Bệnh dịch hạch: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh dịch hạch được biết đến là Cái chết đen trong thời trung cổ do gây ra cái chết cho hàng triệu người ở châu Âu. Tuy nhiên, với khoa học tiên tiến hiện nay thì chỉ có khoảng 1000 – 2000 người mắc dịch hạch mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu ở châu Phi.

bệnh dịch hạch
Chuột được coi là mầm mống lây lan dịch hạch trong cộng đồng

Bệnh dịch hạch là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis gây ra. Vi khuẩn dịch hạch lây từ các loại gặm nhấm (chuột,…) sang bọ chét rồi sang người.

Dịch hạch là một bệnh tiến triển nhanh có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh hãy tới ngay bệnh viện để được điều trị ngay lập tức.

Triệu chứng của bệnh dịch hạch

Dịch hạch có ba thể khác nhau với các triệu chứng bệnh riêng biệt. Cụ thể là:

1. Bệnh dịch hạch thể hạch

Dịch hạch thể hạch là bệnh phổ biến nhất, thường xuất hiện các hạch bạch huyết sưng xuất hiện trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh. Hạch thường có đặc điểm:

bệnh dịch hạch
Dấu hiệu dịch hạch thường xuất hiện hạch bạch huyết sưng to ở háng, nách hoặc cổ
  • Nằm ở nách, háng hoặc cổ
  • Có kích thước bằng quả trứng gà
  • Chạm vào thấy mềm và ấm

Triệu chứng khác của dịch hạch thể hạch là: Sốt và ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau nhức cơ.

2. Bệnh dịch hạch nhiễm trùng huyết

Dịch hạch nhiễm trùng huyết xảy ra khi khi vi khuẩn gây dịch hạch nhân lên trong máu. Dấu hiệu bệnh gồm có:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Sức khỏe suy yếu
  • Đau bụng, tiêu chảy và nôn.
  • Chảy máu từ miệng, mũi, trực tràng hoặc dưới da.
  • Shock
  • Hóa đen (hoại tử) ở tứ chi, thường ở ngón tay, ngón chân và mũi.
bệnh dịch hạch
Hóa đen (hoại tử) ở tứ chi là dấu hiệu bệnh dịch hạch nhiễm trùng huyết

3. Dịch hạch thể phổi

Dịch hạch thể phổi ảnh hưởng tới phổi, đây là thể bệnh nguy hiểm nhất vì có khả năng lây lan từ người sang người qua dịch ho. Dấu hiệu và triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi nhiễm bệnh, bao gồm:

  • Ho, chất nhầy có dính máu
  • Khó thở
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt cao
  • Đau đầu
  • Sức khỏe suy giảm
  • Đau ngực

Dịch hạch thể phổi tiến triển rất nhanh chóng và có thể gây suy hô hấp và shock chỉ trong hai ngày sau khi nhiễm vi khuẩn. Dịch hạch thể phổi cần được điều trị bằng kháng sinh trong một ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh vì khả năng tử vong cao.

Nguyên nhân gây dịch hạch

Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch – Yersinia pestis, được truyền qua người qua vết cắn của bọt chét đã sinh sống trên động vật nhiễm bệnh. Các loài động vật dễ lây truyền:

bệnh dịch hạch
Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch – Yersinia pestis, được truyền qua người qua vết cắn của bọt chét
  • Chuột
  • Sóc
  • Thỏ
  • Chuột lang

Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập cơ thể bạn nếu vết rách trên da tiếp xúc với máu của động vật nhiễm bệnh. Chó, mèo trong nhà cũng có thể nhiễm dịch hạch từ bọ chét hoặc do ăn chuột bị nhiễm bệnh.

Dịch hạch thể phổi lây lan nếu bạn hít phải giọt nước truyền nhiễm trong không khí từ người khác hoặc con vật nhiễm bệnh.

Dịch hạch có nguy hiểm không?

