tác dụng của lá hẹ

Ngạc nhiên với 7 tác dụng tuyệt vời của hẹ

Hẹ được sử dụng như một loại rau trong nhiều món ăn bổ dưỡng. Không những thế, hẹ cũng là một loại dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

 

 

 

Hẹ rất dễ dùng và có nhiều tác dụng trị bệnh

Đặc điểm thực vật của cây hẹ

Hẹ có tên khoa học là Allium tuberosum Rottl. Ex Spreng, họ hành Alliaceae. Hẹ là giống cây thảo, cao từ 20 – 50cm. Thân nhỏ, gầy, thường họp thành túm, hình nón – trụ. Lá dày, hẹp và dẹt, mọc ốp vào nhau thành hai dãy, đầu lá tù, dài 10 – 20cm, rộng 2 – 7mm, bẹ lá dài và mỏng. Cụm hoa là tán giả, mọc trên một cán dài hơn lá, hình trụ hoặc hơi 3 cạnh, có vách dọc, hoa nhiều có cuống dài, bao hoa màu trắng gồm 6 phiến thuôn, mũi mác, xếp thành hai vòng, nhị có gốc dính vào các mảnh của bao hoa.

Quả nang, hình trái xoan ngược hoặc hình cầu hơi dẹt, chia ra 3 mảnh, hạt nhỏ, màu đen, chia ra 3 mảnh, hạt nhỏ, màu đen. Toàn cây có mùi hăng đặc biệt.

Hoa hẹ có màu trắng
Hoa hẹ có màu trắng

Ở Việt Nam, hẹ đã được trồng từ rất lâu, có lẽ sớm hơn cả nhiều loại hành. Tuy nhiên, diện tích và mức độ sử dụng còn bị hạn chế trong phạm vi một số gia đình và ở các thành phố lớn. Cây sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nóng và ẩm.

Thời gian có hẹ bán trên thị trường vào vụ thu đông hay vụ xuân. Về mùa đông, phần lá trên mặt đất của hẹ tàn lụi, phần thân dưới đất có thể chịu được băng giá.

Thành phần hóa học của hẹ

Theo phân tích khoa học, thân hẹ chứa aliin, methylaliin, lá chứa hợp chất sulfid, linalol.

100g phần ăn được của hẹ có 93g nước; 2,1g protein; 0,1g chất béo; 2,8g carbohydrat; 0,9g chất xơ; 1g tro; 4mg caroten; 25mg vitamin D; 22mg vitamin K; 10mg folat; 21mg vitamin A.

Tính vị, công năng của hẹ trong Đông y

Theo Đông y, toàn cây hẹ có vị cay, tính ôn, có tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí, tán ứ, chỉ hãn. Hạt hẹ có vị cay, tính ôn, có tác dụng bổ gan thận, tráng dương, cố tinh.

Lợi ích sức khỏe tuyệt vời của hẹ

Nhờ các tác dụng của hẹ nên được sử dụng từ rất lâu đời để hỗ trợ điều trị bệnh. Chúng có đặc tính y học tương tự như tỏi, mặc dù không mạnh bằng nhưng lại ngon miệng hơn khiến hẹ được ứng dụng nhiều hơn trong việc hỗ trợ sức khỏe.

1. Cải thiện các vấn đề hô hấp

Các nhà khoa học đã xác định nước ép lá hẹ tươi và thành phần bay hơi của hẹ đều có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như Streptococcus hemolyticus, Salmonella tryphi, shigella flexneri, shigella shiga, Coli bethesda, Bacillus subtilis. Nước hẹ lại không có vị nóng, cay như nước tỏi nên thường được sử dụng để điều trị các bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ.

Có một bài thuốc chữa ho hiệu quả từ lá hẹ đã được nhiều người áp dụng là: Cắt nhỏ một nắm lá hẹ, đem hấp với đường phèn hoặc mật ong tầm 15-20 phút. Uống nước này ngày vài lần sẽ giúp giảm ho, tiêu đờm.

tác dụng của lá hẹ
Lá hẹ hấp với mật ong hay đường phèn có thể giảm ho hiệu quả

2. Cải thiện các vấn đề tiêu hóa

Các allyl sulfua và các hợp chất hữu cơ khác được tìm thấy trong hẹ có thể mang lại những lợi ích tương tự như tỏi và có thể làm dịu chứng khó tiêu một cách hiệu quả. Hơn nữa, chúng có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên nên có thể loại bỏ nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là những vi khuẩn thuộc họ salmonella, gây hại cho hệ tiêu hóa.

Đặc biệt hơn, tác dụng của hẹ là có thể làm tăng hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng của đường ruột, giúp bạn nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ thức ăn hơn.

3. Ngăn ngừa ung thư

Một số nghiên cứu cho thấy rằng alliums trong lá hẹ có thể giúp ngăn ngừa hoặc chống lại bệnh ung thư. Một số hợp chất được tìm thấy trong hẹ, bao gồm cả lưu huỳnh, có thể ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển hoặc lây lan khắp cơ thể.

Mặc dù những nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng đã cho thấy lợi ích tuyệt vời của loại cây gia vị này.

4. Ngăn ngừa loãng xương

Có rất nhiều loại vitamin và khoáng chất được tìm thấy trong hẹ, nhưng một trong những chất quan trọng nhất chắc chắn là vitamin K. Vitamin K là chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng chỉ có ở rất ít loại thực phẩm.

Vitamin K rất quan trọng trong việc duy trì mật độ khoáng xương và tính toàn vẹn của xương. Mật độ khoáng xương giảm dần theo thời gian, dẫn đến loãng xương và làm trầm trọng thêm các tình trạng viêm như bệnh viêm khớp. Hàm lượng cao vitamin K có thể giúp sản xuất osteocalcin, một phần quan trọng trong việc duy trì mật độ khoáng chất trong xương.

5. Cải thiện trí nhớ

Hẹ chứa cả choline và folate – những dưỡng chất có liên quan đến việc cải thiện các chức năng của não bộ. Các nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành ăn nhiều thực phẩm có chứa choline sẽ cho kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, trong khi những người có mức choline thấp dường như có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.

Trong khi đó thiếu hụt folate hay axit folic đã được nghiên cứu có liên quan đến cả rối loạn nhận thức và rối loạn tâm trạng. Sự kết hợp của choline và folate trong hẹ có thể giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh như mất trí nhớ và Alzheimer.

6. Cải thiện thị lực

Các carotenes được tìm thấy trong hẹ, cụ thể là lutein và zeaxanthin, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc giảm stress oxy hóa trong hệ thống mắt và trì hoãn sự xuất hiện của bệnh đục thủy tinh thể ở mắt. Chúng cũng giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giữ cho đôi mắt khỏe mạnh khi về già.

tác dụng của lá hẹ
Các carotenes trong hẹ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt

7. Giúp cơ thể thải độc

Hẹ có đặc tính lợi tiểu nhẹ và kết hợp với đặc tính kháng khuẩn và loại bỏ gốc tự do, nên là một giải pháp tuyệt vời để giải độc cơ thể. Bằng cách kích thích đi tiểu, lá hẹ có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố dư thừa, muối, nước và thậm chí cả chất béo, giữ cho các hệ thống cơ quan hoạt động trơn tru và khỏe mạnh.

Nhờ những tác dụng của hẹ tuyệt vời này mà loại rau này đã trở thành thực phẩm yêu thích của nhiều người để vừa tăng thêm vị thơm ngon cho món ăn vừa giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh tật.

DS Phan Hiền

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y