Xác định các con đường lây bệnh truyền nhiễm để phòng ngừa

Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan trong cộng đồng bằng một hoặc nhiều con đường khác nhau. Nếu không có kiến thức về con đường lây lan bệnh và các phòng tránh, các bệnh truyền nhiễm có thể gây nên các ổ dịch với số lượng người mắc rất lớn.

lây bệnh truyền nhiễm
Bệnh truyền nhiễm có thể lây lan với số lượng người mắc rất lớn

Bệnh truyền nhiễm là gì?

Các bệnh truyền nhiễm do các sinh vật (vi trùng) như vi khuẩn, virut, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vi trùng là một phần của cuộc sống và được tìm thấy trong không khí, đất, nước và trong và trên cơ thể chúng ta.

Một số vi trùng có ích và thậm chí giúp chúng ta khỏe mạnh, trong khi những vi trùng khác có hại và gây bệnh. Khi hiểu về cách thức lây lan của bệnh truyền nhiễm, bạn sẽ có những hành động hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của chúng.

Các con đường lây lan của bệnh truyền nhiễm

Tiếp xúc trực tiếp

Một cách dễ dàng để mắc hầu hết các bệnh truyền nhiễm là tiếp xúc với người hoặc động vật bị nhiễm trùng.

  • Lây từ người này sang người khác: Các bệnh truyền nhiễm thường lây lan qua việc truyền trực tiếp vi khuẩn, virut hoặc vi trùng khác từ người này sang người khác. Điều này có thể xảy ra khi một cá nhân có vi khuẩn hoặc virut chạm vào, hôn, ho hoặc hắt hơi vào người không bị nhiễm.
lây bệnh truyền nhiễm
Người mang mầm bệnh khi ho có thể truyền bệnh cho người khác

Những vi trùng này cũng có thể lây lan qua sự trao đổi chất lỏng của cơ thể khi quan hệ tình dục. Người truyền mầm bệnh có thể không có triệu chứng của bệnh mà chỉ đơn giản là người mang mầm bệnh.

  • Lây từ mẹ sang thai nhi: Phụ nữ mang thai có thể truyền vi trùng gây bệnh truyền nhiễm cho thai nhi. Một số vi trùng có thể truyền qua nhau thai hoặc qua sữa mẹ. Vi trùng trong âm đạo cũng có thể được truyền sang em bé trong quá trình sinh nở.
  • Lây từ động vật sang người: Bị cắn hoặc cào bởi một con vật bị nhiễm bệnh – thậm chí là thú cưng – có thể khiến bạn bị ốm và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Xử lý chất thải động vật cũng nguy hiểm. Ví dụ, bạn có thể bị nhiễm trùng toxoplasmosis khi xúc hộp phân mèo của bạn.

Tiếp xúc gián tiếp

Các sinh vật gây bệnh cũng có thể lây qua đường tiếp xúc gián tiếp. Nhiều vi trùng có thể tồn tại trên một vật vô tri, chẳng hạn như mặt bàn, tay nắm cửa hoặc tay cầm vòi nước.

Chẳng hạn, khi bạn chạm vào tay nắm cửa do người bị bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh vừa cầm nắm, vi trùng trên bề mặt vật đó có thể dính vào tay bạn. Nếu sau đó bạn chạm vào mắt, miệng hoặc mũi trước khi rửa tay, bạn có thể bị nhiễm trùng.

Lây từ vật trung gian truyền bệnh

Một số vi trùng dựa vào vật mang côn trùng – chẳng hạn như muỗi, bọ chét, rận hoặc ve – để di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác. Các vật trung gian truyền bệnh này được gọi là vectơ truyền bệnh. Muỗi có thể mang ký sinh trùng sốt rét hoặc virut Tây sông Nile. Ve hươu có thể mang vi khuẩn gây bệnh Lyme.

lây bệnh truyền nhiễm
Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt

Thực phẩm bẩn, ô nhiễm

Vi trùng gây bệnh cũng có thể lây nhiễm cho bạn qua thức ăn và nước bị ô nhiễm. Cơ chế lây truyền này cho phép vi trùng có thể lây lan cho nhiều người thông qua một nguồn duy nhất. Ví dụ, Escherichia coli (E. coli) là một loại vi khuẩn có trong hoặc trên một số loại thực phẩm – chẳng hạn như bánh hamburger nấu chưa chín hoặc nước trái cây chưa tiệt trùng.

Phòng ngừa lây lan bệnh truyền nhiễm như thế nào

Hãy thực hiện các biện pháp sau để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm:

  • Rửa tay thường xuyên: Cần rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Và cố gắng không dùng tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng vì đó là cách phổ biến để mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
  • Tiêm phòng: Tiêm phòng có thể làm giảm đáng kể khả năng mắc nhiều bệnh. Cả người lớn và trẻ nhỏ hãy đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
  • Ở nhà khi bị ốm: Đừng đi làm nếu bạn đang nôn mửa, tiêu chảy hoặc bị sốt. Đừng cho con bạn đến trường nếu trẻ có những dấu hiệu này.
  • Chuẩn bị thực phẩm một cách an toàn: Giữ cho bếp và các dụng cụ nấu ăn sạch sẽ khi chuẩn bị bữa ăn. Thức ăn cần được nấu chin ở nhiệt độ thích hợp, và mua thực phẩm ở nơi uy tín. Bảo quản lạnh thức ăn thừa và không để thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài.
  • Thực hành tình dục an toàn: Luôn sử dụng bao cao su nếu bạn hoặc vợ có tiền sử bị bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có nguy cơ cao.
lây bệnh truyền nhiễm
Sử dụng bao cao su giúp ngăn ngừa lây truyền các bệnh qua đường tình dục
  • Không dùng chung đồ cá nhân: Sử dụng bàn chải đánh răng, lược và dao cạo râu của riêng bạn. Tránh dùng chung ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống.
  • Tìm hiểu kỹ khi đi du lịch: Nếu bạn đang đi du lịch nước ngoài hoặc chuẩn bị du học, hãy tìm hiểu hoặc xin tư vấn bác sĩ về những loại vắc xin đặc biệt cần tiêm – chẳng hạn như sốt vàng da, bệnh tả, viêm gan A hoặc B, hoặc sốt thương hàn.

Phan Hiền