Bệnh Parkinson có liên quan đến sức khỏe đường ruột

Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và sức khỏe đường ruột. Từ đó nhằm tìm ra biện pháp ngăn ngừa và cải thiện bệnh hiệu quả hơn.

Tìm hiểu mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và sức khỏe đường ruột

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson là một bệnh lý thần kinh, biểu hiện bởi sự rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương làm cho tế bào trong não bị thoái hóa, thiếu hụt dopamine. Người bệnh không có đủ chất hóa học dopamine trong não do một số tế bào thần kinh tạo ra dopamine đã chết.

Bệnh gây rối loạn vận động, khó khăn trong cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh Parkinson trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 25 năm qua.

Các nhà nghiên cứu nghiên cứu đã nhận ra có mối liên quan giữa bệnh Parkinson và sức khỏe đường ruột.

Các biểu hiện của bệnh Parkinson

Các biểu hiện của bệnh Parkinson

Sức khỏe đường ruột có mối liên quan gì?

Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên kết giữa não và ruột. Các nhà nghiên cứu đã gọi đây là trục não – ruột.

Trục não – ruột có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến não, từ chứng mất trí nhớ đến trầm cảm. Mối liên hệ này thể hiện rõ ràng ở bệnh Parkinson. Những người mắc bệnh Parkinson cũng thường có triệu chứng tiêu hóa, đặc biệt là táo bón.

Một giả thuyết về bệnh Parkinson cho rằng, một mầm bệnh có thể đến não qua hai con đường, một trong số đó liên quan đến ruột.

Theo giả thuyết này, người bệnh đã nuốt phải mầm bệnh vào ruột, sau đó di chuyển đến não thông qua dây thần kinh phế vị – dây thần kinh sọ dài nhất kết nối não với ruột. Kết quả là dẫn đến sự khởi phát của bệnh Parkinson.

Hệ trục não – ruột có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe

Hệ trục não – ruột có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe

Hệ vi sinh vật đường ruột khác biệt ở bệnh Parkinson

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện người mắc bệnh Parkinson có hệ vi sinh vật đường ruột riêng biệt được đặc trưng bởi chứng rối loạn sinh học – hiện tượng mất cân bằng giữa vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 30% tỷ lệ vi khuẩn đường ruột ở những người mắc bệnh Parkinson khác với những người không mắc bệnh Parkinson.

Các nhà khoa học nhận thấy số lượng vi khuẩn tốt giảm, số lượng vi khuẩn xấu tăng lên, trong đó có cả Escherichia coli. Vi khuẩn Bifidobacteria dentium có thể gây nhiễm trùng như áp xe não. Loại vi khuẩn này có mức độ tăng cao đáng kể trong ruột của những người mắc bệnh Parkinson.

Các vi khuẩn gây nhiễm trùng khác phổ biến hơn ở những người mắc bệnh Parkinson là E. coli, Klebsiella pneumoniae, có thể gây viêm phổi và Klebsiella quasipneumoniae, có thể gây nhiễm trùng tương tự.

Nghiên cứu của Đại học Helsinki – được công bố vào tháng 5 năm 2023 trên tạp chí Frontiers – trên mô hình động vật mắc bệnh Parkinson, cũng cho thấy vi khuẩn Desulfovibrio có thể liên quan đến tình trạng này. Những vi khuẩn này tạo ra hydro sunfua, có thể dẫn đến các dạng viêm.

Desulfovibrio cũng được đưa ra trong một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông, đăng trên tạp chí Nature Communications. Nghiên cứu này với mục đích là tìm ra phương pháp chẩn đoán bệnh Parkinson sớm hơn, đã xác định được sự dư thừa của những vi khuẩn này ở những người mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM và các dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson.

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM là rối loạn giấc ngủ sâu có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn.

Cơ chế gây bệnh Parkinson

Một giả thuyết trong các nghiên cứu về mối liên hệ giữa ruột và não ở bệnh Parkinson là tình trạng viêm toàn thân có thể là một trong những cơ chế liên quan, vì các vi khuẩn gây viêm toàn thân và ảnh hưởng đến não bộ.

Viêm não mãn tính là một phần quan trọng của bệnh Parkinson và một số nghiên cứu dường như chỉ ra rằng tình trạng viêm toàn thân có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm não, góp phần vào sự tiến triển của bệnh.

Một số tình trạng viêm thực sự có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn. Một nghiên cứu của Đan Mạch từ năm 2018 cho thấy những người mắc bệnh viêm ruột (IBD) có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 22% so với những người cùng lứa tuổi không mắc bệnh viêm này.

Biện pháp chăm sóc và cải thiện bệnh Parkinson

Chế độ ăn uống với nhiều loại rau củ và cá

Nếu vi khuẩn đường ruột có thể đóng một vai trò trong bệnh Parkinson, thì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp chống lại tình trạng này và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Một nghiên cứu từ năm 2022 cho thấy chế độ ăn nhiều flavonoid – sắc tố tự nhiên có trong nhiều loại trái cây – có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong ở bệnh Parkinson.

Một nghiên cứu từ năm 2018 cho thấy một loại protein được tìm thấy trong nhiều loại cá, được gọi là “parvalbumin”, có thể giúp ngăn ngừa bệnh Parkinson bằng cách ngăn chặn alpha-synuclein tích tụ thành cục trong não – đó là những gì xảy ra trong não của những người mắc bệnh Parkinson, làm gián đoạn tín hiệu giữa các tế bào não.

Ăn nhiều rau củ và cá giúp ngăn ngừa và giảm triệu chứng bệnh Parkinson

Ăn nhiều rau củ và cá giúp ngăn ngừa và giảm triệu chứng bệnh Parkinson

Tập thể dục

Có một số nghiên cứu cho thấy tập thể dục là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Một nghiên cứu từ năm 2022, được công bố trên tạp chí Neurology, cho thấy việc tập thể dục thường xuyên ở mức độ vừa phải có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson đối với những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu.

Nghiên cứu từ năm 2017 khuyến cáo tập thể dục ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần có thể giúp những người mắc bệnh Parkinson cải thiện khả năng vận động đồng thời làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Tóm lại, tìm hiểu mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và sức khỏe đường ruột cho thấy tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống, để tăng cường sức khỏe đường ruột, nhằm giúp phòng tránh cũng như cải thiện các triệu chứng bệnh Parkinson và nhiều tình trạng viêm khác.

Anh Nguyễn