Bệnh ghẻ là bệnh gì?
Bệnh ghẻ không phải là do nhiễm trùng mà là một sự phá hoại trên da do một loại ve ghẻ có tên Sarcoptes scabiei. Chúng sinh sản trên bề mặt da, đào hang đẻ trứng ở đó gây ra vết mẩn đỏ, ngứa trên da.
Có khoảng 130 triệu trường hợp mắc bệnh ghẻ trên thế giới. Đây là tình trạng bệnh da rất dễ lây khi tiếp xúc da chạm da với nhau. Ghẻ cũng dễ lây đối với những người dùng chung quần áo, khăn, nằm cùng giường.
Dù bệnh ghẻ gây ra sự khó chịu tuy nhiên hiện nay đã có phương pháp điều trị hiệu quả. Thông thường bác sĩ sẽ cho thuốc bôi giúp diệt ve ghẻ và trứng. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây lan nên khi điều trị phải điều trị cả người bị ghẻ và nhóm người thường tiếp xúc với người bệnh.
Triệu chứng của bệnh ghẻ
Đối với người nhiễm ghẻ lần đầu có thể từ 4 – 6 tuần mới xảy ra phản ứng trên da. Triệu chứng sẽ phát triển nhanh hơn ở những người đã bị ghẻ. Triệu chứng ghẻ phổ biến nhất là:
- Ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.
- Phát ban trên da các vết như mụn nước.
- Có vảy hoặc mụn nước
- Da bị loét do gãi
Ở giai đoạn đầu của bệnh, ghẻ thường bị nhầm với bệnh khác vì nhìn bề ngoài tương tự như bị mụn trứng cá, muỗi đốt. Tuy nhiên, điểm khác nhau là bệnh ghẻ sẽ gây ra ngứa ngáy khó chịu. Thường bệnh hay gặp ở trẻ em và người già.
Một dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ là sự xuất hiện các vệt ở dưới da có màu trắng xám hoặc màu da. Đó là do con ve cái chui dưới bề mặt da đào hang và đẻ 10 – 25 quả trứng trong mỗi cái hang đó.
Khó ai có thể nhìn thấy con ghẻ bằng mắt thường. Người bệnh ghẻ thường có 10 – 15 con ve ghẻ trên da, chúng dài chưa tới nửa milimet. Nhìn bằng mắt thường chúng chỉ như những chấm đen nhỏ trên da. Chỉ có nhìn trên kính hiển vi mới có thể xác định được ve ghẻ, trứng.
Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở vùng nào trên cơ thể?
Ve ghẻ có thể sống ở bất kỳ đâu trên cơ thể, tuy nhiên có một số vùng chúng ưa thích làm tổ và sinh sản:
- Giữa các ngón tay.
- Nếp gấp cổ tay, khuỷu tay hoặc đầu gối
- Quanh eo và rốn.
- Ngực hoặc bộ phận sinh dục
- Đầu, cổ, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân trẻ em.
Bệnh ghẻ lở (Ghẻ Na Uy)
Một số người phát triển trên da một dạng bênh ghẻ gọi là ghẻ lở (hoặc ghẻ Na Uy). Đây là một bệnh cực kỳ nghiêm trọng và rất dễ lây lan. Người bị ghẻ lở sẽ hình thành lớp da dày chứa hàng ngàn con ve ghẻ và trứng ve. Thường gặp nhất ở người có hệ miễn dịch yếu, người già và người khuyết tật. Người bệnh cần điều trị nhanh chóng để ngăn chặn lây lan và dịch bệnh bùng phát.
Bệnh ghẻ có lây không?
Ghẻ là bệnh truyền nhiễm, được lan truyền qua các đường:
- Tiếp xúc da kề da kéo dài như nắm tay.
- Tiếp xúc thân mật như quan hệ tình dục.
- Dùng chung quần áo, khăn trải giường, khăn tắm của người bị ghẻ.
Do ghẻ chủ yếu lây truyền qua việc tiếp xúc với da nên thường rất dễ bị lây cho người thân, bạn bè, người yêu. Hoặc dịch bệnh dễ bùng phát ở những nơi đông người tập trung như: trường học, viện dưỡng lão, phòng thay đồ, nhà tù,…
Một câu hỏi đặt ra là bạn có bị lây ghẻ từ chó mèo hay không? Tuy nhiên, ve ghẻ của chó và mèo không cùng một chủng với ve ghẻ trên da người. Khi bạn tắm rửa cho chó mèo có thể bị ve cho cắn nhưng chúng không thể sinh sản trên da người và gây bệnh ghẻ.
Giải pháp chẩn đoán và điều trị bệnh ghẻ
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh ghẻ bằng cách thực hiện các bài kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, bác sĩ xác nhận thông tin bằng cách lấy một con ve ghẻ ra khỏi da bằng kim. Nếu không lấy được ve ghẻ ghì bác sĩ sẽ lấy một phần mô da để xem trong kính hiển vi.
Điều trị bằng cách diệt ve ghẻ
Để điều trị bệnh ghẻ cần loại bỏ sự lây lan bằng thuốc mỡ, kem và thuốc bôi trực tiếp trên da. Do ghẻ không tự động biến mất nên cần có thuốc bôi để diệt ve ghẻ và trứng trên da.
Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn bạn bôi kem vào ban đêm khi ve ghẻ hoạt động mạnh nhất. Bôi ở trên toàn bộ vùng da trên cơ thể từ cổ trở xuống. Thuốc có thể được rửa sạch vào sáng hôm sau. Bôi liên tục trong 7 ngày.
Điều trị giảm ngứa trên da
Trong khi bôi thuốc diệt ve ghẻ và trứng thì da của bạn cũng sẽ không hết ngứa ngay lập tức. Để kiểm soát ngứa nhất là khi ngủ bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc bổ sung để giảm ngứa. Một số loại thường được kê là:
- Thuốc kháng histamine
- Thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi trùng phát triển khi bạn gãi trên da
- Kem chứa steroid để giảm sưng và ngứa
Trong tuần điều trị bệnh ghẻ đầu tiên các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, sau đó bạn sẽ bớt ngứa và được chữa lành hoàn toàn sau tuần thứ 4.
Giải pháp phòng ngừa bệnh ghẻ
Để ngăn ngừa bệnh ghẻ thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với người bị ghẻ. Không dùng chung quần áo, chăn, ga giường với người bị ghẻ.
Ve ghẻ có thể sống từ 48 – 72 giờ sau khi rời khỏi cơ thể nên bạn cần áp dụng một số giải pháp phòng ngừa tái phát bệnh. Phải giặt ở nhiệt độ 50°C trở lên đối với:
- Quần áo
- Chăn ga gối đệm
- Khăn tắm
- Gối
Các vật dụng này sau đó cần được sấy khô ở nhiệt độ cao từ 10 – 30 phút. Đối với các đồ dùng không giặt rửa được cần hút sạch bụi, dùng thuốc tẩy và nước nóng để làm sạch.