Hạch là một cơ quan trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, phân bố ở nhiều nơi như trên xương đòn, cổ, nách và bẹn. Hạch bị sưng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm trùng, nhiễm virus, bệnh bạch cầu hoặc các bệnh ung thư khác.
Hạch là gì?
Hạch hay hạch bạch huyết là những cơ quan bạch huyết nhỏ (có khoảng 500-600 hạch) nằm chặn trên đường đi của các mạch bạch huyết, thường đứng thành nhóm và nhận bạch huyết của từng vùng cơ thể. Hạch có hình hạt đậu hoặc hình trứng, được bao bọc bên ngoài bởi vỏ xơ, nơi lõm vào gọi là rốn hạch.
Hệ thống hạch có 2 chức năng chính là:
- Trực tiếp “giam giữ” và tiêu diệt vi khuẩn, virus, các tế bào lạ (như tế bào ung thư) khi chúng xâm nhập hoặc xuất hiện trong cơ thể.
- Gián tiếp tiêu diệt vi khuẩn, virus, các tế bào lạ và tạo ra quá trình miễn dịch cho cơ thể thông qua việc sản sinh các kháng thể.
Hiện tượng sưng hạch là gì?
Nổi hạch, hay còn gọi là sưng hạch, là hiện tượng xuất hiện các khối u nhỏ bằng hạt đậu trên cơ thể. Các khối u này phát triển dọc theo các khớp cổ tay, bàn tay, mắt cá chân hoặc bàn chân. Các khối u này có hình bầu dục hoặc hình tròn và thường có chất dịch bên trong. Khi ấn vào có thể cảm thấy đau.
Bình thường, hạch ở thể chìm, không sờ thấy được. Chỉ đến khi hạch phải hoạt động mạnh để chống lại bệnh tật thì mới sưng to do chức năng của hạch là sản sinh ra dòng bạch cầu lympho và kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Các bệnh lý gây sưng hạch
Tình trạng viêm nhiễm
- Viêm nhiễm vùng mũi xoang, viêm loét amidan, viêm họng, viêm tấy nướu răng, viêm tuyến nước bọt,… gây nổi hạch cổ.
- Bệnh giang mai: Trong giai đoạn đầu mới mắc bệnh, hạch nổi to gần chỗ xâm nhập của xoắn trùng (bẹn). Thường có 4 – 5 hạch nhỏ, hơi rắn, di động dễ và không đau. Đến giai đoạn II, hạch có thể nổi ở nhiều nơi trên cơ thể.
- Lao hạch: Hạch nhỏ, nhiều, có kích thước không đều nhau, không đau, xuất hiện dần dần, xếp thành chuỗi dọc theo 2 bên cơ ức đòn chũm, dưới xương hàm, vùng cổ.
Bệnh về máu
– Bệnh bạch cầu cấp: Hạch to, mềm, di động dễ, xuất hiện ở hầu hết các vùng có hạch như cổ, nách, bẹn, hố thượng đòn. Nổi hạch thường chỉ là triệu chứng phụ. Triệu chứng nổi bật là hội chứng thiếu máu, chảy máu dưới da, sốt cao, lách to nhanh, có tổn thương loét niêm mạc miệng và họng. Khi làm huyết đồ sẽ thấy giảm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu tăng nhiều.
– Bệnh bạch cầu mạn thể lympho: Hạch nhiều, đa số là hạch bé, phát triển nhanh, di động được, mềm, phân bố ở cả vùng cổ, nách và bẹn. Lách bệnh nhân hơi to, khi làm huyết đồ và tủy đồ sẽ thấy hồng cầu và tiểu cầu giảm, dòng lympho tăng nhiều.
– Hạch Hodgkin: Phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, hạch to ở hố thượng đòn trái rồi lan đến cổ. Hạch có đặc điểm rắn, không đau, không dính vào da, không dính vào nhau và không hóa mủ. Bệnh nhân thường có triệu chứng sốt từng đợt, mỗi lần sốt hạch sẽ to thêm hoặc xuất hiện một hạch khác.
Bệnh ung thư
- Ung thư hạch: Có biểu hiện hạch to, mật độ rắn, ít di động vì dính vào tổ chức sâu. Có thể là những hạch riêng lẻ nhưng cũng có trường hợp hạch dính vào nhau thành từng đám. Bệnh nhân có thể có những triệu chứng khác đi kèm như phù, đau xung quanh vị trí sưng hạch do dây thần kinh, mạch máu bị chèn ép. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết hạch có thể phát hiện tế bào ung thư.
- Ung thư di căn: Các bệnh ung thư vùng đầu cổ như ung thư vòm họng, ung thư thanh quản,… đều gây triệu chứng nổi hạch cổ. Ngoài ra, các bệnh ung thư ở các cơ quan khác trên cơ thể như ung thư dạ dày, ung thư vú,… cũng có thể gây sưng hạch cổ.
- Ung thư vú: Nổi hạch ở nách có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú đang ở giai đoạn tiến triển, khi các tế bào ung thư lây lan sang các hạch bạch huyết ở vùng nách.
- Ung thư tuyến giáp: Ở hầu hết người mắc bệnh ung thư tuyến giáp sẽ xuất hiện hạch tăng dần kích thước theo thời gian. Ban đầu, hạch có thể di động nhưng càng về sau lại càng bám chặt ở vùng tai, khi ấn vào có cảm giác đau và rất cứng.