Sự lây lan của bệnh đường hô hấp do virus corona 2019 (Covid-19) đã trở thành đại dịch toàn cầu. Italy hiện là nước chiếm vị trí số 2 thế giới về số người mắc bệnh và tử vong do Covid-19.
Bản đồ nhiễm Covid-19 tại Italy theo khu vực
Tính đến ngày 19/3/2020, đã có tới 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng số người mắc bệnh xấp xỉ 220.000 người, với 8.970 trường hợp tử vong (chiếm tỉ lệ 9%).
Số liệu về tình hình nhiễm Covid-19 tại Italy
Ngày 20/2/2020, Italy xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là người bệnh ở vùng Lombardy nhập viện với tình trạng viêm phổi không điển hình. 24 giờ sau đó, các bệnh viện tiếp tục ghi nhận 36 trường hợp nhiễm bệnh. Điều đặc biệt là, không một ai trong số này đã từng tiếp xúc với người bệnh đầu tiên hay bất kỳ ai đã mắc Covid-19. Đây là thời điểm khởi đầu của một đại dịch bùng phát tại nước này.
Mặc dù Italy đã thực hiện những chính sách khẩn trương và mạnh mẽ nhưng bệnh dịch vẫn tiếp tục lây lan rộng rãi với số người nhiễm bệnh tăng hàng ngàn ca mỗi ngày. Tỉ lệ tử vong cũng rất cao, tập trung chủ yếu ở người cao tuổi.
Dữ liệu về số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Italy tính đến 15/3/2020
Tính đến ngày 15/3/2020, Italy ghi nhận hơn 22.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó nhân viên y tế là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất với hơn 2.000 ca nhiễm (chiếm tỉ lệ 9%). Chỉ sau đó 4 ngày, số lượng người nhiễm đã tăng gấp 1,5 lần, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 35.700 người.
>>Tìm đọc: Cẩm nang phòng chống dịch bệnh do virus corona
Phân tích đặc điểm của những người mắc Covid-19 tại Italy
Biểu đồ phân tích đặc điểm của 22 512 ca nhiễm Covid-19 tại Italy
Nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh là những người trên 51 tuổi (chiếm tới 75%) tổng số ca nhiễm. Nam giới vẫn là đối tượng dễ nhiễm bệnh hơn so với nữ giới. Tỉ lệ người mắc bệnh mức độ nặng – nguy kịch tại Italy cũng chiếm tỉ lệ rất cao, xấp xỉ 30%, trong khi tỉ lệ này trên toàn thế giới nói chung là 5%.
>> Xem thêm: Các triệu chứng bệnh do virus corona và cách phòng tránh
Mối quan hệ giữa tỉ lệ tử vong và độ tuổi của người bệnh
Tuổi (năm) | Số ca tử vong (tỉ lệ) | Tỉ lệ tử vong |
0 – 9 | 0 | 0 |
10 – 19 | 0 | 0 |
20 – 29 | 0 | 0 |
30 – 39 | 4 (0.25) | 0.3 |
40 – 49 | 10 (0.62) | 0.4 |
50 – 59 | 43 (2.65) | 1.0 |
60 – 69 | 139 (8.55) | 3.5 |
70 – 79 | 578 (35.57) | 12.5 |
80 – 89 | 694 (42.71) | 19.7 |
≥ 90 | 156 (9.6) | 22.7 |
Không báo cáo | 1 (0.06) | 0.6 |
Tổng | 1625 (100) | 7.2 |
Những trường hợp tử vong do Covid-19 tại Italy phân bố chủ yếu ở nhóm người bệnh có độ tuổi trên 70, chiểm tỉ lệ tới xấp xỉ 90%. Bên cạnh yếu tố tuổi tác, bệnh mắc kèm cũng là những đặc trưng của nhóm người bệnh tử vong ở nước này. Hơn 2/3 số trường hợp tử vong, người bệnh có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư hoặc đã từng hút thuốc lá.
Khả năng “chịu đựng” của Italy trước dịch Covid-19
Trước tình hình gia tăng liên tục về nhu cầu điều trị của người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế là mối quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, tỉ lệ người chuyển tới khoa điều trị tích cực (ICU) luôn ở mức cao từ 9 – 11% trong tổng số ca nhiễm.
Italy có tổng số 5.200 giường bệnh tại các khoa điều trị tích cực trên cả nước. Trong số này, tính tới ngày 11/3/2020 đã có 1.028 giường được dùng cho người bệnh nhiễm SARS-CoV-2, con số ngày đã lên tới 2.257 vào ngày 19/3. Thời gian sống của những người có tiên lượng xấu này là 1 – 2 tuần. Như vậy với tốc độ tăng nhanh về nhu cầu điều trị tích cực của người bệnh, các bệnh viện đang đứng trước nguy cơ quá tải. Thậm chí, một số cơ sở còn thiếu nhân viên y tế, khiến cho công tác đối phó với dịch gặp nhiều khó khăn hơn. Những cán bộ y tế vẫn làm việc ngày đêm kể từ 20/2, hơn 2.000 trong số đó đã nhiễm bệnh, có những người đã tử vong.
Tại Lombardy – nơi ghi nhận trường hợp Covid-19 đầu tiên đã ứng phó với sự quá tải này bằng cách chuyển những bệnh nhân nặng không do Covid-19 sang nơi khác để nhường chỗ cho những bệnh nhân nhập viện do dịch bệnh.
Vì vậy, Italy dự đoán cần tuyển dụng thêm hơn 20.000 bác sĩ và điều dưỡng, đồng thời cung cấp thêm 5.000 máy thở cho các bệnh viện, thời gian chuẩn bị chỉ tính bằng ngày.
Phạm Hảo
Tài liệu tham khảo
- Livingston E, Bucher K. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) in Italy. JAMA. Published online March 17, 2020
- Andrea Remuzzi, Giuseppe Remuzzi. COVID-19 and Italy: what next? The LANCET. Published Online March 12, 2020