Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên rất dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Nắm chắc các biện pháp phòng tránh lây bệnh truyền nhiễm cho trẻ sẽ giúp bảo vệ bé khỏe mạnh.
Đối với mỗi bệnh sẽ có cách phòng ngừa đặc thù riêng, nhưng chung quy lại, bố mẹ có thể thực hiện những điều sau để phòng tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ. Những cách này tuy không thể bảo vệ trẻ 100% nhưng sẽ giúp hạn chế mắc bệnh cũng như lây nhiễm bệnh từ người khác.
Cho trẻ bú mẹ sau sinh
Sữa mẹ không chỉ đơn thuần là một tập hợp các chất dinh dưỡng, mà còn là một dịch thể sống có độ phức hợp sinh học rất cao, vừa có tính bảo vệ tích cực, vừa có tính điều khiển miễn dịch.
Các đặc tính chống lây nhiễm trong sữa non và sữa trưởng thành có cả thành phần hòa tan và thành phần tế bào. Các thành phần hòa tan bao gồm immunoglobulin (IgA – IgM IgG), lysozyme, lactoferin, nhân tố nhị phân, các enzym và các chất điều khiển miễn dịch khác. Các thành phần tế bào bao gồm macrophage (chứa IgA, lysozyme và lactoferin) tế bào limpho, bạch cầu hạt trung tính và các tế bào biểu mô. Các cấu phần này tập trung rất cao ở sữa non và giảm đi ở sữa trưởng thành.
SIgA là thành phần globulin quan trọng nhất, được tạo ra bởi các tế bào nhũ tương dưới biểu mô của đường ruột. Nghiên cứu các mẫu sữa non nồng độ globulin miễn dịch SIgA cao nhất trong ngày đầu, giảm dần ở ngày thứ 2 và ngày thứ 3 chỉ còn khoảng 1/4 so với ngày đầu do đó cần cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, và bú đến ít nhất 24 tháng tuổi để trẻ được nhận những kháng thể quan trọng từ sữa mẹ giúp bảo vệ sức khỏe.
Tăng cường dinh dưỡng
Khi trẻ đã đến độ tuổi ăn dặm, bố mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, cân đối với các nhóm thực phẩm. Cần đặc biệt chú ý cung cấp đầy đủ chất đạm (protein) từ sữa, trứng, cá, thịt, đậu đỗ. Vì bản chất của các kháng thể là protein, nếu thiếu trẻ sẽ không tạo được kháng thể phòng chống bệnh tật.
Bố mẹ cũng nên cho con ăn nhiều rau củ quả tươi. Bởi vì ngoài cung cấp chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, rau củ quả còn chứa các loại vitamin và chất chống oxy hóa giúp cho các tế bào khỏe mạnh. Đặc biệt, các loại trái cây như cam, bưởi, ổi chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy cơ thể sản sinh tế bào bạch cầu, kháng thể chống lại các virus gây bệnh.
Tiêm phòng vắc xin đầy đủ
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm vắc xin giúp kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, giúp bé khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não bình thường…
Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Tỉ lệ người tiêm phòng càng cao, số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn và bệnh càng khó lây truyền.
Giữ gìn vệ sinh không gian sống, học tập
Vệ sinh không gian sống và học tập của trẻ có thể giúp ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là các bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp. Vệ sinh môi trường xung quanh có thể loại bỏ chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác. Đảm bảo cho trẻ có một không gian sống sạch sẽ, trong lành, không khói bụi và ô nhiễm, nhất là khói thuốc lá, thuốc lào, khói than tổ ong… giúp hạn chế các tác nhân gây bệnh và tăng sức đề kháng của trẻ.
Bố mẹ cũng nên rửa và sát khuẩn đồ chơi của trẻ thường xuyên, tránh để mầm bệnh có cơ hội lây truyền.
Giữ gìn vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân
Thực hiện ăn chín, uống sôi với nguồn nước sạch, bảo quản thức ăn đã chế biến một cách phù hợp, ngăn không cho ruồi nhặng đậu vào thức ăn, không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín. Các biện pháp này giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn…
Thực hiện nghiêm túc và thường xuyên các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không dùng chung bát, đũa, khăn mặt, hay bàn chải đánh răng với người bệnh. Cần che miệng khi hắt hơi và không khạc nhổ nơi công cộng để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Ngủ đủ giấc
Cho trẻ ngủ đủ giấc cũng là một yếu tố quan trọng để trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Giấc ngủ ngon sẽ giúp cải thiện các tế bào miễn dịch đặc biệt là tế bào T. Tế bào T có chức năng chống lại các mầm bệnh đến từ nội bào, ví dụ như các tế bào bị nhiễm virus cúm, HIV, Herpes, ung thư. Thiếu ngủ làm ức chế các phản ứng miễn dịch, đồng thời khiến cơ thể sản xuất ít kháng thể hơn đối với một số loại vắc xin.
DS Phan Thu Hiền