Mùa nắng nóng, bị đổ mồ hôi nhiều nên việc bổ sung chất điện giải là giải pháp mà nhiều người lựa chọn. Bạn có biết chất điện giải gồm những gì và có những tác dụng gì?
Bổ sung chất điện giải trong mùa nắng nóng để tránh mệt mỏi
Chất điện giải là gì?
Chất điện giải là các khoáng chất thiết yếu có trong máu, mồ hôi và nước tiểu. Khi các khoáng chất này hòa tan trong chất lỏng, chúng tạo thành chất điện giải — các ion dương hoặc âm được sử dụng trong quá trình trao đổi chất.
Các chất điện giải trong cơ thể bao gồm: natri, kali, clorua, canxi, magie, phosphat, bicacbonat.
Chúng đóng vai trò giữ cho cơ thể đủ nước, điều chỉnh mức độ pH của cơ thể, dẫn truyền các xung thần kinh, co cơ… Do đó, cần bổ sung đủ lượng chất điện giải để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.
Chất điện giải là các khoáng chất thiết yếu có trong máu, mồ hôi và nước tiểu
Vai trò của chất điện giải
Chất điện giải thực hiện các chức năng khác nhau trong cơ thể:
- Natri kiểm soát mức chất lỏng và hỗ trợ chức năng thần kinh và cơ bắp.
- Kali hỗ trợ chức năng tim, thần kinh và cơ bắp. Nó cũng di chuyển các chất dinh dưỡng vào tế bào và thải các chất thải ra khỏi tế bào đồng thời hỗ trợ quá trình trao đổi chất
- Canxi giúp mạch máu co bóp và giãn nở để ổn định huyết áp. Nó cũng tiết ra các kích thích tố và enzym (protein) giúp hệ thống thần kinh gửi thông điệp.
- Clorua giúp duy trì lượng máu, huyết áp và chất dịch cơ thể khỏe mạnh.
- Magie hỗ trợ chức năng thần kinh và cơ bắp. Nó cũng kích thích sự phát triển của xương và răng khỏe mạnh.
- Phosphat hỗ trợ hệ thống xương, cũng như chức năng thần kinh và cơ bắp.
- Bicacbonat giúp cân bằng axit và các hợp chất kiềm trong máu, cân bằng độ pH. Bicacbonat cũng giúp di chuyển carbon dioxide (một chất thải) qua máu.
Đối với các chức năng quan trọng của cơ thể, chất điện giải có những vai trò sau:
Chức năng hệ thần kinh
Bộ não gửi tín hiệu điện qua các tế bào thần kinh để liên lạc với các tế bào khắp cơ thể.
Những tín hiệu này được gọi là xung thần kinh và chúng được tạo ra do sự thay đổi điện tích của màng tế bào thần kinh. Những thay đổi xảy ra do sự di chuyển của chất điện giải natri qua màng tế bào thần kinh.
Khi điều này xảy ra, nó tạo ra một phản ứng dây chuyền, di chuyển nhiều ion natri hơn (và sự thay đổi điện tích) dọc theo chiều dài của sợi trục tế bào thần kinh.
Chất điện giải có nhiều vai trò với cơ thể
Chức năng cơ bắp
Canxi cần thiết cho sự co cơ. Nó cho phép các sợi cơ trượt cùng nhau và di chuyển lên nhau khi cơ ngắn lại và co lại.
Magie cũng cần thiết trong quá trình này để các sợi cơ có thể trượt ra ngoài và cơ có thể thư giãn sau khi co lại.
Giữ nước
Nước phải được giữ ở lượng phù hợp cả bên trong và bên ngoài từng tế bào trong cơ thể.
Chất điện giải, đặc biệt là natri, giúp duy trì cân bằng chất lỏng thông qua thẩm thấu. Thẩm thấu là quá trình nước di chuyển qua thành màng tế bào từ dung dịch loãng (nhiều nước và ít chất điện giải hơn) sang dung dịch đậm đặc hơn (ít nước và nhiều chất điện giải hơn).
Điều này ngăn các tế bào vỡ ra do quá đầy hoặc co lại do mất nước.
