Tác dụng không ngờ của Cỏ cứt lợn

Cỏ cứt lợn còn có tên gọi khác là cây cứt lợn, cỏ hôi, cỏ ngũ vị. Cỏ cứt lợn có tên khoa học là Ageratum conyzoides L., họ Cúc (Asteraceae).

Khu vực phân bố

Cây cứt lợn mọc hoang ở khắp nơi trên cả nước, từ các khu đất trống bên vệ đường, bờ ruộng hay trong vườn nhà đều có thể dễ dàng tìm thấy loại cây này.

Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất còn tươi hoặc đã phơi hoặc sấy khô của cây cứt lợn.

Chế biến

Thu hái quanh năm, tốt nhất là vào tháng 9, khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy phần trên mặt đất, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi trong bóng râm hay sấy ở 30-40 °C đến khô. Cắt thành đoạn dài 3-5 cm, khi dùng sao vàng.


Cỏ cứt lợn phơi khô dùng làm dược liệu

Bảo quản

Với dược liệu tươi, bạn nên dùng ngay để giữ được trọn vẹn dược tính có trong cỏ cứt lợn. Với dược liệu khô, bảo quản trong bao bì kín, để nơi thoáng mát, tránh ẩm, sâu mọt.

Thành phần hóa học

Thành phần chính trong cây cứt lợn là tinh dầu, chiếm khoảng 2%. Ngoài ra, nó còn có các hoạt chất khác như: ageratochromen, caryophyllene, cadinen, ageratochromen, alcaloid và saponin. Trong đó, 4 hoạt chất đầu vẫn đang được nghiên cứu về đặc tính, tác dụng sinh học và hóa học. Còn 2 thành phần sau: alcaloid và saponin, các nhà khoa học đánh giá rất cao về giá trị dược liệu.

Tính vị, quy kinh

Vị hơi đắng, mùi thơm. Tính bình. Vào kinh phế, tâm.

Công năng, chủ trị

Chỉ huyết, tiêu viêm. Chủ trị băng huyết, rong huyết, đa kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, viêm mũi, viêm xoang mũi dị ứng.

Công dụng của cỏ cứt lợn

Cây cỏ cứt lợn có tác dụng giải nhiệt, tiêu sỏi, thải độc, giảm sưng, chống chảy máu. Chủ trị các chứng bệnh sau: Mụn nhọt, viêm họng; rong huyết, băng huyết sau sinh, đa kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng; sỏi đường tiết niệu; viêm mũi xoang; đau nhức xương khớp, phong thấp…

Có thể dùng cây cứt lợn tươi nấu nước để gội đầu, tắm ghẻ.

Một số bài thuốc chứa cỏ cứt lợn

  1. Trị gàu, giảm ngứa da đầu, làm tóc suôn mượt

Lấy 200g cây tươi đem nấu chung với 20g quả bồ kết nướng. Dùng gội đầu 3 lần/tuần.

  1. Điều trị viêm họng

Kết hợp cây cứt lợn và kim ngân hoa (mỗi vị 20g), cam thảo đất (16g), lá giẻ quạt (6g). Sắc một thang thuốc lấy 300ml nước chia 2 lần uống hết trong ngày.

  1. Trị cảm mạo gây sốt

Chuẩn bị 60g cây cỏ cứt lợn tươi. Sắc nước chia 3 – 4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.

  1. Điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng
  • Cách 1: Lấy lá cứt lợn giã nát, dùng bông thấm nước nhét vào từng bên lỗ mũi bị bệnh.
  • Cách 2: Dùng 15 – 30g cành và lá khô của cây cứt lợn sắc với 1/2 lít nước lấy 200ml. Khi thuốc còn đang bốc hơi mạnh, hãy xông mũi cho đến khi nguội thì chia 2 lần uống.
  • Cách 3: Chuẩn bị thang thuốc gồm có các thành phần 30g cây cứt lợn, 12g thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), 20g kim ngân hoa và 16g cam thảo đất. Sắc lấy nước chia làm 3 lần uống. Dùng mỗi ngày 1 thang để giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang.
  • Cách 4: Kết hợp 100g cây hoa cứt lợn với 10g lá chanh và 50g long não. Tất cả các vị trên dùng ở dạng tươi, đem sắc với 300ml cho cạn còn 100ml. Dùng xông mũi ngày 3 lần trong 10 ngày liên tục.


Cỏ cứt lợn thường được dùng để điều trị viêm xoang

  1. Chữa mụn nhọt độc gây sưng đau

Một nắm cây cứt lợn (dùng cả thân, lá, hoa), rửa sạch với nước muối, cắt nhỏ. Trộn chung với cơm nguội và 1 thìa muối, giã nát dùng làm thuốc đắp trực tiếp lên khu vực có nhọt độc. Băng gạc cố định lại, thay thuốc mỗi ngày 2 lần.

  1. Chữa đau nhức, sưng tấy do sái khớp, giãn gân

Cây cứt lợn đem rửa sạch, phơi khô. Khi sử dụng lấy một nắm đốt cháy, đưa chỗ đau lại gần để hun khói

  1. Điều trị xuất huyết do ngoại thương

Dùng 1 nắm cây hoa cứt lợn, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối. Giã nát đắp lên khu vực bị tổn thương ngày 2 lần.

DS Phạm Thị Hảo

Tài liệu tham khảo

  1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y