Ngạc nhiên với trăm ngàn lợi ích của ngâm chân

Ngâm chân không chỉ giúp thư giãn, ngủ ngon mà còn có vô vàn lợi ích sức khỏe với cả người già và trẻ nhỏ. Khám phá xem lợi ích của ngâm chân gồm những gì?

lợi ích của ngâm chân
Rất nhiều lợi ích của ngâm chân bằng nước ấm nóng

Những lợi ích của ngâm chân

Giảm căng cơ chân

Sau một ngày phải đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài, có thể các cơ ở bàn chân mệt mỏi quá mức, dẫn đến căng cơ và chuột rút.

Ngâm chân bằng nước nóng có thể cải thiện lưu thông máu và thư giãn các cơ, dây chằng và gân ở bàn chân.

Làm dịu tâm trí và cải thiện chất lượng giấc ngủ

Bàn chân là trái tim thứ hai của chúng ta”. Ngâm chân có thể cải thiện chức năng tim và thư giãn tâm trí. Đầu óc thoải mái có thể giúp chúng ta dễ dàng chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Hạ huyết áp

Trong vòng 15 phút sau khi ngâm chân, các mạch máu ngoại vi giãn nở giúp giảm huyết áp.

Tăng tuần hoàn

Ngâm và làm sạch chân bằng nước ấm nóng giúp kích thích tuần hoàn, đưa máu bị tắc nghẽn đến các mạch giãn ở bàn chân và cẳng chân.

Giảm trầm cảm và lo âu

Ngâm chân được cho là có thể giúp giảm trầm cảm vì chúng làm giảm và loại bỏ hoàn toàn căng thẳng, tức giận và lo lắng.

Để tăng hiệu quả này, có thể cho thêm tinh dầu thơm vào nước ngâm chân. Đây cũng là một cách thư giãn, tận hưởng những phút giây yên tĩnh sau một ngày căng thẳng.

lợi ích của ngâm chân
Có thể cho thêm tinh dầu, cánh hoa vào nước ngâm chân để thư giãn

Làm ấm cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật

Ngâm chân nước ấm nóng làm tăng nhiệt độ của cơ thể, giảm bớt căng thẳng và tăng hoạt động của tế bào bạch cầu. Tất cả những điều này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật và tăng sức khỏe tổng thể.

Tốt cho người bệnh xương khớp

Ngâm chân nước ấm có thể cải thiện lưu thông máu, do đó, sẽ đưa nhiều chất dinh dưỡng đến chân. Cơ và xương ở bàn chân có thể được nuôi dưỡng nhiều hơn và trở nên chắc khỏe hơn.

Giảm sổ mũi, giảm ho

Ngâm chân với nước gừng ấm sẽ giúp làm ấm cơ thể, giải cảm, do đó sẽ giúp giảm hắt hơi, sổ mũi và ho. Để tăng cường hiệu quả, trong khi ngâm chân có thể mát xa nhẹ nhàng lòng bàn chân để kích thích lưu thông máu tốt hơn.

Hỗ trợ điều trị tình trạng chân luôn lạnh

Vấn đề này thường liên quan đến viêm tắc nghẽn mạch huyết khối, tắc nghẽn động mạch xơ cứng, co thắt và viêm đa động mạch. Việc ngâm chân có tác dụng đáng kể đối với tình trạng chân luôn lạnh.

Cải thiện tình trạng da và sắc đẹp

Xoa bóp bàn chân khi ngâm chân có thể kích thích tiết hormone, cải thiện làn da. Ngoài ra, ngâm chân nước nóng có thể làm ra mồ hôi nhẹ. Kim loại nặng và chất thải độc hại trong da có thể được đào thải ra ngoài theo đường mồ hôi.

Muốn ngâm chân cần những nguyên liệu gì?

Sau khi biết được những lợi ích sức khỏe của việc ngâm chân, hẳn không ít người sẽ thắc mắc vậy muốn ngâm chân có cần chuẩn bị nguyên liệu gì đặc biệt hay không?

Nguyên liệu không thể thiếu khi muốn ngâm chân chính là nước ấm nóng khoảng 104.0°F hoặc 40°C. Nhiệt độ của nước có thể dao động từ 30-50°C đều được, không nên ngâm chân bằng nước quá lạnh hoặc quá nóng.

