Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây nôn ói, tiêu chảy mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhận biết các triệu chứng để có biện pháp xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm kịp thời.
Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, chủ yếu được phân thành 2 loại:
- Các tác nhân lây nhiễm: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng trong thức ăn, đồ uống.
- Các tác nhân không lây nhiễm: hóa chất, các loại độc tố từ nấm độc, thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây và rau củ, các thực phẩm lạ được chế biến không phù hợp như một số loài cá…
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi sinh vật: chủ yếu xảy ra khi ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, các sản phẩm từ sữa, đồ ăn để lâu không được bảo quản đúng cách. Đôi khi, chúng ta cũng có thể nhiễm các vi sinh vật gây bệnh khi đi bơi.
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm hóa chất: hay thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu là do thực phẩm bẩn và chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm
Tùy thuộc vào nguyên nhân, ngộ độc thực phẩm có thể gây ra những triệu chứng khác biệt.
Ngộ độc thực phẩm do nhiễm Clostridium botulinum
Vi khuẩn Clostridium botulinum có trong mật ong, pate hoặc các thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh, để quá lâu trong ngăn mát tủ lạnh.
Triệu chứng ngộ độc do độc tố của Clostridium botulinum thường là:
- Tiêu chảy
- Nôn ói
- Khó thở
- Yếu lả rồi liệt
Đây là một loại độc tố nguy hiểm, người bệnh cần được cấp cứu để điều trị ngay.
Ngộ độc do thực phẩm có thuốc trừ sâu
Khi ăn phải thực phẩm có thuốc trừ sâu như các loại rau củ hoặc trái cây chưa được rửa kỹ, bệnh nhân thường gặp triệu chứng:
- Yếu lả
- Đau đầu
- Tiêu chảy có thể kèm nôn ói
- Chảy nước miếng
- Run giật tay chân
Ngộ độc do ăn phải nấm độc
Một số loại nấm có chứa chất độc, khi ăn phải sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, với các triệu chứng như:
- Đổ mồ hôi
- Run giật
- Ảo giác
- Không kèm tiêu chảy
Ngộ độc do độc tố của một số loại cá
Một số loại cá có chứa chất độc như cá nóc có thể gây ra nhiều triệu chứng:
- Buồn nôn
- Đau quặn bụng
- Đỏ bừng mặt
- Nổi mề đay
- Khó thở
- Hạ huyết áp
- Choáng váng
- Tiêu chảy ra máu
Ngộ độc do thực phẩm nhiễm một số vi khuẩn
Salmonella, Listeria, Staphylococcus aureus, E.coli là các loài vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm tái sống hoặc bảo quản không đúng cách.
Triệu chứng phổ biến là:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Sốt
Các cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Trong các trường hợp có những triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh cần được đi khám càng sớm càng tốt để kiểm tra chính xác nguyên nhân và có hướng xử trí kịp thời. Với mỗi nguyên nhân gây ngộ độc sẽ có hướng điều trị khác nhau.
Với trường hợp nôn ói không kéo dài, tiêu chảy ít, không quá 24 giờ thì có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà như sau:
Uống nhiều nước
Tiêu chảy và nôn có thể gây mất nước và điện giải. Do vậy, nên uống nhiều nước hơn, đặc biệt là uống oresol để bù nước. Tránh uống đồ uống chứa cồn, caffeine vì sẽ gây mất nước, tránh uống sữa vì có khả năng giữ lại độc tố trong đường tiêu hóa lâu hơn.
Ăn thức ăn mềm, loãng, đảm bảo vệ sinh
Người bệnh nên ăn thức ăn được nấu chín mềm, loãng, tránh ăn đồ sống, chín tái để không gây ngộ độc thêm.
Không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy
Tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy có thể làm chậm sự thải loại vi khuẩn, độc tố ra khỏi cơ thể.
Dùng than hoạt tính giảm ngộ độc
Than hoạt tính có cấu trúc xốp, điện tích âm, giúp hấp thu các phân tử chất độc có điện tích dương trong ruột lên bề mặt của chúng. Sau đó, vì không được cơ thể hấp thu nên than hoạt tính sẽ mang chất độc theo phân ra ngoài.
Than hoạt tính có ở nhiều dạng như hỗn dịch, viên nén, viên nhai, thuốc bột pha hỗn dịch…
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Có thể dùng một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt nếu có triệu chứng sốt.
Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ, nôn trên 12 giờ hoặc triệu chứng ngày càng nặng hơn thì nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, nên thực hiện ngay các biện pháp sau:
- Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh
- Lưu ý hạn sử dụng của thực phẩm
- Không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín
- Đối với rau củ quả ăn sống, cần ngâm rửa nước muối nhiều lần trước khi ăn
- Đảm bảo ăn chín uống sôi, hạn chế ăn thức ăn tái sống
- Hạn chế ăn thức ăn ngoài đường phố, không đảm bảo
- Tạo thói quen rửa tay kỹ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh
DS Thanh Loan