Những điều bác sĩ muốn bạn biết về bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay còn gọi là eczema là bệnh mạn tính tiến triển từng đợt, thường bắt đầu ở trẻ nhỏ với đặc điểm là ngứa và có tổn thương dạng chàm. Bệnh có liên quan đến hen, viêm mũi xoang dị ứng, sẩn ngứa, dị ứng thuốc, mày đay.

Viêm da cơ địa thường khởi phát từ khi còn nhỏ

Nguyên nhân và yếu tố gây khởi phát bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa được gây ra bởi sự phối hợp của nhiều nguyên nhân:

  • Đặc tính của da: những người mắc viêm da cơ địa thường có da rất khô, khiến cho da dễ phản ứng lại với các tác nhân kích ứng bên ngoài, gây ra tình trạng ngứa và đau.
  • Di truyền: Khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con đẻ ra có khả năng bị bệnh là 80%.

Bạn cần lưu ý rằng, viêm da cơ địa không phải là một bệnh lý nhiễm trùng nên không lây khi tiếp xúc trực tiếp.

Di truyền là một trong những nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Yếu tố gây khởi phát

  • Ô nhiễm môi trường, khí hậu lạnh hoặc khô.
  • Các dị nguyên có trong bụi nhà, lông súc vật, quần áo, đồ dùng gia đình…
  • Bệnh cơ địa liên quan nhiều giữa anh chị em ruột hơn là giữa con cái với bố mẹ do ảnh hưởng của môi trường trong thời kỳ thơ ấu.
  • Thay đổi hormon: nhiều phụ nữ có thể thấy triệu chứng viêm da cơ địa trầm trọng hơn trong những ngày trước kỳ kinh hoặc trong thời gian mang thai.

Yếu tố môi trường có thể gây khởi phát bệnh viêm da cơ địa

Triệu chứng viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa có các biểu hiện khác nhau tuỳ theo lứa tuổi.

Viêm da cơ địa ở trẻ nhũ nhi

  • Bệnh khởi phát sớm khoảng 3 tuần sau sinh, thường cấp tính với các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm vi khuẩn, hạch lân cận sưng to.
  • Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới của tay, chân. Khi trẻ biết bò có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối. Thường không tổn thương ở vùng tã lót.
  • Trẻ có thể dị ứng với một số thức ăn như sữa, hải sản, thịt bò, thịt gà… Khi không ăn các thức ăn gây dị ứng thì bệnh viêm da cơ địa giảm rõ rệt.
  • Bệnh hay tái phát, mạn tính và rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống.
  • Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ được 18-24 tháng.

Viêm da cơ địa ở nhũ nhi thường ở má, da đầu, cổ, khuỷu tay hoặc đầu gối

Viêm da cơ địa ở trẻ em

  • Thường từ viêm da cơ địa nhũ nhi chuyển sang.
  • Thương tổn là các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan toả cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da hình mạng lưới, ít khi ở mặt duỗi tay, chân.
  • Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ tiếp xúc với lông súc vật, gia cầm, mặc đồ len, dạ…
  • Nếu tổn thương trên 50% diện tích da, trẻ thường suy dinh dưỡng.
  • 50% sẽ khỏi khi trẻ được 10 tuổi.

Viêm da cơ địa ở trẻ em thường gặp ở khoeo hoặc nếp gấp khuỷu tay

Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn

  • Biểu hiện là mụn nước, sẩn đỏ dẹt, có vùng da mỏng trên mảng da dày, lichen hoá, ngứa.
  • Vị trí hay gặp: nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, rốn, vùng da quanh mắt đối với thanh thiếu niên. Khi bệnh lan toả thì vùng nặng nhất là các nếp gấp.
  • Viêm da lòng bàn tay, chân: gặp ở 20-80% người bệnh, là dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn.
  • Viêm da quanh mi mắt, chàm ở vú.
  • Tiến triển mạn tính, ảnh hưởng nhiều bởi các dị nguyên, môi trường, tâm sinh lý người bệnh.

Viêm da cơ địa ở người lớn thường có biểu hiện mụn nước, dày da, sừng hóa

Các biểu hiện khác của viêm da cơ địa

  • Khô da: do tăng mất nước qua biểu bì của da
  • Da cá, dày da lòng bàn tay, bàn chân, dày sừng nang lông, lông mi thưa.
  • Viêm môi bong vảy.
  • Dấu hiệu ở mắt, quanh mắt: mi mắt dưới có thể có 2 nếp gấp, tăng sắc tố quanh mắt, viêm kết mạc tái diễn có thể gây lộn mi, có thể có đục thuỷ tinh thể.

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu (ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015)
  2. “Atopic eczema”. National Health Service (NHS), last reviewed: 5 December 2019

DS Phạm Hảo