Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 56,9 triệu ca tử vong năm 2016 hơn một nửa (54%) là do 10 nguyên nhân sau. Những căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu trong 15 năm qua.
Trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thì bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ là 2 kẻ giết người nguy hiểm nhất, gây ra 15,2 triệu ca tử vong trong năm 2016. Hơn nữa, hai bệnh này liên tục giữ vị trí dẫn đầu trong số những nguyên nhân tử vong trong suốt 15 năm qua.
1. Bệnh tim thiếu máu cục bộ
Bệnh tim thiếu máu cục bộ (hay còn gọi là thiếu máu cơ tim) là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến nuôi tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp. Tình trạng này là hậu quả của sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch tim (động mạch vành).
2. Đột quỵ
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi mạch máu cung cấp oxy và dinh dưỡng cho não bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn có thể bị gây ra do cục máu đông trong lòng mạch hoặc sự nứt vỡ của thành mạch máu. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy, thậm chí gây tử vong.
3. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Đây là bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra, sự cản trở không khí này thường diễn biến từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử nhỏ hoặc khí độc hại mà trong đó, khói thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân hàng đầu. Bệnh cướp đi khoảng 3 triệu sinh mạng năm 2016, đứng thứ 3 trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu.
4. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là hội chứng bao gồm tất cả các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi).
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới khá phổ biến, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
5. Bệnh Alzheimer và các bệnh suy giảm trí nhớ khác
Bệnh Alzheimer và các bệnh suy giảm trí nhớ khác khiến người bệnh bị mất trí nhớ, khó khăn trong suy nghĩ, giải quyết vấn đề và sử dụng ngôn ngữ.
6. Ung thư khí quản, phế quản, phổi
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất và có tỉ lệ tử vong cao nhất. Bệnh có khả năng di căn rất mạnh. Tế bào ung thư phổi có thể di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể, thậm chí trước khi bác sĩ phát hiện sự có mặt của chúng tại phổi. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh có ý nghĩa rất lớn trong điều trị.
>> Xem thêm 9 Dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi cần đi khám gấp!
7. Đái tháo đường
Trong nhóm bệnh nội tiết – chuyển hóa, đái tháo đường được xem là bệnh lý mạn tính phổ biến nhất với số người mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt ở những quốc gia có mức thu nhập thấp – trung bình. Hơn nữa, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Điều trị đái tháo đường không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát đường huyết mà còn bao gồm việc kiểm soát các biến chứng của bệnh như: biến chứng võng mạc, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, loét chi dưới,…
8. Tai nạn giao thông đường bộ
Chấn thương đã cướp đi 4,9 triệu sinh mạng trong năm 2016. Hơn một phần tư (29%) số ca tử vong này là do chấn thương giao thông đường bộ. Các quốc gia thu nhập thấp có tỷ lệ tử vong cao nhất do chấn thương giao thông đường bộ với 29,4 người chết trên 100.000 dân – tỷ lệ toàn cầu là 18,8. Chấn thương giao thông đường bộ cũng nằm trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước thu nhập thấp, trung bình.
9. Tiêu chảy
Mặc dù số ca tử vong do tiêu chảy đã giảm 1 triệu ca sau 16 năm từ 2000 đến 2016, nhưng vẫn còn giữ con số rất cao, 1,4 triệu ca trong năm 2016.
10. Lao
Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, trước khi kháng sinh ra đời, bệnh lao được coi là căn bệnh chết chóc với tỉ lệ người mắc bệnh rất cao. Cứ 7 người sống tại Mỹ và Châu Âu thì có 1 người chết do bệnh lao. Sự ra đời của kháng sinh Streptomycin năm 1943 là bước ngoặt vĩ đại trong điều trị căn bệnh truyền nhiễm này. Từ đó, số ca tử vong do lao giảm dần theo thời gian, tuy nhiên, vẫn còn giữ ở mức cao với khoảng 1,3 triệu người chết năm 2016.
Tìm ra nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là điều quan trọng giúp đánh giá hiệu quả của hệ thống y tế quốc gia. Thống kê nguyên nhân tử vong cũng giúp cơ quan y tế xác định trọng tâm của các hành động y tế công cộng, như các biện pháp để khuyến khích thay đổi lối sống phòng ngừa bệnh tim mạch, đái tháo đường, hay việc tăng ngân sách cho y tế dự phòng để phòng ngừa viêm phổi…
Tài liệu tham khảo:
1. “The top 10 causes of death” World Health Organization, May 2018
2. “Silent Ischemia and Ischemic Heart Disease” American Heart Association, Last Reviewed: Jul 31, 2015
3. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp” Bộ Y tế, 2015
4. Rachel Nall (2018) “What to know about lung cancer”, Medical News Today journal
5. “History of World Tuberculosis Day” Centers of Disease Control and Prevention (CDC), Last reviewed: December 12, 2016