Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào và tổ chức ở khớp và quanh khớp. Danh từ thoái hóa khớp được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1886 bởi bác sĩ J. K. Spender. Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý xương khớp, liên quan chặt chẽ với tuổi và là nguyên nhân chính gây đau, mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế. Tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch. Tổn thương kéo dài sẽ đưa đến biến đổi hình thái của toàn bộ ổ khớp và gây mất chức năng của khớp.

Các vị trí thoái hóa khớp trên cơ thể

I. Chẩn đoán

Tiêu chuẩn chẩn đoán: Tiêu chuẩn chẩn đoán chỉ dành cho thoái hóa khớp gối nguyên phát và thoái hóa khớp háng còn thoái hóa các khớp khác và cột sống thì dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng và loại trừ các nguyên nhân khác.

1. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

– Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối (Altman R 1986) gồm các tiêu chuẩn:

Lâm sàng

  • Đau khớp gối
  • Tuổi > 50
  • Cứng khớp buổi sáng kéo dài > 30 phút
  • Có tiếng lạo xạo khi vận động khớp.
  • Sưng, đau nhưng không nóng.

Có gai xương trên X-quang

Tốc độ máu lắng < 40mm/ giờ

Yếu tố dạng thấp (-) hoặc < 1/40

Dịch khớp của thoái hóa khớp (Trong nhớt, BC < 2.000/nm3)

– Theo EULAR 2009: Chẩn đoán thoái hóa khớp gối dựa vào các triệu chứng sau:

+ Ba triệu chứng cơ năng: đau, cứng khớp, hạn chế chức năng.

+ Ba triệu chứng thực thể: dấu lạo xạo (bào gỗ), hạn chế vận động, chồi xương.

Chẩn đoán khi có 3 triệu chứng cơ năng và có 3 triệu chứng thực thể

– Theo hiệp hội chấn thương chỉnh hình 2010:

Tiêu chuẩn chẩn đoán Thoái hóa khớp gốiTiêu chuẩn chẩn đoán Thoái hóa khớp háng
1. Đau khớp gối trong 1 tháng gần đây1. Đau khớp háng trong 1 tháng gần đây
2. Dấu hiệu THK trên phim XQ2. VS<=20mm/ giờ
3. Dịch khớp trong, tế bào < 2000/ml3. X quang: Gai xương hoặc đặc xương vùng rìa ổ cối
4. Tuổi >= 404. Hẹp khe khớp
5. Cứng khớp buổi sáng =< 30 phútChấn đoán khi có tiêu chuẩn: 1+2+3 hoặc 1+3+4
6. Lạo xạo khớp khi vận động
Chẩn đoán khi có tiêu chuẩn: 1+2 hoặc 1+3+5+6 hoặc 1+4+5+6

2. Chấn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng và cột sống cổ

Chủ yếu do tổn thương các đĩa đệm, thân sống ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ gây các biểu hiện lâm sàng là đau cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng. Trong một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện thoái hóa có chèn ép rễ thần kinh thì gây ra các biểu hiện đau rễ thần kinh thì gây ra các biểu hiện đau rễ thần kinh cổ hoặc đau thần kinh tọa.

– Dấu hiệu lâm sàng đau cột sống thắt lưng

+ Đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng, có khi đột ngột sau mang vác, khiêng xách nặng hay do sai tư thế. Đau có thể liên tục hoặc từng đợt, hay tái phát. Nằm nghỉ thường giảm đau.

+ Đau tại chỗ, không lan ra, đau tăng khi thay đổi tư thế, khi vận động nhiều, khi thay đổi thời tiết. Có khi đau phối hợp với đau thần linh tọa một hoặc hai bên do đĩa đệm vị thoát vị đè ép vào các rễ thần kinh.

+ Cột sống thắt lưng có thể bị biến dạng, vẹo và hạn chế một số động tác, các cơ cạnh.

– Dấu hiệu lâm sàng của thoái hóa cột sống cổ:

+ Đau vùng cổ gáy cấp hoặc mạn tính, hạn chế vận động, đau tăng khi mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng, khi thay đổi thời tiết…

+ Nhức đầu vùng chầm, thái dương, trán và hai hố mắt thường vào buổi sáng.

+ Có khi đau phối hợp với tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép.

+ Có khi kèm theo: nhức đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, nuốt vướng…do ảnh hưởng động mạch đốt sống rất dễ lẫn với biểu hiện của hội chứng tiền đình.

+ Cột sống cổ biến dạng, vẹo và hạn chế một số động tác, hai cơ thang thường co cứng.

+ Đôi khi gai xương mọc ở phía sau đốt sống (mỏm móc và liên mỏm gai sau) chèn ép vào tủy sống hoặc dây chằng chung phía sau cột sống bị vôi hóa làm hẹp ống sống gây hội chứng chèn ép tủy cổ.

