp điều trị phù hợp.

DS Thanh Loan