Mức độ pH trong cơ thể
Để khỏe mạnh, cơ thể cần điều chỉnh độ pH bên trong. Độ pH là thước đo mức độ axit hoặc kiềm của dung dịch. Trong cơ thể, nó được điều chỉnh bởi các chất đệm hóa học, hoặc axit và bazơ yếu, giúp giảm thiểu những thay đổi trong môi trường bên trong cơ thể.
Ví dụ, máu được điều chỉnh để duy trì độ pH trong khoảng 7,35 đến 7,45. Nếu độ pH không nằm trong khoảng này, cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường.
Có sự cân bằng hợp lý của các chất điện giải là điều cơ bản để duy trì mức độ pH trong máu.
Mất cân bằng điện giải có hại cho sức khỏe thế nào?
Trong một số trường hợp, nồng độ chất điện giải trong máu có thể trở nên quá cao hoặc quá thấp, gây mất cân bằng.
Rối loạn điện giải có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong trong một số trường hợp.
Mất cân bằng điện giải thường xảy ra do mất nước do nóng quá mức, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Một số bệnh, như bệnh thận, rối loạn ăn uống và chấn thương như bỏng nặng, cũng có thể gây mất cân bằng điện giải.
Mất cân bằng điện giải mức độ nặng có thể gây ra các triệu chứng:
- Mệt mỏi
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Tê và ngứa ran
- Lú lẫn
- Yếu cơ và chuột rút
- Nhức đầu
- Co giật
Mất cân bằng điện giải có thể gây ra nhiều triệu chứng
Có cần bổ sung chất điện giải nếu đổ mồ hôi quá nhiều không?
Khi bị đổ mồ hôi, cơ thể sẽ mất cả nước và chất điện giải, đặc biệt là natri và clorua.
Người ta ước tính rằng trung bình mồ hôi chứa khoảng 40–60 mmol natri mỗi lít.
Nhưng lượng chất điện giải thực tế bị mất qua mồ hôi có thể khác nhau ở mỗi người.
Lượng natri khuyến nghị tối đa là 2.300 mg mỗi ngày — tương đương với 6 gam hoặc 1 thìa cà phê muối ăn.
Vận động viên tập thể dục trong hơn 2 giờ hoặc những người tập thể dục ở nhiệt độ quá cao, có thể cân nhắc uống đồ uống thể thao giàu chất điện giải để thay thế lượng natri đã mất.
Bổ sung chất điện giải qua chế độ ăn uống
Nhiều loại trái cây và rau củ chứa chất điện giải. Bạn có thể bổ sung chất điện giải thông qua chế độ ăn uống gồm:
- Natri: Thực phẩm ngâm chua, phô mai và muối ăn.
- Clorua: Muối ăn.
- Kali: Trái cây và rau quả như chuối, bơ và khoai lang.
- Magie: Các loại hạt.
- Canxi: Các sản phẩm từ sữa, các loại rau lá xanh.
Các chất điện giải như bicarbonate được sản xuất tự nhiên trong cơ thể, vì vậy không cần lo lắng về việc bổ sung hàng ngày.
Có nên bổ sung chất điện giải ngoài chế độ ăn uống thông thường?
Cơ thể thường có thể điều chỉnh chất điện giải một cách hiệu quả và giữ chúng ở mức phù hợp. Chế độ ăn uống cân bằng chứa các thực phẩm chứa chất điện giải là đủ đối với hầu hết mọi người.
Nhưng trong một số trường hợp, chẳng hạn như bị nôn mửa, tiêu chảy sẽ dẫn đến mất quá nhiều chất điện giải. Lúc này cần bổ sung dung dịch bù nước có chứa chất điện giải, như oresol. Lưu ý pha oresol theo đúng tỷ lệ được khuyến cáo, tránh pha quá loãng hoặc quá đặc, đều không tốt cho sức khỏe. Với các vận động viên hoặc người làm việc ngoài trời khi thời tiết quá nắng nóng, bị đổ mồ hôi nhiều có thể bổ sung điện giải qua các loại đồ uống thể thao…
Vân Anh