Thói quen sống, chế độ ăn uống có ảnh hưởng quyết định đến tuổi thọ của con người. Khoa học đã chứng minh một số thói quen ăn uống giảm tuổi thọ, bạn nên biết để tránh.
1. Ăn quá nhiều chất đạm (protein)
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cell Metabolism cho thấy ăn nhiều chất đạm cũng có hại tương tự như hút thuốc lá.
Chế độ ăn giàu protein (khoảng 20% lượng calo hàng ngày là từ thực phẩm chứa protein) làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư và tiểu đường.
Nguy cơ tử vong vì ung thư và các bệnh lý khác cao hơn nếu chất đạm từ chế độ ăn có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là thịt đỏ.
2. Uống nhiều nước ngọt
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Quốc tế JAMA cho thấy uống nước ngọt (cả loại bình thường và loại dành cho người ăn kiêng) đều có thể làm giảm tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 451.000 người trưởng thành ở châu Âu trong khoảng thời gian 16 năm và kết luận rằng uống trên 2 ly nước ngọt mỗi ngày làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tuần hoàn và bệnh đường tiêu hóa.
3. Cắt giảm carbohydrate (carb)
Nhiều người theo chế độ ăn cắt giảm carb để giảm cân và nhận thấy chế độ ăn này có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Lancet Public Health lại cho thấy ăn quá ít carb có thể làm suy giảm tuổi thọ.
Nghiên cứu đã phân tích lượng carb của hơn 15.400 người trưởng thành ở độ tuổi trung niên trong suốt 25 năm.
Nhóm 1: 50-55% lượng calo trong ngày là từ thực phẩm chứa carb
Nhóm 2: ăn cực kỳ ít carb, dưới 30% lượng calo trong ngày
Nhóm 3: ăn ít carb, khoảng 30-40% lượng calo trong ngày
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm 1 thường có tuổi thọ cao hơn 4 năm so với nhóm 2 và nhiều hơn 2 năm so với nhóm 3.
4. Tránh chất béo hoàn toàn
Chất béo không hoàn toàn xấu như nhiều người vẫn nghĩ. Tạp chí JAMA Internal Medicine công bố một báo cáo được đúc rút từ một cuộc khảo sát suốt 15 năm về chế độ ăn uống của hơn 37.000 người trưởng thành ở Mỹ.
Báo cáo cho thấy chế độ ăn thiếu chất béo có thể làm cơ thể mất đi một số chất dinh dưỡng do những dưỡng chất này tan trong chất béo, ví dụ như vitamin A, D, E và K. Do đó, cắt giảm hoàn toàn chất béo trong chế độ ăn có thể làm tăng nguy cơ thiếu nhiều dưỡng chất cần thiết, dẫn đến bệnh tật.
5. Ăn quá nhiều
Một nghiên cứu kéo dài gần 4 năm rưỡi được công bố trên Tạp chí Circulation cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể giúp một số đối tượng sống khỏe mạnh hơn.
Nghiên cứu đánh giá 2.000 người đã phẫu thuật tim, gần 400 người trong số này đã nhịn ăn một ngày mỗi tháng (nhịn ăn gián đoạn) trong ít nhất 5 năm. Nhóm người này có tỷ lệ tử vong thấp hơn 45% so với những người khác trong nghiên cứu. Tất nhiên, những người nhịn ăn gián đoạn trong nghiên cứu này đã được sự cho phép của bác sĩ và thường xuyên được đánh giá nguy cơ với sức khỏe.
6. Ăn nhiều trứng
Một nghiên cứu từ Đại học Northwestern với gần 30.000 người trưởng thành tham gia cho thấy tiêu thụ quá nhiều cholesterol (300 mg cholesterol mỗi ngày) sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tử vong. Trong khi đó, trứng là thực phẩm chứa nhiều cholesterol (một quả trứng trung bình chứa 184 mg cholesterol). Ăn trên 2 quả trứng mỗi ngày và ăn liên tục trong thời gian dài có thể không tốt cho sức khỏe.
Một nghiên cứu kéo dài 32 năm được công bố trên BMJ phân tích dữ liệu từ 263.700 người cho thấy ăn 1 quả trứng mỗi ngày không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Do vậy, nếu bạn thích ăn trứng, thì có thể ăn tối đa 1 quả mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều.
7. Ăn nhiều đường
Ăn quá nhiều đường (bao gồm việc cho thêm đường vào đồ ăn thức uống và ăn các thực phẩm có chứa nhiều đường) là một trong những thói quen ăn uống làm giảm tuổi thọ mà nhiều người đã biết.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Quốc tế JAMA cho thấy ăn nhiều đường làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Đường cũng góp phần tạo ra lượng calo không cần thiết, có liên quan đến bệnh tiểu đường và béo phì.
8. Dùng nhiều chất làm ngọt nhân tạo
Chất làm ngọt nhân tạo cũng có hại cho sức khỏe không kém gì đường. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo có thể thay đổi các quá trình trao đổi chất tại ruột. Chẳng hạn, saccharin được phát hiện làm thay đổi loại và chức năng của hệ lợi khuẩn trong ruột, aspartame làm giảm hoạt động của enzyme đường ruột.
9. Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Ăn quá nhiều thịt chế biến sẵn (thịt xông khói, giăm bông, xúc xích…) cũng như các bữa ăn làm sẵn, món tráng miệng đóng gói làm tăng khả năng viêm trong cơ thể, do đó làm giảm tuổi thọ.
10. Uống quá nhiều rượu
Uống nhiều rượu sẽ gây rối loạn vi khuẩn đường ruột, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cancer còn cho thấy uống nhiều rượu có liên quan đến bệnh ung thư ở đường tiêu hóa, tuyến tiền liệt và vú.
11. Ăn ít rau củ quả
Các loại rau củ quả có chứa chất chống oxy hóa, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim và một số bệnh ung thư. Ngược lại, ăn ít rau củ quả, ăn quá nhiều thịt và tinh bột sẽ làm tăng nguy cơ gây viêm và các vấn đề sức khỏe khác.
12. Ăn mặn
Ăn mặn cũng là thói quen ăn uống làm giảm tuổi thọ, do làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và bệnh tim. Một nghiên cứu kéo dài gần 30 năm được công bố trên Tạp chí The Lancet, so sánh sức khỏe và thói quen ăn uống của người dân tại 195 quốc gia, kết luận rằng ăn mặn là một trong ba yếu tố nguy cơ tử vong hàng đầu trong chế độ ăn uống.
13. Ăn nhiều thực phẩm tạo axit
Một bài báo được xuất bản trên ScienceDirect đã xem xét mối liên quan giữa sức khỏe và lượng axit có trong các thực phẩm.
Ăn nhiều thực phẩm tạo axit như thịt, pho mát, thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến các vấn đề chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh thận mãn tính.
Từ những thói quen ăn uống làm giảm tuổi thọ đã được nghiên cứu chứng minh như vừa kể trên, bạn có thể lên kế hoạch ăn uống lành mạnh cho mình và gia đình, để góp phần làm tăng tuổi thọ.
Vân Anh