Bệnh dịch hạch không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đó là:

  • Tử vong: Hầu hết người được điều trị bằng kháng sinh kịp thời đều sống sót khi nhiễm dịch hạch. Người bệnh không được điều trị có nguy cơ tử vong cao.
  • Hoại tử dẫn đến cắt bỏ tứ chi: Do các cục máu đông ở trong các mạch máu nhỏ của ngón tay và ngón chân làm gián đoạn lưu lượng máu nuôi các chi khiến mô đó bị chết. Khi đó, các phần ngón tay và ngón chân bị hoại tử cần phải cắt bỏ.
  • Viêm màng não: Tuy ít gặp nhưng dịch hạch cũng có thể gây viêm màng não và tủy sống.

Chẩn đoán bệnh dịch hạch

Nếu nghi ngờ bạn mắc dịch hạch, bác sĩ sẽ kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn trong cơ thể bạn bằng cách:

bệnh dịch hạch
Xét nghiệm máu sẽ xác nhận được bạn có mắc dịch hạch không
  • Xét nghiệm máu sẽ xác nhận được bạn có mắc dịch hạch không
  • Lấy mẫu chất lỏng trong các hạch bạch huyết có thể xác định được bệnh dịch.
  • Để kiểm tra dịch hạch thể phổi, chất lỏng sẽ được lấy từ đường hô hấp bằng cách đưa ống nội soi đường phế quán.

Các mẫu xét nghiệm có thể có kết quả trong khoảng 2 giờ nhưng thử nghiệm xác nhận có thể kéo dài từ 24 – 48 giờ.

Tuy nhiên, nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc dịch hạch, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị bằng kháng sinh trước khi có kết quả chẩn đoán. Do dịch hạch là bệnh tiến triển nhanh chóng và càng điều trị sớm càng tạo sự khác biệt lớn trong sự phục hồi của người bệnh.

Giải pháp điều trị dịch hạch

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm có khả năng đe dọa tính mạng nên đòi hỏi được điều trị khẩn cấp. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì có thể điều trị bằng kháng sinh sẵn có.

Trong khi không được điều trị kịp thời, dịch hạch sẽ nhân lên trong máu (gây ra dịch hạch nhiễm trùng huyết) hoặc trong phổi (dịch hạch thể phổi). Khi đó bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau 24 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh đầu tiên.

Thông thường, dịch hạch được điều trị bằng cách sử dụng các loại kháng sinh mạnh và có hiệu quả tức thì như gentamicin hoặc ciprofloxacin, truyền dịch, oxy hoặc hỗ trợ đường thở.

Người mắc dịch hạch thể phổi cần được cách ly với những bệnh nhân khác. Đồng thời, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để tránh mắc bệnh hoặc lây lan ra cộng đồng.
Liệu trình điều trị kéo dài trong vài tuần sau khi hết sốt.

Bất kỳ ai từng tiếp xúc với người mắc dịch hạch thể phổi cũng cần được theo dõi và có thể cho dùng kháng sinh như một biện pháp phòng ngừa.

Biện pháp phòng tránh dịch hạch lây lan và phát triển

bệnh dịch hạch
Giữ cho nhà được gọn gàng và sạch sẽ, tránh để tồn tại những khu vực có thể trở thành ổ chuột
  • Cần kiểm soát chuột và các loại động vật gặm nhấm trong nhà, nơi làm việc để giảm tối đa nguy cơ nhiễm vi khuẩn dịch hạch. Nên giữ cho nhà được gọn gàng và sạch sẽ, tránh để tồn tại những khu vực có thể trở thành ổ chuột.
  • Bảo vệ thú nuôi của mình khỏi bọ chét bằng cách dùng các loại sản phẩm kiểm soát bọ chét. Hạn chế thú nuôi đi ra ngoài do dễ bị tiếp xúc với bọ chét hoặc các loại động vật nhiễm dịch hạch.
  • Đeo găng tay: Nếu phát hiện thú nuôi trong nhà nhiễm bệnh, hãy đeo găng tay khi tiếp xúc với con vật và đưa ngay chúng tới bác sĩ thú y để trị bệnh.
  • Dùng thuốc chống côn trùng: Giám sát chặt chẽ khi trẻ nhỏ hoặc vật nuôi ở ngoài và ở khu vực có nhiều chuột hoặc các loại gặm nhấm khác. Dùng thuốc chống công trùng trước khi ra ngoài.