Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng và có nước, có nhầy. Tiêu chảy khá phổ biến, nhưng nếu lơ là để kéo dài có thể dẫn đến mất nước, nguy hiểm. Tìm đúng nguyên nhân và sớm điều trị sẽ nhanh giảm triệu chứng và hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy
Thông thường, tiêu chảy là do vi rut xâm nhập vào ruột qua việc ăn uống. Có một số nguyên nhân khác cũng có khả năng gây tiêu chảy, gồm:
- Uống nhiều rượu bia
- Dị ứng thực phẩm
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc các sinh vật khác
- Hệ tiêu hóa kém hấp thu.
- Sử dụng quá liều thuốc nhuận tràng
- Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
- Bệnh tiểu đường
- Một số bệnh về đường ruột
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
- Xạ trị
- Một số bệnh ung thư
- Phẫu thuật hệ tiêu hóa
Các triệu chứng khi bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, có một số triệu chứng khác có thể kèm theo như:
- Đầy hơi
- Đau quặn bụng
- Phân lỏng hoặc loãng
- Phân có chất nhầy
- Luôn có cảm giác muốn đi nặng
- Buồn nôn và nôn nao
Với hội chứng ruột kích thích thì tiêu chảy có thể kèm theo táo bón.
Một số triệu chứng nghiêm trọng hơn khi bị tiêu chảy bao gồm:
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân
- Giảm cân
- Sốt
Nếu bị đi ngoài phân loảng nhiều hơn 3 lần một ngày và không bổ sung đủ nước thì có khả năng sẽ bị mất nước. Bị mất nước khá nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy hiểm?
Tiêu chảy là một tình trạng bệnh khá nghiêm trọng nếu xảy ra đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tiêu chảy có thể gây mất nước nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh chỉ trong một ngày.
Hãy đưa bé đi khám nếu bé bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng mất nước như:
- Ít hoặc không đi tiểu
- Môi và miệng khô
- Da khô
- Mắt trũng
- Cáu gắt
Hãy tìm cách điều trị ngay lập tức nếu như trẻ ở trong trường hợp sau:
- Tiêu chảy quá 24 giờ
- Trẻ bị sốt 39°C trở lên
- Phân có chứa máu và nhầy
- Phân có màu đen và hắc ín
Đây là tất cả các triệu chứng cảnh báo trường hợp khẩn cấp cần đi cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm.
Phương pháp chẩn đoán khi bị tiêu chảy
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và những loại thuốc bạn sử dụng, cũng như những gì bạn đã ăn hoặc uống gần đây. Bác sĩ sẽ khám tổng thể chung để tìm ra các triệu chứng và dấu hiệu bị mất nước hay đau bụng.
Một số xét nghiệm có thể giúp xác định nguyên nhân gây tiêu chảy, bao gồm:
- Xét nghiệm máu để tìm một số bệnh hoặc rối loạn.
- Nội soi đại tràng, trong một số trường hợp hiếm thì bác sĩ sẽ nhìn vào bên trong ruột kết bằng một ống mỏng, linh hoạt có chứa một máy ảnh nhỏ và ánh sáng. Họ cũng có thể sử dụng thiết bị này để lấy một mẫu mô nhỏ. Hoặc bác sĩ có thể chỉ cần nội soi đại tràng sigma để xem xét phần đại tràng dưới.
- Xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
Phương pháp điều trị tiêu chảy thường được áp dụng
Trong trường hợp bạn bị tiêu chảy nhẹ có thể không cần phải dùng thuốc điều trị tiêu chảy. Người lớn có thể dùng thuốc không kê đơn để giảm bớt tiêu chảy.
Đồng thời bạn nên chú ý cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nên uống ít nhất 6 cốc nước 250ml mỗi ngày. Nên chọn đồ uống có chất điện giải hoặc soda không có caffein. Thay vì uống chất lỏng trong bữa ăn hãy uống chất lỏng giữa các bữa ăn.
Thường xuyên bổ sung lượng chất lỏng nhỏ để đảm bảo đủ nước cho cơ thể.
