Khi bị cảm lạnh, có thể bạn sẽ rất khó duy trì được giấc ngủ như bình thường do bị nghẹt mũi, ho và đau nhức cơ thể. Hãy áp dụng ngay 10 cách dưới đây để có được giấc ngủ ngon để đánh bay cảm lạnh.
1. Uống đồ uống ấm
Uống một cốc nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp làm dịu cơn đau họng. Hơi nước ấm cũng có thể làm giảm nghẹt mũi.
Có thể chọn trà đã khử caffein hoặc các loại trà hoa cúc, trà bạc hà và trà gừng giúp thư giãn, dễ thở hoặc chống lại nhiễm trùng.
Nếu như uống trà khiến bạn khó ngủ thì bạn có thể lựa chọn các loại thức uống sau:
- Nước ấm pha với chanh và mật ong
- Súp nóng
- Nước ấm pha muối
Nên uống đồ uống ấm trong khoảng 60 – 90 phút trước khi đi ngủ. Bởi uống nhiều chất lỏng sát giờ đi ngủ có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ khi bạn phải thức dậy nhiều lần để đi vệ sinh trong đêm.
2. Sử dụng thuốc chống viêm
Nếu bạn thấy đau nhức có thể sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn. Các loại thuốc này có thể làm giảm một số triệu chứng cảm lạnh như nhức đầu, đau cơ, đau tai và sốt.
Một số loại thuốc chống viêm có thể sử dụng mà không cần kê toa:
- Aspirin
- Ibuprofen
- Naproxen
Cũng tương tự như bất kỳ loại thuốc nào thì trước khi dùng thuốc chống viêm bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Nếu bạn bị sốt, hãy tránh dùng thuốc chống viêm trong 3 ngày liên tiếp. Nếu bạn bị đau thì tránh dùng trong hơn 10 ngày. Hãy đi khám bác sĩ nếu những triệu chứng cảm lạnh của bạn vẫn còn sau hơn 10 ngày.
3. Sử dụng thuốc thông mũi
Dùng thuốc thông mũi giúp làm giảm các mô bị sưng trong mũi để giảm sản xuất chất nhầy. Khi đó, bạn sẽ dễ thở hơn trong khi ngủ.
Thuốc thông mũi có bán tại các quầy thuốc. Có thể tìm thấy ở các dạng:
- Thuốc uống
- Chai xịt mũi
- Nhỏ mũi
Thuốc thông mũi không nên dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.
4. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ có thể giúp làm dịu cơn đau họng và ngăn nhiễm trùng trở nên trầm trọng. Đây là cách tự nhiên với chi phí thấp giảm khó chịu khi bị cảm lạnh.
Bạn có thể súc miệng nước muối tự pha bằng cách:
- Trộn ¼ – ½ thìa cà phê muối với 240ml nước ấm
- Khi muối tan hết hãy súc miệng với hỗn hợp nước muối ở phía dưới cổ họng của bạn cho tới chừng nào bạn chịu được.
- Sau đó súc nước muối lại quanh miệng trước khi nhổ ra ngoài.
5. Dùng nước muối rửa mũi
Theo một nghiên cứu năm 2015 thì rửa mũi xoang bằng nước muối ấm có thể giúp giảm nghẹt mũi, làm sạch chất nhầy và vi trùng, đồng thời giúp thở dễ dàng hơn.
Quan trọng là chỉ sử dụng nước vô trùng, nước lọc hoặc nước đã đun sôi trước đó. Vì dùng nước máy có thể chứa các sinh vật gây nhiễm trùng có hại.
Để rửa mũi bạn nên thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Cúi đầu xuống dưới bồn rửa mặt. Nghiêng đầu sang một bên và cố giữ cằm và trán ngang nhau để dung dịch không chảy vào miệng.
- Bước 2: Đưa vòi của chai bóp chứa đầy nước muối vào lỗ mũi và bóp. Đây là cách giúp dung dịch thoát ra khỏi lỗ mũi bên dưới của bạn.
- Bước 3: Lặp lại quy trình với bên mũi còn lại.
>> Xem thêm Xịt mũi, rửa mũi đúng cách với dung dịch vệ sinh mũi
6. Ngủ gối cao đầu
Nằm gối thấp có thể khiến chất nhầy tích tụ trong cổ họng dẫn tới ho và khó ngủ về đêm.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa bạn cần ngồi dậy khi ngủ. Đơn giản là chỉ cần ngủ gối cao lên một chút. Đây là cách giảm tích tụ chất nhầy trong cổ họng của bạn.
Tránh dùng quá nhiều gối có thể dẫn đến đau cổ và khó chịu. Chỉ cần xếp hai chiếc gối nằm là có thể đảm bảo ngủ ngon giấc khi đang bị cảm lạnh.
7. Bôi tinh dầu khi ngủ
Bôi tinh dầu tại cổ và ngực trước khi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon khi bị cảm lạnh. Một số loại tinh dầu như:
- Tinh dầu khuynh diệp
- Tinh dầu bạc hà
- Dầu tràm
Tuy các loại tinh dầu này không điều trị cảm lạnh nhưng lại giúp cho bạn dễ thở hơn và ngủ thoải mái hơn.
Chỉ nên thoa tinh dầu nên vùng ngực và cổ họng. Không nên bôi trước mũi vì có thể bị hấp thụ vào cơ thể qua các màng bên trong đường hô hấp.’
8. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng
Không khí khô có thể gây kích ứng xoang mũi và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn. Dùng máy tạo độ ẩm có thể giúp bổ sung độ ẩm cho không khí.
Theo nghiên cứu, máy tạo độ ẩm không cho thấy lợi ích chắc chắn trong việc trị cảm lạnh. Tuy nhiên sử dụng máy tạo độ ẩm giúp bạn thở dễ hơn.
Tuy nhiên cần lưu ý nên dùng nước cất hoặc nước tinh khiết trong máy tạo độ ẩm. Nên thay nước hàng ngày và vệ sinh thường xuyên để ngừa vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
9. Tắm nước ấm
Hơi nước nóng khi tắm vòi hoa sen có thể giúp làm loãng và thoát chất nhầy trong xoang mũi giúp bạn dễ thở hơn. Tắm nước ấm cũng là một cách tuyệt vời giúp thư giãn trước khi ngủ.
Bạn nên lưu ý nhiệt độ nước tắm đủ ấm, không quá nóng và nên đóng cửa phòng tắm để hơi nước tích tụ.
>> Xem thêm 7 Loại thực phẩm không nên ăn vào buổi tối để có giấc ngủ ngon
10. Tránh uống rượu
Mặc dù rượu có thể khiến cho bạn buồn ngủ nhưng tốt nhất bạn nên tránh uống rượu trước khi đi ngủ. Uống rượu có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
Bên cạnh đó, rượu là chất lợi tiểu. Uống rượu có thể kích thích đi tiểu thường xuyên hơn gây mất ngủ.
Hầu hết các triệu chứng cảm lạnh kéo dài từ khoảng 7 – 10 ngày. Trong một số trường hợp, bạn khó có thể ngủ ngon do nghẹt mũi, ho hoặc sổ mũi. Hãy áp dụng các mẹo trên để có được giấc ngủ ngon để nhanh hồi phục khi bị cảm lạnh.
Đào Tâm