Những ai cần tiêm vắc-xin cúm để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm?

Bệnh cúm (hay còn gọi là cảm cúm hoặc cúm mùa) là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp gây ra bởi virus cúm A (H3N2, H1N1), cúm B và cúm C. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Tiêm vacxin cúm được coi là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất.

vắc xin cúm
Tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi đều được khuyên tiêm vắc xin cúm

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vacxin cúm mùa hàng năm, rất ít trường hợp ngoại lệ. Đặc biệt, tiêm vacxin rất cần thiết đối với những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm hoặc nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu mắc bệnh, cụ thể như sau:

1. Trẻ em

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng khi mắc cúm, bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện.

Những biến chứng có thể gặp phải ở lứa tuổi này bao gồm: viêm phổi, mất nước, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hiện có (như bệnh tim hoặc hen), rối loạn chức năng não bộ, viêm xoang, viêm tai hoặc thậm chí có thể tử vong.

vắc xin cúm
Trẻ em cần được tiêm vacxin cúm hàng năm

Lựa chọn loại vacxin cúm: Trẻ em có thể sử dụng vacxin cúm dạng tiêm hoặc dạng xịt mũi (Hiện nay ở Việt Nam vắc xin cúm mới có dưới dạng tiêm chưa có loại xịt mũi). Bạn nên hỏi bệnh viện hoặc trung tâm tiêm chủng về loại vacxin cúm phù hợp với trẻ.

Trẻ nên được tiêm vacxin cúm mỗi năm một lần. Ngoài ra, với trường hợp trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi chưa từng được tiêm cúm thì cần được tiêm 2 mũi trong mùa, cách nhau tối thiểu 4 tuần để đạt hiệu quả dự phòng tốt nhất.

2. Người trên 65 tuổi

Mặc dù mức độ nặng của người bệnh mắc cúm khác nhau theo từng mùa, người từ 65 tuổi trở lên được xem là nhóm tuổi bị nhiều biến chứng nặng nề nhất từ cúm. Những năm gần đây, theo thống kê tại Mỹ, 70 – 90% trường hợp tử vong do cúm xảy ra ở nhóm tuổi trên 65, 50 – 70% các trường hợp nhập viện do cúm cũng ở nhóm tuổi này.

Do hệ miễn dịch của người lớn tuổi yếu hơn so với người trẻ nên đáp ứng miễn dịch ở nhóm tuổi này cũng yếu hơn sau khi tiêm vacxin cúm. Tuy vậy, hiệu quả của việc tiêm vacxin đã được chứng minh là tương tự ở các nhóm tuổi.

vắc xin cúm
Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng do cúm

Về việc lựa chọn loại vacxin, nhóm tuổi từ 65 trở lên nên lựa chọn vacxin cúm dạng tiêm, thay vì dạng xịt mũi. Bạn có thể lựa chọn bất kỳ loại vacxin nào đang được lưu hành. Nhìn chung, có 2 loại vacxin được sử dụng cho người trên 65 tuổi: Vacxin cúm thông thường hoặc vacxin cúm liều cao – với hàm lượng kháng nguyên cao gấp 4 lần vacxin thông thường.

3. Phụ nữ có thai

Do một số thay đổi sinh lý về: đáp ứng miễn dịch, tim, phổi trong quá trình mang thai mà phụ nữ có thai (và phụ nữ sau sinh 2 tuần) dễ gặp những biến chứng nghiêm trọng do cúm. Hơn nữa, mắc cúm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sốt – một triệu chứng thường gặp của cúm, có thể liên quan đến khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, cũng như một số biến cố bất lợi khác trong quá trình phát triển của trẻ.

Tiêm vắc-xin cúm không những bảo vệ mẹ và bé trong quá trình mang thai, mà còn giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời, khi mà trẻ chưa được tiêm vacxin phòng cúm. Nghiên cứu năm 2018 tại Mỹ cho thấy, tiêm vacxin giúp giảm 40% tỉ lệ nhập viện do cúm ở nhóm đối tượng này.

vắc xin cúm
Tiêm vacxin cúm giúp bảo vệ bà bầu và cung cấp kháng thể cho bé sau sinh

Về lựa chọn loại vacxin: Phụ nữ có thai nên sử dụng vacxin cúm dạng tiêm, đây là vacxin chứa virus bất hoạt (đã chết) hoặc kháng nguyên của virus, được xem là an toàn trong thai kỳ. Vacxin cúm dạng xịt mũi thành phần là virus sống giảm độc lực nên không dùng cho nhóm đối tượng này.

4. Người mắc bệnh tim hoặc đột quỵ

Trong mùa cúm 2018-2019 tại Mỹ, bệnh tim mạch là bệnh lý phổ biến nhất trong số bệnh nhân nhập viện do cúm kèm theo bệnh mạn tính (chiếm 47,2%). Một nghiên cứu năm 2018 ghi nhận nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 6 lần trong vòng 1 tuần khi được chẩn đoán cúm.

Về lựa chọn vacxin cúm: Nhìn chung, người mắc bệnh tim mạch không nên lựa chọn vacxin cúm có thành phần virus sống giảm độc lực (vacxin dạng xịt mũi). Vacxin cúm dạng tiêm được chứng minh an toàn với người mắc bệnh tim.

5. Người mắc bệnh hen

Bệnh cúm có thể trở nên nghiêm trọng với người bệnh hen kể cả trường hợp hen mức độ nhẹ hoặc đã kiểm soát tốt bằng thuốc. Virus cúm có thể làm khởi phát cơn hen hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen, hơn nữa có thể dẫn tới viêm phổi hoặc các bệnh đường hô hấp cấp tính khác.

vắc xin cúm
Nhiễm cúm có thể làm khởi phát cơn hen hoặc nặng thêm các triệu chứng của hen

Về lựa chọn vacxin cúm: Các loại vacxin cúm dạng tiêm đang lưu hành được chứng minh là an toàn và phù hợp với người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, kể cả trường hợp bị hen. Nên thận trọng nếu lựa chọn vacxin cúm dạng xịt mũi ở người bị hen. Vacxin này có thể làm tăng nguy cơ thở khò khè sau khi xịt.

Tài liệu tham khảo:

1. “Who Needs a Flu Vaccine and When”, Centers for Disease Control and Prevention, last reviewed: October 11, 2019

2. “Dịch cúm mùa đang bùng phát tại Hoa Kỳ”, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cập nhật ngà 31/01/2018

3. “Phòng tránh và điều trị cúm mùa”, Tổ chức y tế thế giới WHO, ngày truy cập: 26/10/2019

4. Deliana Kostova (2013) “Influenza Illness and Hospitalizations Averted by Influenza Vaccination in the United States, 2005–2011”, Plos One

5. Jeffrey C. Kwong (2018) “Acute Myocardial Infarction after Laboratory-Confirmed Influenza Infection”, N Engl J Med 2018; 378:345-353