cần tây

Cần tây

Thanh nhiệt, lợi tiểu, trị cao huyết áp, tiểu đường

Cây cần tây (Apium graveolens L.), thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).

Dược liệu: Toàn cây đã phơi hay sấy khô hoặc cây tươi.

 

 

Mô tả

Cây cần cây có lá màu xanh lục, mỏng, quăn, chia 3 thuỳ, mép có răng cưa không đều, dài 1,5-3,0 cm. Đoạn thân ở ngọn mang lá hay cuống lá, đoạn ở sát gốc có bẹ. Rễ chùm màu nâu nhạt, có nhiều rễ con, một số rễ con phát triển to hơn.

Dược liệu đã phơi hay sấy khô là những đoạn thân màu xanh nhạt, khô, dai, có nhiều rãnh dọc, dài 4-6 cm. Dược liệu không vị, có mùi thơm đặc trưng.

Vi phẫu

Thân: Biểu bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn. Mô dày gồm những tế bào có thành dày, xếp sít nhau tạo thành từng đám sát dưới biểu bì. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình trứng có thành mỏng, không đều, xếp lộn xộn. Trong mô mềm có ống tiết tinh dầu là những tế bào có thành, tròn đều. Có 7-9 bó libe-gỗ. Libe-gỗ hình cung quay mặt lõm vào trong, libe ở ngoài, gỗ ở trong tạo thành những bó to nhỏ khác nhau xếp đều đặn. Tùy vào giai đoạn phát triển mà có thể có hoặc không có mô mềm ruột gồm các tế bào hình trứng to nhỏ không đều.

Gân giữa lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn. Mô dày gồm những tế bào có thành dày, xếp sít nhau thành đám ở chỗ lồi của gân chính. Mô mềm gồm những tế bào hình trứng, có thành mỏng, không đều, xếp lộn xộn. Một bó libe-gỗ hình gần vòng cung, quay mặt lõm lên trên. Lớp libe ở dưới dày hơn lớp libe ở trên.

Phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn. Mô mềm gồm những tế bào hình trứng, có thành mỏng, không đều. Bó libe-gỗ của gân phụ có hình gần vòng cung, quay mặt lõm lên trên.

Rễ: Mặt cắt rễ hình gần tròn. Lớp bần gồm hai hàng tế bào hình chữ nhật xếp sát nhau tạo thành vòng đồng tâm, dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ gồm vài lớp tế bào hình trứng thành mỏng nằm sau lớp bần. Libe phát triển mạnh, chiếm phần lớn rễ. Các mạch gỗ lớn nằm sát nhau. Libe ở ngoài, gỗ ở trong tạo thành đám xếp sít nhau. Tia ruột là những tế bào xếp hàng dọc nằm ngăn cách giữa các bó libe-gỗ.

Chế biến

Thu hoạch vào vụ đông xuân, khi cây sắp ra hoa. Nhổ cả cây, rửa sạch, cắt thành những đoạn dài 4-6 cm, phơi hay sấy khô để làm dược liệu.

cần tây
Cần tây phơi hoặc sấy khô làm dược liệu

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nấm mốc.

Thành phần hóa học

Toàn cây cần tây chứa 0,1% tinh dầu.

Hàm lượng tinh dầu trong thân, lá theo dược liệu khô là 0,35%. Hàm lượng tinh dầu trong thân, lá tươi là 0,145%.

Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, cay, mùi thơm, vào 2 kinh phế và vị.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt, chỉ ho, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu. Chủ trị: Cao huyết áp, bệnh tiểu đường, tiểu tiện bí, rắt.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 16-25 g dược liệu khô dưới dạng hãm hoặc sắc; uống 2-3 lần trong ngày. Dùng tươi: Ngày dùng 500 g. Sau khi nhổ cây, rửa sạch, cắt đoạn dài từ 2-3 cm, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước rồi uống.

cần tây
Nước cần tây giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa

Kiêng kỵ

Khi dùng cần tây để trị cao huyết áp, nếu huyết áp đã hạ thì phải ngừng, không dùng nữa.

Tài liệu tham khảo:

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y