Xử lý đúng cách khi bị động vật cắn, tránh biến chứng nguy hiểm

Bị động vật cắn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hoặc nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý nguy hiểm như uốn ván, bệnh dại. Vậy khi bị động vật cắn cần xử lý như thế nào?

động vật cắn
Động vật cắn có thể gây lây nhiễm các bệnh lý nguy hiểm như bệnh dại

Nguy cơ nhiễm khuẩn khi bị động vật cắn

Ở các vùng nông thôn, mỗi ngày có khoảng 900 ca bị chó cắn đến phòng khám cấp cứu hoặc các trung tâm y tế để điều trị các vết thương do động vật hoặc người cắn.

Vào mùa hè, số lượng người bị chó cắn nhiều nhất, đặc biệt là trẻ em, thường vì những lý do như: bị cắn khi đang chơi với động vật, bị cắn do hoảng sợ vì đột ngột nhìn thấy chó hoặc trêu chó lúc ngủ. Xác định lý do bị động vật cắn rất quan trọng vì nếu chúng tấn công mà không rõ lý do thì khả năng rất cao là động vật bị bệnh dại.

Loại súc vật cắn, vị trí cắn là những yếu tố quan trọng và có liên quan đến khả năng hình thành nhiễm khuẩn vết thương.

  • Mèo cắn dễ gây nhiễm khuẩn, khoảng 30 – 50% số vết thương do mèo cắn sau đó bị nhiễm khuẩn
  • Chó cắn không rõ nguyên nhân có tỷ lệ nhiễm khuẩn khoảng 5%
  • Các vết cắn ở đầu, mặt, cổ ít gây nhiễm khuẩn hơn so với chân tay.
động vật cắn
Mèo cắn có khả năng gây nhiễm khuẩn cao đến 50%

Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết thương do động vật cắn

Loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn phụ thuộc vào loại động vật cắn và thời điểm nhiễm khuẩn vết thương sau bị cắn:

Pasteunrella multocida thường gây nhiễm khuẩn vết thương do chó và mèo cắn khởi phát sớm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn. Triệu chứng gồm sốt, rét run, viêm mô tế bào, sưng hạch tại chỗ.

Tụ cầu và liên cầu thường gây các nhiễm khuẩn muộn hơn vào sau 24 giờ kể từ lúc cắn.

Một số loại vi khuẩn ký sinh trong miệng như Capnocytophaga Canimorsus – thường gọi là vi khuẩn DF2, Eikenella corrodens, các loài haemophilus, trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas, các vi khuẩn gram (-) khác đều có thể là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn vết cắn.

Xử lý vết thương động vật cắn

Chăm sóc vết thương tại chỗ

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương cần:

  • Rửa sạch vết thương bằng các dung dịch sát khuẩn
  • Nếu có các phần hoại tử cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành loại bỏ
  • Trong các trường hợp vết thương sâu, có va chạm hoặc nghi ngờ cần tiến hành chụp X-Quang để phát hiện gãy xương và các dị vật.
động vật cắn
Cần rửa sạch vết thương sau khi bị động vật cắn

Khâu vết thương

Vết thương có thể cần được khâu đóng kín để đảm bảo thẩm mỹ hoặc để phục hồi trong trường hợp nặng.

Tuy nhiên, trường hợp vết thương nhiễm khuẩn thì không bao giờ được khâu kín.

Các vết thương ở bàn tay cũng không được khâu do có nguy cơ cao nhiễm khuẩn yếm khí dẫn đến hoại tử mất chức năng bàn tay.

Kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn

Phải điều trị kháng sinh dự phòng trong các trường hợp có nguy cơ:

  • Mèo cắn ở bất kỳ chỗ nào: dicloxacillin 0,5g, uống 4 lần/ngày trong 3 – 5 ngày.
  • Vết thương ở tay do súc vật cắn: penicillin 0,5g đường uống, 4 lần trong ngày trong 3-5 ngày.
  • Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt những người đã cắt lách có khả năng cao bị nhiễm khuẩn huyết sau khi bị súc vật cắn bắt buộc phải điều trị dự phòng.

Mặc dù dicloxacillin và penicillin được sử dụng với mục đích dự phòng nhưng phổ tác dụng của các kháng sinh này rất hạn hẹp. Nên trong thực tế, dựa vào tính chất các vi khuẩn có khả năng gây bệnh mà một số thuốc chưa được nghiên cứu với chỉ định dự phòng nhưng có phổ tác dụng rộng cũng được chỉ định để điều trị dự phòng như cefuroxime, amoxicillin-clavulanic acid.

Kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn

Trong trường hợp nhiễm khuẩn vết thương, bắt buộc phải điều trị bằng kháng sinh. Việc lựa chọn loại kháng sinh và đường dùng phụ thuộc từng trường hợp:

  • Điều trị P. multocida bằng penicillin hoặc tetracyclin, thời gian điều trị kéo dài ít nhất 2-3 tuần
  • Nếu việc dùng thuốc không có hiệu quả, cần cấy vi khuẩn và điều trị bằng kháng sinh đồ.
động vật cắn
Điều trị vết cắn bằng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn

Tiêm phòng và theo dõi bệnh dại và uốn ván

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong rất cao, với những biểu hiện điển hình như dị cảm tại chỗ, da nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ, bồn chồn, co rút cơ, kích động, hành vi kỳ quái, co giật và liệt do vậy cần dự phòng và phát hiện kịp thời.

Sau khi vệ sinh tại chỗ vết thương, người bệnh nên đi tiêm phòng dại. Thông thường, người bệnh sẽ được tiêm globulin miễn dịch bệnh dại tại chỗ xung quanh vết thương và phần còn lại tiêm bắp. Đối với người trước đó đã dùng vắc xin dại trước thì không nên dùng globulin miễn dịch mà sử dụng vắc xin để tiêm vào cơ delta 2 lần vào ngày bị cắn và ngày thứ 3.

Bệnh uốn ván do độc tố vi khuẩn Clostridium tetani sinh ra, có mặt khắp nơi trong đất. Độc tố vi khuẩn làm ngăn cản các dẫn truyền thần kinh ức chế nên chỉ cần một kích thích rất nhẹ cũng dẫn đến co cứng không kiểm soát được và làm tăng phản xạ. Những vết thương bị tỳ đè có tình trạng yếm khí có khả năng bị nhiễm trực khuẩn uốn ván.

Uốn ván có thể được dự phòng bằng việc tiêm vắc xin. Tuy nhiên ở người chưa tiêm phòng, cần điều trị bằng tiêm bắp globulin miễn dịch kháng uốn ván.

Nhìn chung, các vết thương do động vật cắn nên được sơ cứu và xử trí phù hợp, tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

DS Thanh Loan