Phân biệt bệnh viêm kết mạc với bệnh viêm giác mạc

Viêm kết mạc và viêm giác mạc đều là 2 bệnh lý tổn thương mắt. Đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau nhưng rất nhiều người nhầm lẫn. Cùng tìm hiểu những điểm giống và khác nhau của 2 bệnh để nhận biết và điều trị đúng.

Viêm kết mạc còn gọi là bệnh đau mắt đỏ rất phổ biến

 

Vị trí của giác mạc và kết mạc

Giác mạc là lớp trong suốt, bao phủ con ngươi, mống mắt và khoang trước (phần lòng đen của mắt).

Kết mạc là lớp màng mỏng trong suốt bao phủ phần lòng trắng của mắt và bề mặt bên trong của mí mắt, gồm 2 đoạn nối tiếp nhau:

– Kết mạc nhãn cầu: bao phủ phần trước củng mạc (lòng trắng của mắt), không bao phủ giác mạc

– Kết mạc mi mắt: bao phủ bề mặt bên trong của mí mắt trên và dưới.

Hai đoạn kết mạc nối tiếp nhau giúp bảo vệ mắt khỏi các dị vật lọt vào phía sau mắt.

Tìm hiểu vị trí của kết mạcTìm hiểu vị trí của kết mạc

Bệnh viêm kết mạc và viêm giác mạc là gì? Dấu hiệu nhận biết

Viêm kết mạc hay bệnh đau mắt đỏ

Viêm kết mạc là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở cả vùng kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi. Chính do hiện tượng viêm lớp màng bao phủ lòng trắng này khiến mắt người bệnh có màu đỏ và bệnh hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ.

Triệu chứng của viêm kết mạc:

– Ngứa, đau vùng mắt

– Kết mạc đỏ

– Cảm giác như có sạn trong mắt

– Có nhiều rỉ dạng chất nhầy, mủ, màu vàng

Chảy nhiều nước mắt

– Lông mi kết dính vào nhau do rỉ mắt, nhất là khi thức dậy

– Mí mắt sưng húp

– Tầm nhìn giảm, nhạy cảm với ánh sáng

Viêm giác mạc

Viêm giác mạc (loét giác mạc) là vết loét hở trên giác mạc dạng đục hoặc đốm trắng. Viêm giác mạc cũng có một số triệu chứng tương tự như viêm kết mạc như:

– Đỏ mắt

– Sưng mí mắt

– Cảm giác vướng, dị vật trong mắt

– Chảy nhiều nước mắt, nhiều rỉ, mủ

– Mờ mắt

– Viêm giác mạc thường gây ra tình trạng đau mắt nghiêm trọng.

Viêm giác mạc thường gây ra những cơn đau dữ dội

Viêm giác mạc thường gây ra những cơn đau dữ dội

Nguyên nhân của viêm kết mạc và viêm giác mạc

Nhiễm virus hoặc vi khuẩn là những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cả hai bệnh lý này.

Những loài virus hoặc vi khuẩn thường gặp gây viêm kết mạc là Adenovirus (chiếm khoảng 80% các trường hợp), vi khuẩn tụ cầu, Hemophilus Influenza. Ngoài ra, dị ứng bụi, lông thú, phấn hoa cũng có thể là nguyên nhân và thường xuất hiện theo mùa. Ở trẻ sơ sinh, viêm kết mạc thường gặp hơn do hiện tượng ống lệ chưa mở hoàn toàn.

Viêm giác mạc có thể do các chủng virus như virus Herpes, Zona, Adenovirus, các chủng virus lây truyền theo đường máu như giang mai, phong. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây viêm giác mạc gồm: khô mắt kéo dài do thường xuyên thức đêm, mất ngủ; thiếu vitamin A, dị ứng thuốc, tác dụng phụ của thuốc tra mắt, nhiễm nấm, amip, trấn thương rách giác mạc, viêm loét giác mạc do bị bào mòn vì đeo kính áp tròng quá lâu, …

Viêm giác mạc và viêm kết mạc có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, viêm loét giác mạc có thể tạo ra các di chứng vĩnh viễn ở mắt như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt, làm hỏng thị lực của người bệnh, gây mù lòa nếu không được điều trị đúng cách. Do vậy, đây được xem là một bệnh nhãn khoa nguy hiểm.

Viêm kết mạc do virus là chủ yếu, hầu hết các trường hợp là lành tính, có thể chỉ cần giữ gìn vệ sinh, chống khô mắt, dự phòng bội nhiễm vi khuẩn, bệnh có thể tiến triển nhanh và khỏi sau vài ngày đến 1 tuần.

So với viêm giác mạc, viêm kết mạc ít nghiêm trọng và điều trị dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bệnh có khả năng lây lan nhanh nên cần phòng tránh lây nhiễm. Đồng thời, viêm kết mạc nếu không được chăm sóc cũng có thể dẫn đến những biến chứng như viêm giác mạc, sẹo kết mạc, giảm hoặc mất thị lực, cần chăm sóc phù hợp để hạn chế xảy ra biến chứng.

Viêm kết mạc thường gặp hơn và ít nguy hiểm hơn viêm giác mạc

Viêm kết mạc thường gặp hơn và ít nguy hiểm hơn viêm giác mạc

Điều trị viêm kết mạc và viêm giác mạc

Điều trị viêm kết mạc

Để điều trị viêm kết mạc cần thực hiện phối hợp các biện pháp sau:

– Giữ vệ sinh vùng mắt, không sử dụng khăn để vệ sinh do virus, vi khuẩn có thể tồn tại trên khăn làm bệnh tái phát hoặc lây nhiễm chéo cho người khác

– Chống khô mắt, nhỏ mắt với nước muối sinh lý

– Kháng sinh nhỏ mắt trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn

– Điều trị chống dị ứng nếu nguyên nhân do dị ứng

Điều trị viêm giác mạc

– Điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng nấm nếu nguyên nhân do vi khuẩn, vi nấm

– Giảm đau bằng thuốc giảm đau đường uống

– Phẫu thuật ghép giác mạc nếu điều trị bằng thuốc không tiến triển

Phòng bệnh và chế độ chăm sóc khi bị viêm kết mạc và viêm giác mạc

– Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ

– Tránh tiếp xúc với người khác, đeo kính để hạn chế sự lây lan

– Thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng

– Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm

– Loại bỏ các sản phẩm mỹ phẩm sử dụng cho vùng mắt cũ

– Tránh tiếp xúc với khói, bụi, môi trường có thể có nguy cơ kích ứng

– Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị

– Tuyệt đối không dùng tay dụi mắt trong quá trình bị bệnh

– Chỉ dùng kính áp tròng khi bệnh đã điều trị khỏi

Nhìn chung, việc chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân gây viêm kết mạc hay viêm giác mạc cần nhiều kiến thức chuyên môn. Điều trị không thích hợp, nhất là trong trường hợp viêm giác mạc có thể dẫn đến những biến chứng đáng tiếc như hỏng, mất hoàn toàn thị lực. Do vậy, khi có dấu hiệu đau mắt, khó chịu, nghi ngờ viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc, người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để điều trị chính xác.

DS Thanh Loan