dược liệu hà thủ ô

Bạn có biết 15 tác dụng tuyệt vời của hà thủ ô?

Dân gian có câu: “Muốn cho xanh tóc đỏ da, rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Không chỉ nổi tiếng với tác dụng làm đẹp, tìm hiểu ngay 15 tác dụng của hà thủ ô với sức khỏe của chúng ta.

 

 

Hà thủ ô nổi tiếng với công dụng làm đen tóc

Tên khoa học

Hà thủ ô đỏ có tên khoa học là Polygonum multiflorum hay Fallopiae multiflorae.

Họ: Rau răm Polygonaceae.

Tại Việt Nam, hà thủ ô còn được gọi với một số tên gọi khác: xạ ú sí (Dao), dạ giao đằng, mằn năng ón (Tày), má ỏn, khua lình (Thái).

Ở Hoa Kỳ, hà thủ ô được gọi với tên ngắn gọn là Fo-ti.

Đặc điểm cây hà thủ ô

  • Hà thủ ô là loại cây dây leo sống lâu năm
  • Thân quấn, xoắn vào nhau, mặt thân bên ngoài có vân, nhẵn, màu xanh tía.
  • Thân rễ phồng thành củ.
  • Lá có cuống dài, mọc so le, phiến lá hình tim, có đầu nhọn, chiều dài 5 – 7 cm, rộng 3 – 5 cm.
  • Hoa mọc thành chùm, nhiều nhánh. Hoa nhỏ, đường kính khoảng 2 mm, thường mọc cách xa nhau ở kẽ lá.
  • Quả 3 góc, nhẵn bóng, không tự mở

Hà thủ ô ở Việt Nam có hai loại chính là hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ. Trong đó, hà thủ ô đỏ là loài thường được dùng làm thuốc. Hà thủ ô trắng không có tác dụng bồi bổ cơ thể như hà thủ ô đỏ nhưng cũng có một số tác dụng nhất định khác.

Phân biệt hà thủ ô đỏ với hà thủ ô trắng:

  • Hà thủ ô đỏ: Rễ có hình dáng gần giống với củ khoai lang nhưng mặt ngoài có màu nâu đỏ và nhiều chỗ lồi lõm, cứng và rất khó bẻ. Khi cắt ngang, lớp vỏ có màu nâu sậm và bên trong có màu hồng, nhiều bột, ở giữa có lõi gỗ cứng. Bột hà thủ ô thường có vị đắng chát, màu nâu hồng và không có mùi.
  • Hà thủ ô trắng: Còn được gọi với tên là nam hà thủ ô. Là một loại dây leo, vỏ thân có màu nâu đỏ và nhiều lông mịn. Cây có vị đắng chát và mùi thơm nhẹ, toàn thân có nhựa trắng như sữa.

Phân bố và thu hái

Hà thủ ô mọc hoang được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền núi Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang và Sơn La. Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng có nhưng ít hơn như Hòa Bình, Cao Bằng và Lạng Sơn. Hà thủ ô cũng được trồng ở nhiều ở một số tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Vĩnh Phúc.

Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ củ cây hà thủ ô, được thu hoạch vào mùa thu khi lá bắt đầu úa vàng.

Chế biến rễ hà thủ ô:

  • Đem rễ củ hà thủ ô cắt bỏ 2 đầu, rửa sạch, ngâm với nước vo gạo 1 ngày đêm và rửa lại bằng nước sạch
  • Đổ nước đậu đen cho ngập theo tỷ lệ 1 kg hà thủ ô – 100 gram đậu đen và 2 lít nước lọc, nấu đến nhừ, đảo đều tay
  • Sau khi củ mềm, lọc bỏ nước và bỏ phần lõi trong củ
  • Dùng dao thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô.
dược liệu hà thủ ô với đậu đen
Hà thủ ô được chế biến với đậu đen để giảm độc tính

Thành phần hóa học

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy hà thủ ô đỏ có đến hơn 103 thành phần hóa học khác nhau. Trong đó, hai nhóm chất quan trọng nhất với tác dụng trị liệu được cho là antraquinon và stilben. Cây cũng chứa flavonoid, quinon và axit phenolic.

