Trĩ là một căn bệnh phổ biến trong cộng đồng gây ra nhiều triệu chứng phiền toái và khó chịu. Hiểu đúng căn nguyên, nhận biết đúng bệnh để có phương pháp điều trị bệnh trĩ hợp lý.
Bệnh trĩ xảy ra khi áp lực trong xoang tĩnh mạch trĩ tăng lên trên mức bình thường và kéo dài khiến các búi trĩ “sinh lý” phồng to, lâu dần gây ra các triệu chứng bệnh.
Theo các nghiên cứu dịch tễ, tỷ lệ mặc bệnh trĩ lên đến 50% ở người cao tuổi. Sách y học dân tộc có viết “Thập nhân cửu trĩ” tức là 10 người có đến 9 người mắc bệnh trĩ để nói về mức độ phổ biến của căn bệnh này.
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Sự gia tăng áp lực xoang tĩnh mạch trĩ và hình thành búi trĩ do các nguyên nhân:
- Rặn khi đi cầu
- Ngồi lâu trên bồn cầu
- Người thường xuyên phải làm việc ở tư thế đứng
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
- Béo phì
- Mang thai
- Quan hệ qua đường hậu môn
- Chế độ ăn ít chất xơ, táo bón
Phân biệt trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp
Tùy vào vị trí của búi trĩ, người ta phân biệt trĩ thành trĩ nội và trĩ ngoại, khi các búi trĩ nội và trĩ ngoại liên kết với nhau sẽ tạo thành trĩ hỗn hợp.
1. Trĩ nội
- Được hình thành ở trên đường lược do tĩnh mạch trĩ trên phồng to
- Thường có 3 búi chính ở các vị trí 4 giờ, 8 giờ và 11 giờ. Ngoài ra có các búi trĩ phụ nằm giữa búi trĩ chính
- Vị trí hình thành không có thần kinh cảm giác, nên ít khi gây đau giai đoạn sớm
- Trĩ nội có 4 độ với các triệu chứng tăng dần
Trĩ nội độ 1
- Ít khi có triệu chứng
- Thỉnh thoảng đi cầu ra máu, vệt máu dính trên giấy vệ sinh hoặc dính vào phân cứng. Tuy nhiên lượng máu thường rất ít, thường phải để ý kỹ mới phát hiện ra
Trĩ nội độ 2
- Chảy máu: mức độ thường xuyên và nhiều hơn trĩ độ 1, máu có thể chảy thành giọt, màu đỏ tươi.
- Hiện tượng sa búi trĩ bắt đầu xuất hiện, các búi trĩ sa ra ngoài hậu môn mỗi khi đi đại tiện nhưng ngay sau đó sẽ tự động co lại bên trong ống hậu môn.
- Người bệnh cảm giác hơi nhói khi rặn đại tiện.
- Có thể xuất hiện ít dịch nhầy vùng hậu môn.
Trĩ nội độ 3
- Tốc độ diễn biến bệnh nhanh chóng, chảy máu nhiều khi đi đại tiện, chảy liên tục có thể phun thành tia.
- Búi trĩ cấp độ 3 sa ra ngoài khi đại tiện, không tự co vào bên trong mà cần dùng tay đẩy ấn vào khiến người bệnh trĩ rất khổ sở, mất tự tin, gây phiền toái trong công việc và sinh hoạt hàng ngày
- Cảm giác đau rát, khó chịu
- Có dịch nhầy vùng hậu môn
Trĩ nội độ 4
Đây là cấp độ cuối cùng nặng nhất của bệnh trĩ với nhiều triệu chứng rầm rộ và các biến chứng.
- Chảy máu: Nhiều và liên tục khiến người bệnh nhanh chóng mất máu, thiếu máu, mệt mỏi, ốm yếu, suy nhược cơ thể
- Búi trĩ sa ra ngoài và không thể co vào bên trong kể cả khi tác động lực
- Do các búi trĩ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cọ sát quần áo nên dễ dàng bị nhiễm khuẩn, thậm trí hoại tử
- Đau rát, sưng tấy, khó chịu vùng hậu môn
- Dịch nhầy hậu môn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
2. Trĩ ngoại
- Được hình thành ở dưới đường lược do xoang tĩnh mạch trĩ dưới phồng to
- Bề mặt là lớp biểu mô lát tầng, có thần kinh cảm giác
- Búi phồng có màu đỏ sẫm, bề mặt khô
Bệnh trĩ ngoại phát triển ở bên ngoài hậu môn, thường gây đau đớn, khó chịu và cảm giác vướng khi đi đại tiện. Búi trĩ ngoại cũng có thể phình ra bên ngoài lỗ hậu môn, nhưng thường không được gọi là sa búi trĩ.
