Lạm dụng paracetamol để giảm đau, hạ sốt hoặc sử dụng quá liều khá phổ biến. Ngộ độc paracetamol nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Paracetamol hay có tên khác là Acetaminophen là loại thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng phổ biến mà ai cũng có thể mua một cách dễ dàng tại nhà thuốc không cần đơn kê của bác sĩ. Đặc biệt, paracetamol không chỉ phổ biến ở dạng thuốc đơn thành phần để giảm đau, hạ sốt mà còn là hoạt chất được phối hợp nhiều trong các loại thuốc khác để điều trị các tình trạng viêm đường hô hấp nói chung, với rất nhiều dạng bào chế khác nhau như viên uống, siro dành cho cả người lớn và trẻ em.
Cách thức paracetamol gây ngộ độc cho cơ thể
Paracetamol sau khi được hấp thu vào cơ thể chủ yếu được chuyển hóa bằng quá trình glucoronate hóa và sulfat hóa chỉ một phần nhỏ chuyển hóa qua hệ thống enzyme P450 oxidase tạo ra một sản phẩm trung gian có độc tính mạnh là N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI). Chất trung gian có độc tính này được chuyển hóa tiếp để giải độc bằng Glutathion tế bào.
Khi dùng quá liều paracetamol trên 140 mg/ kg cân nặng hoặc 7g/ 1 lần uống ở người lớn có trọng lượng trung bình (khoảng 50 kg) làm bão hòa quá trình sulfat hóa, glutathione của tế bào gan giảm đi nhanh chóng khiến chất trung gian độc tính NAPQI gắn vào các protein khác gây hoại tử hay còn gọi là hiện tượng nhiễm độc gan. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý gan mạn tính hoặc những người enzyme P450 tăng hoạt động (người nghiện rượu hoặc đang sử dụng một số thuốc đặc hiệu khác) thì với liều thấp hơn cũng có nguy cơ tổn thương gan. Trường hợp bị viêm gan virus mạn tính, chỉ cần uống 4gr paracetamol trong vòng 40 giờ đã xảy ra viêm gan nhiễm độc hay ở người nghiện rượu, việc sử dụng paracetamol 1g mỗi 4-5 giờ trong 1-2 ngày cũng có thể gây ngộ độc.
Tại sao ngộ độc paracetamol phổ biến?
Mặc dù là loại thuốc bán không cần kê đơn nhưng paracetamol vẫn có thể gây ngộ độc khi bệnh nhân lạm dụng tự điều trị hoặc vô tình sử dụng quá liều khi dùng kết hợp nhiều thuốc với nhau cùng chứa hoạt chất này mà không hay biết.
Lạm dụng paracetamol tự điều trị
Paracetamol được sử dụng với liều phụ thuộc vào cân nặng và tuổi tác. Nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol được phát hiện có nguyên nhân do dùng liều người lớn cho trẻ em hoặc sử dụng liên tục vượt quá khoảng liều cho phép.
Dùng kết hợp nhiều thuốc cùng chứa hoạt chất paracetamol
Có rất nhiều loại thuốc trên thị trường đều chứa paracetamol, đặc biệt các loại thuốc cảm cúm thường chứa nhiều hoạt chất kết hợp với công dụng giảm nhiều triệu chứng đồng thời như nghẹt mũi, giảm đau, giảm cảm giác mệt mỏi và hạ sốt. Nếu người dùng không để ý có thể vô tình kết hợp cả paracetamol đơn độc với các thuốc dạng phối hợp chứa paracetamol gây quá liều.
Đặc biệt paracetamol có tên gọi khác cũng là tên quốc tế thông dụng là acetaminophen. Nếu không biết 2 tên gọi này, có thể lầm tưởng là 2 hoạt chất khác nhau dẫn đến uống chồng chéo quá liều.
Dấu hiệu ngộ độc paracetamol
Ngay sau khi uống thuốc bệnh nhân có thể có các biểu hiện như buồn nôn hoặc nôn nhưng thường không kèm triệu chứng nào khác cho đến 24 – 48 giờ sau.
Các triệu chứng nôn và buồn nôn bắt đầu giảm đi sau 24 – 72 giờ dùng thuốc. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân có thể xuất hiện đau hạ sườn phải, các enzyme gan như GOT, GPT tăng lên, bilirubin có thể tăng, giảm tỷ lệ prothrombin, có thể có biểu hiện suy giảm chức năng thận. Đây là giai đoạn biểu hiện rõ ràng các triệu chứng quá liều paracetamol.
Sau khi uống từ 72 – 96 tiếng, tế bào gan có thể bị hoại tử, rối loạn đông máu, suy thận và bệnh lý não do gan, bệnh nhân có thể tử vong do suy đa tạng.
Sau khi uống từ 4 – 14 ngày, ở giai đoạn này, nếu bệnh nhân còn sống thì chức năng gan sẽ hồi phục hoàn toàn và sau 30 ngày tổ chức gan lành trở lại. Trường hợp ngộ độc nặng có thể kéo dài hơn.
Việc chẩn đoán ngộ độc sau khi dùng paracetamol quá liều dựa vào đo nồng độ paracetamol trong huyết thanh.
Biện pháp xử trí ngộ độc paracetamol
Đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Khi có dấu hiệu ngộ độc paracetamol, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bệnh nhân khi được đưa vào bệnh viện, sẽ được bác sĩ cấp cứu, ổn định tình trạng bệnh về chức năng sống gồm hô hấp, tuần hoàn và thần kinh.
Nếu bệnh nhân mới sử dụng paracetamol trong vòng 1 giờ thì sẽ được áp dụng biện pháp làm sạch dạ dày bằng gây nôn hoặc rửa dạ dày. Nếu đã qua 1-2 giờ sau khi uống thuốc thì việc rửa dạ dày sẽ không còn hiệu quả.
Điều trị bằng thuốc giải độc
Acetyl cysteine là thuốc giải độc đặc hiệu khi ngộ độc paracetamol giúp tránh hoặc cải thiện tình trạng viêm gan, suy gan, giảm tỷ lệ phù não, giảm việc sử dụng thuốc vận mạch và giảm nguy cơ tử vong.
Điều trị bằng acetyl cysteine có hiệu quả nhất nếu dùng trong vòng 8 – 10 giờ sau khi uống paracetamol. Thuốc có thể dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Điều trị hỗ trợ khác
Bên cạnh xử trí cấp cứu và dùng thuốc giải độc đặc hiệu, người bệnh sẽ được điều trị hỗ trợ tùy theo triệu chứng:
- Bù nước, điện giải
- Bệnh nhân nôn nhiều, kém ăn có thể sử dụng thuốc chống nôn, nuôi dưỡng bằng đường glucose 10 – 20%
- Điều trị viêm gan, suy thận
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc paracetamol
Để phòng ngừa ngộ độc paracetamol, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào
- Dùng đúng liều lượng được khuyến cáo theo đúng lứa tuổi và cân nặng
- Lưu ý khi uống kết hợp nhiều thuốc phải kiểm tra kỹ thành phần, bao gồm cả tên gọi khác của paracetamol – acetaminophen
- Tránh phối hợp thuốc cùng chứa paracetamol, nếu thấy hiện tượng chồng chéo phải hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để điều chỉnh liều cho phù hợp.
Ngộ độc paracetamol là một vấn đề thường gặp, nếu phát hiện quá liều sớm trong vòng 1 giờ sau khi uống có thể gây nôn tại nhà để tránh ngộ độc. Trường hợp phát hiện muộn người bệnh cần theo dõi các triệu chứng và đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để có những biện pháp điều trị đặc hiệu tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc.
DS. Thanh Loan