Nước ấm nóng là nguyên liệu cần thiết duy nhất, còn những nguyên liệu khác có thể thay đổi tùy theo nhu cầu sức khỏe và sở thích của mỗi người.

Một số nguyên liệu thường được mọi người thêm vào nước để ngâm chân như:

Gừng

Ngâm chân bằng gừng là một phương thuốc dân gian giúp giải cảm, hỗ trợ giấc ngủ và giúp làm dịu thần kinh. Ngoài ra, gừng giúp làm ấm nên đặc biệt hữu ích khi thời tiết lạnh.

Có thể sử dụng bột gừng hòa vào nước hoặc đập dập củ gừng đun cùng nước đến khi sôi thì để nguội bớt rồi ngâm chân.

Muối Epsom

lợi ích của ngâm chân
Ngâm chân bằng muối Epsom có nhiều lợi ích sức khỏe

Muối Epsom không giống như muối ăn. Muối Epsom là một hỗn hợp tự nhiên của magiê và sunfat. Hòa tan nửa cốc muối Epsom vào bồn hoặc chậu nước ấm. Ngâm chân từ 10-20 phút mỗi tuần một lần.

Muối Epsom có những lợi ích sau:

  • Giảm căng thẳng và giúp thư thái hơn
  • Giảm đau và chuột rút cơ
  • Tăng cường chức năng thần kinh và cơ
  • Giúp ngăn ngừa cục máu đông
  • Giảm và ngăn ngừa nấm da chân
  • Làm mềm da để loại bỏ tế bào da chết ở chân
  • Điều trị nấm móng chân
  • Làm dịu cơn đau do bong gân và bầm tím
  • Giảm đau và khó chịu do bệnh gút

Giấm

Giấm chứa nhiều axit axetic, nhiều vitamin B và polyphenol, còn được gọi là chất chống oxy hóa. Giấm còn có tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trên da, chống lại mùi hôi chân.

Pha hai phần nước ấm hoặc nóng với một phần giấm trong bồn hoặc chậu. Ngâm chân từ 15-20 phút mỗi tuần một lần.

Tinh dầu

Có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu vào nước ngâm chân, vừa để ngửi mùi hương thơm bốc lên vừa hưởng nhiều lợi ích mà tinh dầu mang lại. Dưới đây là một số loại dầu bạn có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau:

  • Tinh dầu gỗ tuyết tùng có tác dụng khử trùng và chống nấm
  • Tinh dầu cây bách có tác dụng khử trùng và khử mùi tự nhiên
  • Tinh dầu quả bách xù giảm đau nhức cơ
  • Tinh dầu hoa oải hương giúp thư giãn và giảm đau
  • Tinh dầu hương thảo giúp làm dịu cơ bắp mệt mỏi
  • Tinh dầu tràm hoặc khuynh diệp giúp diệt virus
  • Tinh dầu gừng giúp làm ấm cơ thể, hỗ trợ điều trị cảm

Một số loại thảo dược

lợi ích của ngâm chân
Có thể trộn một số thảo dược khô với muối để ngâm chân

Một số loại cây dân dã thường được sử dụng khi ngâm chân như lá lốt, kinh giới, hương nhu, ngải cứu, long não, đại bi, lá vằn, cây bùm sụm, thiên niên kiện, hồng hoa… Những thảo dược này có thể dùng tươi hoặc phơi khô, có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp nhiều loại với nhau.

Những lưu ý khi ngâm chân

Thời gian ngâm chân tối đa là 30 phút. Riêng trẻ nhỏ, người có thể trạng yếu thì nên giới hạn khoảng 15-20 phút.
Người bị tăng huyết áp, người bị giãn tĩnh mạch chân chỉ nên ngâm nước ấm không quá 39 độ C, không cho gừng và muối.

Sau khi ăn no, không nên ngâm chân vì lúc này máu dồn nhiều về dạ dày và ruột non để tiêu hóa và vận chuyển chất dinh dưỡng. Nếu ngâm chân ngay sau khi ăn, máu xuống chân nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Khi ngâm chân, cần lắng nghe và theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu thấy triệu chứng bất thường như tức ngực, khó thở, chóng mặt, nên dừng ngay.

Sau khi ngâm chân xong, nên kiểm tra bàn chân trong khi lau khô xem có bất thường hoặc chấn thương nào không – đặc biệt là lòng bàn chân, móng chân và các kẽ ngón chân.

Vân Anh