3. Trĩ hỗn hợp
- Khi diễn tiến lâu ngày, phần trĩ nội và trĩ ngoại liên kết với nhau tạo thành trĩ hỗn hợp
- Là biểu hiện của giai đoạn muộn trong bệnh trĩ
- Các búi trĩ hỗn hợp thường liên kết với nhau tạo thành trĩ vòng
Các biến chứng của bệnh trĩ
Sa, nghẹt búi trĩ
Chỉ gặp với trĩ nội và trĩ hỗn hợp từ trĩ nội độ 2. Khi các búi trĩ phát triển to có thể gây nghẹt một phần hay toàn bộ.
- Phía bên ngoài búi trĩ phù nề, tái nhợt, bên trong đỏ thẫm, sưng phù, động vào rất đau
- Ấn nhẹ có những nốt cứng do cục máu đông
- Có những chấm đen hoại tử
Tắc mạch
- Với trĩ nội: Ít gặp. Khi có tắc mạch, bệnh nhân đau ở trong sâu, cảm giác như có một vật lạ nằm trong ống hậu môn (giống cảm giác sỏi trong giày).
- Với trĩ ngoại: Hay gặp, bệnh nhân có cảm giác đau rát, rìa hậu môn có một khối sưng màu phớt xanh, kích thước cỡ hạt đậu, sờ vào thấy căng. Nếu rạch ngay khối sưng sẽ thấy bật ra cục máu đông và bệnh nhân dễ chịu ngay.
Viêm nhú và viêm khe
- Gặp ở cả trĩ nội và trĩ ngoại
- Có cảm giác nóng rát ở hậu môn
- Có khi có cảm giác ngứa ngáy
- Thăm trực tràng rất đau và thấy cơ thắt giãn nở kém
- Soi hậu môn thấy các nhú bị phù nề, màu trắng.
- Các khe giữa các búi trĩ loét nông, màu đỏ
Da thừa rìa hậu môn
Không gặp trong trĩ nội nhưng hay gặp trong trĩ ngoại, bệnh nhân thường không thể làm sạch vùng hậu môn
Các phương pháp điều trị bệnh trĩ
Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị bảo tồn bằng thay đổi lối sống, sinh hoạt, dùng thuốc. Ngoài ra khi cơ thể không đáp ứng với các điều trị bảo tồn, các thủ thuật hoặc phẫu thuật sẽ được áp dụng. Trĩ ngoại không có chỉ định điều trị thủ thuật và phẫu thuật trừ khi có biến chứng nhiễm trùng, lở loét hay tắc mạch tạo thành huyết khối trong các búi trĩ.
Điều trị bảo tồn
- Luôn được cân nhắc đến trước tiên, có hiệu quả tốt cho trĩ độ 1 và độ 2
- Thời gian đáp ứng trung bình là 30 – 45 ngày
- Thuốc điều trị: các thuốc trị táo bón, các chất thuộc họ flavonoids có tác dụng bảo vệ tăng sức bền mạch máu, thuốc bôi, đặt tại chỗ để giảm đau, sát khuẩn
- Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn để phòng ngừa táo bón
Các thủ thuật điều trị bệnh trĩ
- Thắt búi trĩ bằng dây chun: Khoảng 30 – 50% bệnh nhân tái phát sau 5 – 10 năm, khi tái phát có thể điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật
- Thủ thuật chích xơ làm ngưng sự phát triển búi trĩ
- Hủy búi trĩ bằng đốt điện, đốt lạnh, đốt sóng cao tần, đốt bằng tia hồng ngoại
- Thắt động mạch chính của búi trĩ
- Nong ống hậu môn – phương pháp Lord
Các biện pháp phẫu thuật
Rất nhiều phương pháp được lựa chọn theo đặc điểm bệnh lý như trĩ vòng, trĩ từng búi, trĩ sa.
Như vậy, với từng thể bệnh khác nhau, trĩ có thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau và cần điều trị theo các biện pháp phù hợp. Người bệnh nên đi khám nếu nghi ngờ mắc bệnh và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để có thể điều trị một cách hiệu quả.
DS. Thanh Loan