Hãy cẩn thận nếu luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức!

Ai cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi nhưng chỉ cần ngủ và nghỉ ngơi là sẽ hết. Tuy nhiên, nếu luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức thì lại là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

mệt mỏi không có sức
Hãy cẩn thận nếu luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức!

Dưới đây là những vấn đề sức khỏe là nguyên nhân gây mệt mỏi thường xuyên, bạn có thể tham khảo xem mình có mắc phải tình trạng nào hay không.

Thiếu máu

Một trong những lý do y tế phổ biến nhất khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi là thiếu máu do thiếu sắt. Sắt hoạt động giống như một toa tàu vận chuyển oxy trong máu. Những người bị thiếu sắt thường xuyên thấy mệt mỏi, chóng mặt khi đứng lên, tim đập nhanh…

Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt và phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu. Tuy nhiên, nam giới và phụ nữ sau mãn kinh cũng có khả năng bị thiếu máu do các vấn đề về dạ dày và ruột, chẳng hạn như loét hoặc dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Có quá nhiều sắt cũng có thể gây mệt mỏi, điều này được gọi là rối loạn ứ sắt (haemochromatosis). Đây là một tình trạng di truyền tương đối hiếm gặp, ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 30 – 60.

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng cổ họng thu hẹp hoặc đóng lại trong khi ngủ và liên tục làm gián đoạn nhịp thở. Ngưng thở khi ngủ dẫn đến ngáy to và giảm nồng độ oxy trong máu. Người bị ngưng thở khi ngủ thường thức dậy vào ban đêm và cảm thấy kiệt sức vào ngày hôm sau.

Tình trạng này phổ biến nhất ở nam giới trung niên thừa cân. Uống rượu và hút thuốc lá làm cho bệnh trầm trọng hơn.

mệt mỏi không có sức
Ngưng thở khi ngủ gây rối loạn giấc ngủ trong đêm, mệt mỏi vào ngày hôm sau

Tuyến giáp hoạt động kém

Tuyến giáp hoạt động kém sản xuất ít hormone tuyến giáp (thyroxine) trong cơ thể. Điều này cũng gây mệt mỏi.
Ngoài cảm giác mệt mỏi, người bệnh còn bị tăng cân, đau nhức cơ bắp và da khô. Suy giáp phổ biến ở phụ nữ trung niên.

Xét nghiệm máu là biện pháp giúp chẩn đoán suy giáp.

Bệnh Celiac

Đây là một căn bệnh mạn tính do hệ thống miễn dịch phản ứng với gluten. Gluten là một loại protein có trong bánh mì, bánh ngọt và ngũ cốc.

Các triệu chứng của bệnh Celiac là mệt mỏi, tiêu chảy, chướng bụng, thiếu máu và sụt cân.

Hội chứng mệt mỏi mạn tính

Hội chứng mệt mỏi mạn tính (còn được gọi là viêm cơ tủy myalgic, hoặc ME) là một tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài ít nhất 4 tháng. Ngoài mệt mỏi, người bệnh còn có các triệu chứng khác như đau cơ hoặc khớp.

mệt mỏi không có sức
Hội chứng mệt mỏi mạn tính còn gây đau cơ, khớp

Bệnh tiểu đường

Một trong những triệu chứng chính của bệnh tiểu đường là cảm thấy rất mệt mỏi.

Các triệu chứng khác là hay bị khát nước, đi tiểu nhiều (đặc biệt là vào ban đêm) và sụt cân.

Hội chứng chân không yên

Hội chứng này khiến bệnh nhân có cảm giác muốn di chuyển chân quá mức, có thể làm thức giấc vào ban đêm.

Người bệnh cũng có cảm giác kiến bò khó chịu hoặc đau sâu trong chân. Hoặc chân có thể tự nhiên bị giật trong đêm.

Các triệu chứng này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, khiến ngày hôm sau mệt mỏi, uể oải.

Rối loạn lo âu

Đôi khi cảm thấy lo lắng là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng một số người thường xuyên có cảm giác lo lắng không kiểm soát được, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Các bác sĩ gọi đây là chứng rối loạn lo âu. Tình trạng này ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Người bị rối loạn lo âu thường xuyên cảm thấy lo lắng, cáu kính và mệt mỏi về những vấn đề nhỏ nhặt.

mệt mỏi không có sức
Người bị rối loạn lo âu thường lo âu quá mức nhiều vấn đề gây mệt mỏi

Bệnh tim mạch

Vô cùng mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến của suy tim sung huyết, xảy ra khi tim không bơm máu tốt như bình thường.

Tình trạng mệt mỏi sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tập thể dục. Ngoài cảm giác mệt mỏi, người bệnh cũng có thể bị sưng ở tay hoặc chân và khó thở.

Nếu luôn cảm thấy mệt mỏi và nghi ngờ mình mắc những vấn đề sức khỏe kể trên, tốt nhất là bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.

Vân Anh