Chỉ rõ nguyên nhân và cách điều trị nhiễm khuẩn ruột

Có thể nói nhiễm khuẩn ruột (hay còn gọi là nhiễm trùng đường ruột) là bệnh từ miệng vào. Bởi, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm có chứa vi khuẩn, virus, nấm men, ký sinh trùng… gây bệnh. Nhiễm trùng đường ruột có thể gây mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

nhiễm khuẩn đường ruột
Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh từ miệng vào

Nhiễm khuẩn ruột là bệnh gì?

Nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng đường ruột là bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh thường là tiêu chảy dạng phân nước hoặc nhớt, kéo dài trong vài ngày, cũng có khi bệnh biểu hiện như triệu chứng của kiết lỵ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn ruột

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm khuẩn ruột là mầm bệnh xâm nhập qua miệng. Nấm men, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có trong đồ ăn, thức uống đi vào cơ thể và gây kích kích ứng các mô trong đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa có thể trở nên viêm nhiễm và đau. Bởi vậy, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột có tỉ lệ thuận với thực trạng thực phẩm bẩn.

Vệ sinh kém cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Để tránh lây nhiễm bệnh, bạn nên rửa tay sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.

Triệu chứng nhiễm khuẩn ruột

Nhiễm khuẩn đường ruột không chỉ gây ra các triệu chứng tại đường tiêu hóa mà còn có thể gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể:

  • Đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón.
  • Người bệnh có cảm giác chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn.
  • Khi tình trạng nhiễm trùng đường ruột trở nên nặng thì sẽ xuất hiện dấu hiệu đau bụng hoặc chướng bụng. Cơn đau thắt bụng thường kéo dài trong khoảng từ 3-4 phút và cơn đau ngày càng dữ dội.
  • Người bị nhiễm trùng đường ruột có thể bị hội chứng ruột kích thích do các ký sinh trùng cư trú ở trong ruột.
  • Nếu nhiễm trùng đường ruột là do nấm men, người bệnh sẽ có nguy cơ bị trầm cảm.
  • Khó ngủ, mất ngủ cũng là dấu hiệu cảnh báo, bởi lúc này gan phải làm việc quá sức để loại bỏ các tác nhân gây nhiễm trùng.
  • Một số trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột cũng có thể bị nghiến răng trong khi ngủ.
  • Virus gây nhiễm trùng đường ruột cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, như nhiễm trùng xoang mũi, sổ mũi hoặc ho.
  • Mất nước do tiêu chảy sẽ làm tăng nguy cơ đau đầu.
  • Một số trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột cũng có thể bị ngứa da, cảm giác nóng bỏng trên da.
nhiễm khuẩn đường ruột
Đau bụng từng cơn, đi ngoài là dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường ruột

Điều trị nhiễm trùng đường ruột cần lưu ý gì?

Phần lớn bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột do virus với biểu hiện đặc trưng là tiêu chảy đều không cần phải điều trị. Sau vài ngày, tình trạng tiêu chảy sẽ tự chấm dứt. Điều người bệnh cần làm là bổ sung nước, điện giải để tránh bị mất nước. Khi bị nhiễm trùng đường ruột nặng, người bệnh có thể sẽ phải nằm viện để truyền dịch tĩnh mạch, dùng thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác. Thường thì sẽ mất một vài tuần cơ thể mới hồi phục hoàn toàn.

Phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh phù hợp. Nếu do ký sinh trùng gây bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc chống ký sinh trùng. Đối với người mắc bệnh do hệ miễn dịch kém, có thể dùng thuốc kháng sinh để đề phòng viêm nhiễm lan ra toàn cơ thể.

Khi bị nhiễm trùng đường ruột, tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp, tránh gây biến chứng và cũng tránh lây lan sang cho người khác. Người bệnh không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.