Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng tới mắt cá chân như thế nào?

Mắt cá nhân đau, sưng tấy do bị viêm khớp dạng thấp có thể gây khó đi lại, di chuyển. Lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp mắt cá chân phổ biến ở người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp và mắt cá chân

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn mạn tính khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và làm viêm các mô khỏe mạnh, đặc biệt là khớp. Hơn 90 % những người bị viêm khớp dạng thấp sẽ xuất hiện các triệu chứng ở bàn chân và mắt cá chân.

Viêm khớp dạng thấp tấn công các khớp, thường bắt đầu từ bàn tay và bàn chân, và ở cả hai bên cơ thể. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề ở các mô và cơ quan khác của cơ thể.

Mắt cá chân nằm ở vị trí nối giữa cẳng chân và bàn chân, bao gồm ba xương: xương ống chân (xương chày), xương bắp chân (xương mác) và xương mắt cá chân (xương sên).

Viêm khớp dạng thấp
Mắt cá chân ở vị trí gồm xương chày, xương mác và xương sên

Lớp niêm mạc của khớp (bao hoạt dịch) được bôi trơn bằng chất lỏng hoạt dịch để khớp có thể cử động dễ dàng khi di chuyển. Khi lớp niêm mạc này bị viêm, theo thời gian, nó sẽ làm cho khớp, dây chằng và sụn bị hư hỏng. Xương ở mắt cá chân có thể yếu đi do sụn và mô bị tổn thương, khiến xương cọ xát vào nhau. Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân có thể gây đau đớn khi đi lại và cản trở chuyển động.

Trong một nghiên cứu năm 2016 trên 5.637 người bị viêm khớp dạng thấp ở Nhật Bản, 43,8% đối tượng tham gia nghiên cứu cho biết rằng vấn đề với bàn chân hoặc khớp mắt cá chân là triệu chứng đầu tiên của họ.

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân

Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân thường bắt đầu với các triệu chứng nhẹ và tiến triển nặng hơn theo thời gian. Việc chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân càng sớm càng tốt. Tuy tổn thương không thể hồi phục, nhưng việc điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Một số triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân như:

  • Cứng khớp, sưng đỏ, đau gót chân
  • Tốc độ đi bộ chậm hơn, khó khăn trong việc đi đứng, mất thăng bằng

Ban đầu có thể khó xác định được cơn đau do viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân, có thể đau vào buổi sáng hoặc ban đêm, nhưng không liên tục. Cơn đau khác với cơn đau do gãy xương nhưng có thể tương tự như những vết thương do chấn thương mắt cá chân.

Với những chuyển động gây áp lực nhiều hơn lên mắt cá chân như đi bộ lên dốc, hoặc leo bậc thang sẽ khiến cơn đau tăng và khó chịu. Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển, các triệu chứng sẽ tăng cường và xảy ra thường xuyên hơn.

Mắt cá chân bị sưng đỏ do viêm khớp dạng thấp
Mắt cá chân bị sưng đỏ do viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng ở mắt cá chân do viêm khớp dạng thấp thường đi kèm với các triệu chứng ở bàn chân như:

  • Ngón chân lệch, ngón chân móng vuốt hoặc ngón chân cái búa
  • Viêm bao hoạt dịch
  • U cục dưới da ở bàn chân
  • Đau ở bàn chân
  • Thay đổi hình dạng bàn chân.

Vì viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, bạn cũng có thể có các triệu chứng toàn thân khác, bao gồm: mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, sụt cân, yếu cơ.

Điều trị viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân

Phác đồ điều trị có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân. Các loại thuốc đặc biệt có thể hiệu quả với một số người, nhưng người khác thì không. Bệnh nhân cũng cần được khám và xét nghiệm định kỳ để cân nhắc có cần thay đổi phương pháp điều trị mới hay không.

Nhưng trong mọi trường hợp, điều trị tích cực càng sớm càng tốt sẽ giúp giảm viêm và mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Dưới đây là một số lựa chọn điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân:

Thuốc

Điều trị thường bắt đầu bằng thuốc chống thấp khớp (DMARDs) để làm chậm sự tiến triển của tổn thương khớp và làm giảm các triệu chứng khác ở khớp.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc corticosteroid liều thấp để giảm đau và sưng.
Một số tác nhân sinh học có thể ngăn chặn các tín hiệu hóa học của hệ thống miễn dịch gây viêm và tổn thương khớp.

>> Xem thêm Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm khớp dạng thấp

Tập thể dục

Phác đồ điều trị có thể bao gồm các bài tập và giãn cơ. Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp giảm bớt độ cứng ở mắt cá chân. Chuyên gia trị liệu có thể giúp tìm một chế độ tập luyện an toàn cho mắt cá chân phù hợp với tình trạng và lối sống của người bệnh.

Bài tập giãn cơ mắt cá nhân
Bài tập giãn cơ mắt cá nhân

Chỉnh hình

Tùy thuộc vào các triệu chứng, người bệnh có thể được chỉ định một thiết bị chỉnh hình, chẳng hạn như nẹp mắt cá chân có ren, để giúp ổn định bàn chân và mắt cá chân. Bác sĩ cũng có thể tư vấn những đôi giày đặc biệt phù hợp với hình dạng bàn chân để tạo sự thoải mái.

Chế độ ăn

Người bệnh cần phải ăn một chế độ lành mạnh và cân bằng để hạn chế tình trạng viêm.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể là một lựa chọn để sửa chữa hoặc thay thế mắt cá chân.

Mỗi lựa chọn đều có những nguy cơ cũng như lợi ích nhất định, các bác sĩ sẽ cân nhắc cùng với tuổi tác và lối sống của bệnh nhân để đưa ra phương pháp phù hợp.

DS Phan Thu Hiền