Băng phiến là gì? 10 bài thuốc dễ áp dụng với băng phiến
Tỉm hiểu băng phiến là gì? Cách áp dụng như thế nào vào các bài thuốc có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, kích thích các giác quan, dùng điều trị nhiều bệnh ngoài da.
Băng phiến là tinh thể kết tinh D-Borneol chiết xuất từ tinh dầu đại bì hoặc long não
Nguồn gốc
Băng phiến là tinh thể kết tinh d-borneol, chiết ra từ nhựa cây long não hoặc tinh dầu cây đại bì, cũng có thể được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp.
Băng phiến có tên khoa học là Borneol hay một số tên gọi khác như Borneocamphor, Bocneola. Dân gian còn gọi là băng phiến não, long não hương, nguyên từ lặc, long não, mai hoa não, phiến não.
Ở Việt Nam, băng phiến được điều chế từ tinh dầu đại bì Blumea balsamifera, họ Cúc Asteraceae.
Ngoài ra, băng phiến cũng được chiết xuất từ gỗ long não (Dryobalanops aromatic Guaetn) chỉ tập trung ở Trung Quốc.
Cách thức thu hoạch và chế biến: Nên thu hái vào mùa thu đông vì lúc này cây có nhiều nhựa. Dùng cành và lá đại bì thái nhỏ rồi thêm nước, đậy kín nắp, đun với lửa nhỏ trong khoảng 3 – 4 giờ cho nhựa cây kết tinh lại.
Tính vị, quy kinh
Băng phiến có tính hơi hàn, vị cay, đắng. Quy vào 3 kinh tâm, tỳ, phế.
Tác dụng dược lý hiện đại
Theo các nghiên cứu hiện đại, băng phiến có các tác dụng:
- Băng phiến hấp thu nhanh qua màng ruột, tích tụ ở não tương đối lâu với nồng độ cao.
- Khi sử dụng qua đường tĩnh mạch, thời gian thải nửa lượng thuốc khoảng 2 – 8 phút.
- Nếu sử dụng bằng đường uống, thời gian thải trừ nửa lượng thuốc khoảng 5,3 giờ.
- Băng phiến có tác dụng kích thích nhẹ thần kinh cảm giác ngoại vi, làm giảm đau thần kinh
- Tác dụng kháng khuẩn: ức chế các loại tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, phế cầu, trực khuẩn đại tràng và một số nấm gây bệnh ngoài da.
- Tác dụng trục sản đối với chuột nhắt có thai giữa kỳ và cuối kỳ
- Băng phiến hấp thu tốt qua da và niêm mạc
- Thuốc được chuyển hóa ở gan kết hợp với acid glucuronic và được thải trừ qua nước tiểu.
Công năng chủ trị theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, băng phiến có tác dụng tỉnh thần, khai khiếu, làm tan màng mộng ở mắt. Băng phiến được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị hầu họng sưng đau, đau răng, bệnh chàm, lở loét da, đau mắt đỏ, mắt có màng mộng, sốt cao bất tỉnh…
Nhân dân thường sử dụng băng phiến để xua đuổi côn trùng, gián, chuột…
Cách dùng – liều dùng
Băng phiến được sử dụng ở dạng viên hoặc dùng ngoài. Băng phiến có thể hấp thu qua da nên cần cân chỉnh liều dùng khi sử dụng. Liều dùng tham khảo dạng viên khoảng 0.03 – 0.1g/ ngày.
10 bài bài thuốc dùng ngoài với băng phiến
1. Trị nhiễm trùng ngoại khoa
Với vết thương chưa thành mủ hoặc chưa vỡ mủ, dùng băng phiến, mang tiêu theo tỷ lệ 1:10 tán bột rồi trộn đều, bôi lượng vừa đủ vào miếng gạc dày 0,5cm dán vào chỗ đau, mỗi 2 – 3 ngày thay 1 lần.
Bài thuốc khi được thử nghiệm với 230 ca bệnh, trung bình thay thuốc 3 lần là khỏi – Theo Trương Liên Xuân, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984.
2. Trị viêm tai giữa có mủ cấp và mạn tính
Dùng băng phiến 2,5g, xạ hương 0,5g, chương đơn 10g, long cốt 15g, hoàng liên 10g, mẫu lệ 10g, tán bột mịn, mỗi lần thổi ít thuốc vào tai.
Bài thuốc khi được thử nghiệm với 324 ca bệnh, (với 366 lỗ tai). Tỷ lệ khỏi 64,7% – Theo Tôn Việt, Học báo Trung y dược 1986.
3. Trị Zona
Dùng băng phiến 10 – 30g tán bột, cho nước cơm lạnh làm thành hồ 40% bôi vào vùng đau, ngày 3 – 4 lần, liên tục trong 3 – 5 ngày. Thử nghiệm 30 ca cho kết quả tốt – Theo Vương thúc Mai và cộng sự, Báo Y học Hoài nam 1978.
4. Trị viêm họng, viêm lợi, loét miệng
Dùng băng phiến, bằng sa, nguyên minh phấn (mang tiêu), chu sa phối hợp làm thuốc tán. Trị răng lợi sưng đau, loét miệng, tưa miệng, có thể thổi thuốc hoặc bôi vào, sau vài phút nhổ đi.
5. Trị viêm họng, viêm amidan
Băng phiến 1g, khô phàn (phèn phi khô) 2g, hoàng bá 2g, đốt thành than, đăng tâm 3g đốt than, tất cả tán nhỏ trộn đều, mỗi lần dùng 3 – 4g thổi vào họng.
6. Trị mắt sưng đỏ, đau và có màng
Dùng băng phiến một lượng vừa đủ tán thành bột mịn rồi điểm vào mắt để làm tan màng mộng.
7. Trị mụn đỏ nổi ở mũi
Dùng sữa và băng phiến. Tán bột băng phiến rồi trộn đều với sữa, thoa lên mũi nhiều lần trong ngày.
8. Trị đau nhức răng
Chuẩn bị chu sa và băng phiến bằng lượng nhau, mỗi thứ 1 ít. Tán bột, sau đó chấm bột thuốc vào chân răng đau nhức.
9. Trị lở loét do nằm lâu
Dùng não sa và băng phiến mỗi vị 2g. Tán bột, hòa với cồn 75% 200ml thoa lên vùng da bị lở.
10. Trị chứng nứt nẻ chân tay
Dùng đại hoàng 50g, bạch cập 30g và băng phiến 3g. Tán bột mịn, thêm mật ong vào chế thành thuốc bôi ngoài. Sử dụng 3 lần/ ngày cho đến khi chân tay hết nứt nẻ.
Kiêng kỵ
Băng phiến không dùng cho phụ nữ có thai, không cho vào lửa và nhiệt độ cao.
Băng phiến được sử dụng rất phổ biến trong dân gian để xua đuổi côn trùng và rất hữu ích trong nhiều bài thuốc. Tuy nhiên do đặc tính hấp thu rất tốt, nếu dùng quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ vì băng phiến có độc tính khi vượt quá liều quy định. Do vậy, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
DS Thanh Loan