Bạn luôn thấy mệt mỏi, ủ rũ dù đã ngủ và nghỉ ngơi đầy đu? Rất có thể nguyên nhân là do một số loại thuốc mà bạn đang dùng hàng ngày.
Tìm hiểu nguyên nhân gây mệt mỏi và buồn ngủ
Tại sao thuốc gây mệt mỏi ?
Khi dùng thuốc để điều trị bệnh lý nào đó, có thể bạn thấy mệt mỏi, uể oải. Nguyên nhân là do chúng ảnh hưởng đến các chất hóa học trong não gọi là chất dẫn truyền thần kinh.
Dây thần kinh sử dụng chất dẫn truyền thần kinh để truyền thông điệp cho nhau. Một số kiểm soát việc chúng ta cảm thấy tỉnh táo hay buồn ngủ, mệt mỏi.
Thuốc tác động đến chất dẫn truyền thần kinh trong não
Những loại thuốc nào gây mệt mỏi, buồn ngủ?
Có rất nhiều loại thuốc gây mệt mỏi, buồn ngủ, điển hình nhất là:
Thuốc dị ứng (thuốc kháng histamine)
Chẳng hạn như brompheniramine (Bromfed, Dimetapp), diphenhydramine, hydroxyzine (Vistaril, Atarax) và meclizine (Antivert). Một số loại thuốc kháng histamine này cũng có trong thuốc ngủ.
Thuốc chống trầm cảm
Một loại thuốc chống trầm cảm được gọi là thuốc ba vòng có thể gây mệt mỏi và buồn ngủ. Điển hình là (Elavil, Vanatrip), doxepin (Silenor, Sinequan), imipramine (Tofranil, Tofranil PM) và tripipramine (Surmontil).
Thuốc lo âu
Các thuốc benzodiazepin như alprazolam (Xanax), clonazepam (Klonopin), diazepam (Valium) và lorazepam (Ativan) có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi trong vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc vào loại bạn sử dụng.
Thuốc huyết áp
Thuốc chẹn beta, như atenolol (Tenormin), metoprolol tartrate (Lopressor), metoprolol succinate (Toprol XL), và propranolol hydrochloride (Inderal)… Tác động của các loại thuốc này làm tim đập chậm lại, điều này có thể dẫn đến mệt mỏi.
Thuốc điều trị ung thư
Các phương pháp điều trị ung thư khác nhau có thể khiến bệnh nhân rất mệt mỏi do thay đổi lượng protein và hormone trong cơ thể. Khi tiêu diệt tế bào ung thư, chúng cũng làm tổn thương hoặc tiêu diệt một số tế bào bình thường. Khi đó cơ thể người bệnh phải tiêu tốn thêm năng lượng để sửa chữa hoặc làm sạch tế bào.
Thuốc trị bệnh đường tiêu hóa
Thuốc kiểm soát cơn buồn nôn, giúp người bệnh không nôn mửa hoặc điều trị tiêu chảy đều gây mệt mỏi, buồn ngủ.
Thuốc giãn cơ
Hầu hết các thuốc giãn cơ không tác động trực tiếp lên cơ. Thay vào đó, chúng tác động lên các dây thần kinh trong não và cột sống để làm cho cơ bắp thư giãn. Tác động của chúng lên hệ thần kinh có thể gây mệt mỏi. Một số thuốc giãn cơ phổ biến là carisoprodol (Soma) và cyclobenzaprine (Flexeril).
Thuốc giãn cơ tác động lên các dây thần kinh trong não
Thuốc giảm đau opioid
Opioid tác động giống như chất hóa học mà cơ thể tạo ra để kiểm soát cơn đau, được gọi là endorphin. Những loại phổ biến là fentanyl (Actiq, Duragesic, Fentora), oxycodone và aspirin (Percodan), oxycodone và acetaminophen (Percocet, Roxicet), morphine, oxymorphone (Opana, Opana ER), oxycodone (OxyContin, OxyIR), hydrocodone và acetaminophen ( Lorcet, Lortab, Vicodin).
Thuốc điều trị động kinh
Còn được gọi là thuốc chống co giật, những loại thuốc này có thể tác động trên các tế bào não hoặc các hóa chất mà chúng sử dụng để gửi tín hiệu.
Một số loại thuốc này cũng giống như thuốc điều trị chứng lo âu, như thuốc benzodiazepin. Các loại thuốc điều trị động kinh phổ biến khác là carbamazepine (Tegretol/Tegretol XR/Carbatrol), phenobarbital, phenytoin (Dilantin, Phenytek), topiramate (Topamax) và axit valproic (Depakene, Depakote).
Nếu loại thuốc bạn dùng không được liệt kê ở đây, nhưng bạn vẫn thấy mệt mỏi và buồn ngủ, thì hãy kiểm tra trên nhãn hộp thuốc hoặc tờ thông tin thuốc xem có dòng chữ “có thể gây buồn ngủ” hay không.
Nên làm gì để giảm mệt mỏi và buồn ngủ do dùng thuốc?
Nếu thuốc làm bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, đừng ngừng dùng thuốc. Bạn có thể thử một số cách để chống lại tác dụng phụ và tăng cường năng lượng.
Tập thể dục, hít thở sâu giúp giảm mệt mỏi, buồn ngủ
Một số cách nên thực hiện là:
- Tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc vài động tác giãn cơ
- Hít thở sâu
- Uống một chút caffeine, như cà phê hoặc trà
- Nếu bạn đang dùng thuốc không kê đơn, hãy hỏi dược sĩ về việc đổi loại thuốc khác không gây buồn ngủ
- Nếu dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc đổi loại thuốc hoặc thay đổi liều thuốc. Bác sĩ cũng có thể hướng dẫn uống vào một thời điểm khác, như vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ.
- Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giúp người bệnh cảm thấy tỉnh táo. Tuy nhiên, nên lưu ý, đừng dùng bất kỳ loại thuốc nào để tỉnh táo, trừ khi bác sĩ chỉ định.
Anh Nguyễn