Phương pháp giúp đem lại cảm giác tốt hơn khi bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy thì khu vực trực tràng có thể sẽ bị đau rát do nhu động ruột bị ảnh hưởng khi đi ngoài nhiều lần. Để giảm đau hãy tắm nước ấm. Sau đó lau khô khu vực này bằng khăn sạch mềm. Bạn có thể dùng kem bôi trĩ hoặc mỡ bôi trơn lên vùng bị đau rát.
Phòng ngừa tiêu chảy như thế nào?
Dù tiêu chảy là xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên bạn nên lưu ý những giải pháp sau để ngăn ngừa bệnh:
- Tránh bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm bằng cách thường xuyên vệ sinh khu vực nấu nướng và chế biến đồ ăn.
- Ăn đồ ăn ngay sau khi chế biến, tránh để ra ngoài lâu dễ khiến vi khuẩn sinh sôi.
- Cho ngay thức ăn thừa vào tủ lạnh để bảo quản.
- Rã đông thực phẩm đông lạnh trong tủ đúng cách.
Đối với người đang đi du lịch, để tránh bị tiêu chảy khi tới các vùng miền khác:
- Tránh uống nước máy, đá viên và các sản phẩm tươi khi đang đi du lịch.
- Chỉ uống nước đóng chai
- Chỉ ăn thức ăn đã nấu chín kỹ
- Với các món ăn lạ, nên ăn từng chút và để ý phản ứng của cơ thể.
Chế độ ăn uống phù hợp đối với người bị tiêu chảy
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị cũng như cải thiện sức khỏe với người bị tiêu chảy. Cùng tìm hiểu nên ăn gì uống gì và kiêng gì khi bị tiêu chảy?
Thực phẩm nên ăn khi bị tiêu chảy
Nên lựa chọn đồ ăn nhạt, ít chế biến đối với người bị tiêu chảy. Bởi đồ cay, đồ chiên rán đều có khả năng gây kích ứng ruột. Bạn có thể lựa chọn một số loại thực phẩm như:
- Ngũ cốc nóng
- Nước sốt táo
- Cơm trắng
- Bánh mì
- Thịt luộc
Ngoài đồ ăn thì nên bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh như sữa chua. Bởi men vi sinh hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu trong đường ruột.
Nên uống gì khi bị tiêu chảy?
Tiêu chảy là khi cơ thể bị mất nước nên bạn cần bổ sung chất lỏng để tránh mất nước. Nên uống nước nhiều lần trong ngày và thêm một cốc nước sau khi đi tiêu phân lỏng.
Tuy nhiên nên nhớ rằng, ngoài mất nước cơ thể cũng bị mất chất khoáng và chất điện giải do tiêu chảy. Vì thế tốt nhất cần bổ sung nước có chứa khoáng chất và chất điện giải để cân bằng lại. Một số nguồn bổ sung chất điện giải và khoáng chất gồm:
- Súp
- Nước dừa
- Nước điện giải
- Đồ uống thể thao
>> Xem thêm Tiêu chảy uống gì để nhanh hồi phục?
Tiêu chảy cần tránh ăn đồ gì?
Nhiều loại thực phẩm có thể khiến cho hệ tiêu hóa thêm nặng nề và khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn. Vì thế bạn nên tránh ăn đồ ăn sau:
- Thức ăn cay: Gia vị cay có thể gây kích thích hệ tiêu hóa. Đây là lý do vì sao người bị tiêu chảy nên ăn thức ăn nhạt vì chúng ít có nguy cơ kích thích hệ tiêu hóa hơn.
- Đồ chiên rán: Không nên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ khi đang bị tiêu chảy. Nên chọn rau luộc và thịt luộc sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa của bạn.
- Thực phẩm có đường và chất tạo ngọt nhân tạo: Đường đi vào ruột có thể làm ảnh hưởng tới các vi khuẩn nhạy cảm ở đây khiến triệu chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
- Một số loại đồ ăn khác có thể gây kích ứng ruột khi bị tiêu chảy như hành, tỏi, rau sống, trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa…
Hãy thực hiện tốt chế độ ăn uống lành mạnh để nhanh chóng có thể điều trị tiêu chảy dứt điểm và có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Đào Tâm