Cho đến nay, sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Ở Việt Nam, bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát dịch vào các tháng 7, 8, 9, 10. Sốt xuất huyết không được kiểm soát kịp thời có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em.
Một người có thể bị sốt xuất huyết bao nhiêu lần?
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ, không tạo thành miễn dịch chéo vì vậy một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.
Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết như thế nào?
Thời kỳ ủ bệnh sốt xuất huyết kéo dài trung bình là 4-7 ngày, có thể kéo dài 14 ngày từ khi bị muỗi vằn đốt và truyền virus sốt xuất huyết vào cơ thể. Nếu bị lây sốt xuất huyết từ người thân xung quanh thì khi người lây bệnh khỏi hoặc gần khỏi thì người bị lây bắt đầu khởi phát triệu chứng. Tùy theo cơ địa, khả năng miễn dịch, tuổi tác… của mỗi người mà thời kỳ ủ bệnh ngắn hoặc kéo dài khác nhau. Virus Dengue nhân lên đến ngưỡng đủ lớn sẽ tạo ra các triệu chứng trên cơ thể.
Các giai đoạn tiến triển của sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Sau thời kỳ ủ bệnh, các triệu chứng khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh. Giai đoạn này xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu, giống các triệu chứng của cảm cúm, sốt virus thông thường nhưng đây chưa phải là giai đoạn nguy hiểm nhất.
Triệu chứng điển hình là sốt cao liên tục, khó hạ 39-40°C độ trong 2-7 ngày. Người bệnh lừ đừ, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau họng, buồn nôn, nôn, kèm viêm họng, viêm hô hấp trên, sổ mũi, tiêu chảy, phát ban, da xung huyết. Nếu có nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết, cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay. Nếu nhận kết quả dương tính thì chắc chắn người bệnh đã mắc sốt xuất huyết và cần nhanh chóng điều trị.
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3- 7 sau khi bắt đầu sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue.
Vào thời điểm này có thể người bệnh sẽ xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Những vết xuất huyết dưới da có thể là các đốm nhỏ hoặc mảng bầm tím thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi… Những biến chứng nặng hơn có thể gặp như chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao các dấu hiệu xuất huyết và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên.
Giai đoạn hồi phục
Khoảng 24 – 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48 – 72 giờ.
Bệnh nhân hết sốt, thể trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều. Số lượng tiểu cầu tăng dần và trở về trạng thái bình thường.