+ X quang thoái hóa cột sống: Hẹp khoảng liên đốt của các đốt sống; đặc xương ở mặt các đốt sống; mọc thêm xương (gai xương) ở rìa các đốt sống, hẹp lỗ liên hợp giữa các đốt sống (tư thế X-quang chếch ¾).

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và hình ảnh X-quang cột sống có biểu hiện thoái hóa

3. Chẩn đoán phân biệt

– Viêm khớp dạng thấp; viêm khớp Gout: viêm cột sống dính khớp; viêm khớp phản ứng, lao khớp: viêm khớp không đặc hiệu khác.

– Đối với đau cột sống, loãng xương gãy lún đốt sống, dày dây chằng vàng hoặc viêm thân sống đĩa đệm, đa u tủy xương, K di căn cột sống.

II. ĐIỀU TRỊ

1. Các biện pháp điều trị chung thoái hóa khớp

– Giáo dục bệnh nhân: Về nguyên nhân, điều trị, kiểm soát cân nặng, tập thể dục

– Các biện pháp không dùng thuốc: Tập thể dục, kích thích điện, siêu âm, liệu pháp lạnh/ nhiệt, xoa bóp, nẹp dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ hỗ trợ.

– Thuốc điều trị

Thuốc tác dụng tại chỗ

Thuốc giảm đau đơn thuần; thuốc giảm đau thuộc nhóm gây nghiện

Thuốc kháng viêm không steroid

Thuốc tiêm corticoid vào khớp; tiêm Acid Hyaluronic vào khớp

Thuốc làm thay đổi cấu trúc sụn khớp

Phẫu thuật: nội soi rửa ổ khớp; cắt xương- chỉnh trục khớp; phẫu thuật thay khớp.

>> Xem thêm Thông tin tổng quát về bệnh loãng xương

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị triệu chứng:

– Thuốc giảm đau đơn thuần: Paracetamol hoặc Paracetamol kết hợp với opioid nhẹ (Tramadol, Codein).

– Thuốc kháng viêm giảm đau (NSAID) khi các thuốc giảm đau không hiệu quả, tùy theo cơ địa bệnh nhân mà lựa chọn các nhóm NSAID sao cho phù hợp nhằm đạt được sự an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.

– Tiêm corticoid vào khớp: dùng cho các trường hợp thoái hóa khớp kèm theo phản ứng viêm nhất là khi có tràn dịch khớp. Sau khi đã hút dịch khớp có thể tiêm corticoid vào ổ khớp.

– Các thuốc NSAID và giảm đau bôi tại chỗ.

– Đối với đau cột sống do thoái hóa có kèm theo co cứng cơ có thể cho thêm nhõm dãn cơ

– Trong trường hợp bệnh nhân có đau rễ thần kinh do thoái hóa cột sống chèn ép thì các nhóm giảm đau thần kinh như: Gabapentin, Pregabalin.

2.2. Điều trị lâu dài

– Thuốc làm chậm quá trình thoái hóa và bồi dưỡng sun khớp; Glucosamine sunphate 1500mg/ ngày, Diacerin 50mgx 2 ngày.

– Tiêm Hyaluronic acid (HA) vào ổ khớp: Tác dụng thay thế dịch khớp, duy trì độ nhớt của dịch khớp, bảo vệ các tổ chức của khớp, cải thiện cấu trúc của sụn khớp. Chỉ định điều trị thoái hóa khớp gối ở các giai đoạn (trừ khi có chỉ định thay khớp)

– Liều dùng: tùy theo trọng lượng phân tử của HA có thể tiêm 3-5 lần cách nhau mỗi tuần (hiện nước ta chưa có loại tiêm 1 lần), có thể nhắc lại mỗi 6 tháng – 12 tháng.

2.3. Điều trị không dùng thuốc

– Chế độ sinh hoạt, tập luyện: Nghỉ ngơi, giảm chịu lực cho khớp; tập cơ tứ đầu đùi, tập vận động vừa sức, đều đặn, đi bộ đường bằng phẳng. Thay đổi các thói quen xấu làm tăng chịu lực của khớp gối (ngồi xổm, xách hoặc mang vác nặng…).

– Chế độ ăn uống: chú trọng ăn kiêng nếu bệnh nhân thừa cân. Ăn thực phẩm giàu protein, calci và vitamin D.

– Tập vật lý trị liệu. Giảm cân nặng. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác.

>> Xem thêm 10 Thực phẩm tốt cho khớp gối mà bạn không thể bỏ qua

2.4. Điều trị phẫu thuật

– Nội soi rửa ổ khớp

– Cắt xương – chỉnh trục, thay khớp nhân tạo khi các biện pháp điều trị bảo tồn thất bại.

Tham khảo: Phác đồ điều trị bệnh nội khoa