Hầu hết các nghiên cứu hiện đại đều tập trung vào một chất hóa học gồm 2,3,4,5-tetrahydroxystilbene-2-O-β-D-glucoside, hay TSG. TSG được cho là thành phần tạo nên nhiều tác dụng có lợi của cây.

Hà thủ ô có rất nhiều tác dụng, nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách hoặc dùng quá liều quy định. Cách chế biến hà thủ ô đỏ làm thay đổi đáng kể thành phần hóa học và có thể làm giảm tác dụng phụ.

Ngày nay các phương pháp hiện đại hơn được sử dụng, bao gồm hấp một lần, dùng áp suất cao, vi sóng… Một số chuyên gia cho rằng những kỹ thuật này kém hiệu quả hơn và có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nhiễm độc gan do hà thủ ô trong những năm gần đây.

Khám phá 15 tác dụng của hà thủ ô

1. Chống rụng tóc

Sử dụng dịch chiết uống hoặc bôi tại chỗ kích thích mọc tóc, cho mái tóc dầy và khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2015 đã nghiên cứu tác động của Polygonum multiflorum trên chuột có lông đã được khử màu bằng hydro peroxide. Nghiên cứu cho thấy, dịch chiết làm tăng sản xuất melanin – sắc tố quyết định màu tóc.

2. Chống xơ vữa động mạch (giảm nguy cơ mắc bệnh tim)

Lecithin có trong cây hà thủ ô có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol ở ruột thỏ, đồng thời có tác dụng phòng chống và làm giảm xơ vữa động mạch.

3. Bảo vệ tế bào thần kinh

Hà thủ ô có tác dụng bảo vệ thần kinh. Nghiên cứu năm 2020 cho thấy TSG làm tăng khả năng sống của tế bào và giảm tổn thương màng tế bào thần kinh. Hợp chất này cũng thúc đẩy sự phát triển của tế bào mới.

4. Tăng lưu lượng máu vạch vành

Làm chậm nhịp tim, đồng thời làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành, giúp ngăn ngừa thiếu máu cơ tim.

5. Tác dụng nhuận tràng

Theo Trích yếu nghiên cứu Trung Dược, oxymethylanthraquinone trong rễ hà thủ ô giúp kích thích làm tăng nhu động ruột. Theo một số nghiên cứu, hà thủ ô sống có công dụng nhuận tràng mạnh hơn hà thủ ô chín.

6. Tác dụng chống viêm

TSG và emodin trong hà thủ ô làm giảm viêm và ngăn ngừa tình trạng viêm đại tràng nhờ tác dụng tăng PPAR-gamma và giảm NF-kB.

7. Tác dụng tăng cường miễn dịch

Hà thủ ô được nhắc đến khá nhiều với tác dụng nâng cao hệ thống miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. Hà thủ ô còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách tăng sản xuất tế bào T và B, tăng sự bài tiết của yếu tố hoại tử khối viêm.

Hà thủ ô có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn gây bệnh
Hà thủ ô có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn gây bệnh

8. Tác dụng kháng khuẩn

Các hoạt chất trong hà thủ ô có tác dụng ức chế trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ, chống lại Staphylocuccus aureus (MRSA) kháng methicillin, ức chế vi rút gây cúm, HIV.

9. Tác dụng bảo vệ gan

Các anthraquinone và polysacarid có trong hà thủ ô giúp bảo vệ gan bằng cách giảm viêm, ngăn ngừa quá trình oxy hóa chất béo. Nhiều người vẫn sử dụng chế phẩm trà hà thủ ô giúp làm mát gan, thanh nhiệt và giải độc.

10. Tác dụng chống loãng xương

TSG từ chiết xuất hà thủ ô có tác dụng bảo vệ các tế bào tạo xương, chống loãng xương do tổn thương oxy hóa.

11. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Ngăn ngừa biến chứng tiểu đường là một tác dụng của hà thủ ô. Tetrahydroxystilbene-2-O-d-glucoside trong hà thủ ô giúp bảo vệ chống lại tổn thương thận do lượng đường máu cao ở bệnh nhân mắc tiểu đường. Stilbene glucoside ức chế sự lão hóa mô do đường huyết cao.

