Người lao động là nguồn lực tối thiết yếu tại mọi doanh nghiệp. Sự vắng mặt của một cá nhân có thể ít ảnh hưởng tới công việc chung của công ty, tuy nhiên, nếu nhiều người cùng nghỉ sẽ là một vấn đề đáng lo ngại. Một trong số những nguyên nhân có thể gây nên sự vắng mặt đồng thời này có thể là dịch cúm.
Virus cúm xâm nhập vào bên trong cơ thể qua các niêm mạc mũi, miệng và mắt từ những giọt nước bốc hơi trong không khí phát sinh ra khi người bệnh ho, hắt hơi hay khạc đờm. Từ đó, khởi phát bệnh nhanh trong 1-2 ngày đầu tiên với những triệu chứng thường gặp như: sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi.
Bởi cơ chế lây bệnh qua không khí như vậy nên bệnh cúm có thể lây lan rất nhanh, đặc biệt khi tiếp xúc gần với người bệnh. Vì vậy, trường học và công sở là nơi có tốc độ lây bệnh nhanh nhất. Một số biện pháp đơn giản, hiểu quả có thể được áp dụng tại công sở để bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng tránh việc lây lan cho dịch cúm cho cộng đồng.
1. Khuyến khích nhân viên tiêm vắc xin cúm hằng năm
Tiêm vắc xin cúm được xem là biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất. Tuy việc tiêm vắc xin không thể đảm bảo 100% sẽ không bị cúm (bởi nhiều nguyên nhân: mắc chủng cúm khác với chủng đã tiêm phòng hoặc mắc cúm trong hoặc sau khi tiêm vắc xin, lúc này cơ thể chưa sinh kháng thể,…), việc tiêm vắc xin cúm sẽ giúp giảm tần suất bị cúm, giảm mức độ nặng của mỗi đợt cúm và giảm thời gian cần để hồi phục sau khi mắc cúm.
Ngoài việc tuyên truyền, khuyến khích, để việc tiêm phòng được áp dụng rộng rãi, công ty có thể cân nhắc chi trả cho người lao động chi phí tiêm vắc xin cúm hằng năm. Bên cạnh đó, các đơn vị/ doanh nghiệp có thể khuyến khích việc tiêm vắc xin bằng cách cho người lao động vắng mặt 1-2 giờ để đi tiêm vaccin hay phát hành tài liệu về lợi ích của việc tiêm vắc xin.
2. Người lao động nên nghỉ ngơi tại nhà trong thời gian bị cúm
Người lao động nên xin nghỉ ốm trong khoảng 3-4 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng cúm hoặc cho tới ít nhất 24h sau khi hoàn toàn hết sốt mà không cần dùng tới thuốc hạ sốt. Bởi người bị cúm có khả năng lây lan cho cộng đồng cao nhất trong 3 ngày đầu tiên mắc bệnh
Với những người khởi phát triệu chứng đầu tiên khi đang làm việc tại công sở nên được khuyên về nhà nghỉ ngơi, vừa để bảo vệ sức khỏe bản thân, cũng nhằm giảm nguy cơ lây bệnh cho đồng nghiệp.
3. Xây dựng những chính sách linh hoạt trong công việc
Đơn vị/ doanh nghiệp có thể cân nhắc những chính sách linh hoạt đối với người lao động bị cúm để họ có thể yên tâm nghỉ ngời tại nhà. Người lao động có thể đề xuất làm việc qua điện thoại, làm việc online tại nhà nếu triệu chứng cúm đã thuyên giảm nhưng chưa hết hẳn. Điều này vừa giúp đảm bảo công việc của đơn vị, vừa giảm nguy cơ lây lan dịch cúm nơi công sở.
4. Cung cấp những vật dụng và phương tiện phòng ngừa lây nhiễm cúm
Virus cúm lan truyền trong không khí từ những giọt bắn/chất tiết từ người bệnh cúm. Do đó, một số vật dụng như: thùng rác mở nắp không dùng tay, khăn giấy, nước rửa tay hoặc dung dịch sát khuẩn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa lây lan virus cúm
5. Cung cấp cho người lao động những kiến thức cơ bản về bệnh cúm
Hiểu biết rõ về bệnh cúm, cách phòng bệnh và cách ngăn ngừa lây bệnh trong cộng đồng là một trong những yếu tố cốt lõi ngăn chặn bùng phát dịch cúm, đặc biệt tại nơi công sở. Một số biện pháp nên được truyền thông rộng rãi như:
- Văn hóa ho, hắt hơi: Luôn che chắn miệng mũi khi bạn ho, hắt hơi hoặc khạc đờm bằng khăn giấy hoặc sử dụng khuỷu tay. Không nên sử dụng bàn tay để che chắn, bởi bàn tay là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với người khác và các vật dụng bên ngoài, việc sử dụng bàn tay che chắn các giọt bắn từ đường hô hấp sẽ giúp lưu giữ và phát tán virus ra môi trường bên ngoài.
- Khuyến khích vệ sinh tay thường quy: trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người mắc cúm là những thời điểm quan trọng cần thực hiện việc rửa tay để bảo vệ bản thân trong mùa cúm.
Tài liệu tham khảo
1. “Preventing the Spread of Flu in the Workplace”, Centers of Disease Control and Prevention (CDC), last reviewed: April 8, 2019
2. “Promoting Vaccination in the Workplace”, Centers of Disease Control and Prevention (CDC), last reviewed: April 8, 2019