Phẫu thuật cắt dạ dày thường được áp dụng trong các trường hợp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng biến chững thủng, hẹp, chảy máu hoặc ung thư dạ dày mà điều kiện toàn thân cho phép. Phương pháp nội soi cắt dạ dày có nhiều ưu điểm hơn so với mổ mở truyền thống.
Thế nào là cắt dạ dày?
Cắt dạ dày là phẫu thuật lấy đi một phần (cắt bán phần dạ dày) hoặc toàn bộ dạ dày. Phẫu thuật này có tác dụng điều trị các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến dạ dày. Nếu cắt toàn bộ dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành nối thực quản vào ruột non để cho hệ tiêu hóa tiếp tục làm việc bình thường.
Các kỹ thuật cắt dạ dày được thực hiện bằng cách mổ mở hoặc nội soi khi bệnh nhân đã gây mê toàn thân:
- Cắt dạ dày mổ mở: Đây là phương pháp phẫu thuật kinh điển dùng đường mổ dài giữa bụng ở trên rốn cũng có thể kéo dài qua – xuống dưới rốn.
- Cắt dạ dày nội soi: Biện pháp tiên tiến này sẽ dùng nhiều vết cắt nhỏ, ống soi đặc biệt và các loại dụng cụ nhỏ. Bệnh nhân thường hồi phục nhanh và ít đau hơn so với mổ mở.
Tùy theo vị trí, mức độ tổn thương ở dạ dày mà có thể cắt dạ dày bán phần hoặc toàn bộ:
- Cắt bán phần dạ dày: Phần dưới của dạ dày cắt đi để loại bỏ tổn thương, có thể kèm theo lấy bỏ hạch lân cận trong trường hợp ung thư dạ dày.
- Cắt dạ dày toàn bộ: Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy đi toàn bộ dạ dày, rồi sau đó nối thực quản trực tiếp với ruột non.
Những trường hợp cần cắt dạ dày
Ung thư dạ dày
Trong ung thư dạ dày thì phẫu thuật cắt dạ dày nạo vét hạch là phương pháp điều trị tiệt căn duy nhất. Những phương pháp như hóa trị hay xạ trị thường chỉ áp dụng sau mổ nhằm củng cố thêm hiệu quả của phẫu thuật.
Đối với ung thư dạ dày phẫu thuật cắt dạ dày cũng có hai trường hợp:
- Cắt bán phần dạ dày: Khi bệnh nhân có khối u ở phần thấp của dạ dày.
- Cắt bỏ toàn bộ dạ dày: Nếu khối ở phần giữa hay phần cao của dạ dày hay thể thâm nhiễm toàn bộ
Viêm loét dạ dày tá tràng biến chứng
Trước đây, cắt dạ dày là biện pháp chủ yếu được dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên cùng với sự tiến bộ của y học, các loại thuốc điều trị loét, như thuốc ức chế bơm proton, đã ra đời và phát triển, dần trở thành phương pháp điều trị nội khoa hiệu quả, ít xâm lấn.
Ngày nay, cắt dạ dày chỉ còn được chỉ định trong những trường hợp hiếm hoi bệnh nhân không đáp ứng thuốc, hay tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng biến chứng: thủng, hẹp môn vị, chảy máu,….
Béo phì: Một số ít các trường hợp chọn cắt đoạn dạ dày để giảm cân.
Bệnh nhân béo phì sau khi phẫu thuật tùy vào mức độ cắt bỏ dạ dày cần được thay đổi chế độ ăn dễ tiêu hơn. Vì thức ăn sẽ được đi thẳng vào tá tràng và ruột non, đồ ăn nên được chế biến dạng lỏng, bán lỏng để hấp thu và tiêu hóa dễ dàng. Ngoài ra bệnh nhân sẽ có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt, vì vậy bên cạnh chế độ dinh dưỡng và cách chế biến đúng cách, người bệnh vẫn cần bổ sung các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức khỏe.