12. Cải thiện suy giảm trí nhớ

Tetrahydroxystilbene glucoside từ hà thủ ô giúp giảm suy giảm trí nhớ. Một thử nghiệm lâm sàng nhỏ ở Trung Quốc đã ghi nhận hà thủ ô có hiệu quả chống lại bệnh Alzheimer.

13. Chống lại bệnh Parkinson

TSG và chiết xuất ethanol của hà thủ ô giúp bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tổn thương do hóa chất, chống lại bệnh Parkinson.

14. Chống rối loạn đông máu

Hà thủ ô giúp chống rối loạn đông máu gây ra bởi các cục máu đông.

15. Ngăn ngừa ung thư

Hà thủ ô ức chế sự phát triển tế bào ung thư cổ tử cung ở người, tế bào ung thư lưỡi, tế bào u nguyên bào thần kinh và tế bào u ác tính giúp ngăn ngừa ung thư, giảm sự tiến triển khối u. Emodin tăng cường khả năng kháng bệnh, hạn chế hình thành khối u mới.

Mặc dù các tác dụng của hà thủ ô rất đa dạng, nhưng phần lớn bằng chứng là các nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm và trên động vật, ít dữ liệu là thử nghiệm lâm sàng trên người.

Công dụng hà thủ ô theo Y học cổ truyền

Hà thủ ô có tính hơi ấm, vị ngọt, hơi đắng. Quy kinh Can và Thận. Hà thủ ô có tác dụng bổ huyết giữ tinh, bổ can thận, nhuận tràng, mạnh gân xương và hòa khí huyết.

Theo Y học cổ truyền, tóc và râu được quyết định bởi tạng thận. Thận hư yếu làm tóc không được nuôi dưỡng dẫn đến tình trạng dễ rụng và bạc sớm. Hà thủ ô có công dụng dưỡng huyết tư âm, bồi bổ can thận qua đó làm đen tóc.
Hà thủ ô có lợi cho việc sinh con, một số sách ghi lại hà thủ ô chữa khỏi chứng bất dục bằng phương thuốc Thất Bảo Mỹ Nhiêm Đan. Chức năng thận chủ về việc sinh con cái. Hà thủ ô giúp bổ thận qua đó khôi phục, giúp việc sinh con dễ dàng hơn. Sử dụng hà thủ ô còn giúp bồi bổ, kéo dài tuổi thọ.

Hà thủ ô được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu bổ hoặc thuốc bột. Liều lượng dùng mỗi ngày từ 12 – 20 g. Tuy nhiên, những tài liệu gần đây khuyến cáo liều lượng hàng ngày không được vượt quá 1,5g đối với các sản phẩm chưa qua chế biến và 3g đối với sản phẩm đã qua chế biến.

Trong YHCT, hà thủ ô được sử dụng phổ biến nhờ tác dụng bổ thận
Trong YHCT, hà thủ ô được sử dụng phổ biến nhờ tác dụng bổ thận

Kiêng kỵ và thận trọng khi sử dụng hà thủ ô

Hà thủ ô có thể gây một số phản ứng phụ như tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, chán ăn. Một số cơ địa mẫn cảm với hà thủ ô. Do vậy, khi sử dụng người bệnh cần dùng với liều lượng vừa đủ, không sử dụng quá liều trong thời gian dài.

Theo một số báo cáo, khi sử dụng thời gian dài hà thủ ô có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan với những biểu hiện như đau hạ sườn phải, vàng da, sốt, viêm da. Tuy nhiên, hiện nay chưa rõ lý do chính xác gây ra các phản ứng phụ, có thể liên quan đến liều dùng hoặc do quá trình sản xuất chất lượng thấp. Cần lưu ý theo dõi những dấu hiệu này khi sử dụng.

Người bệnh huyết áp thấp hoặc đường huyết thấp cũng không nên dùng. Khi sử dụng hà thủ ô, người bệnh đang điều trị với thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông cần xin ý kiến bác sĩ vì có nguy cơ tương tác thuốc.

Hà thủ ô được xem là vị thuốc quý trong Đông y và cũng được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Tuy nhiên, khi sử dụng cần hết sức lưu ý vấn đề quá liều và những tác dụng phụ có thể xảy ra. Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ uy tín.

DS Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y