Tin từ BS Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng KHTH, người phát ngôn của BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, 21 giờ 15 phút ngày 6-8-2018, khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ P.T.N., 40 tuổi ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ trong tình trạng hôn mê, tăng huyết áp.
Sau khi khám và chụp CT Scan mạch máu não kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền. Thông qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch cho bệnh nhân do Ths.Bs. Hà Tấn Đức – Trưởng Phân khoa Can thiệp mạch não, BS.CKI. Trần Công Khánh phối hợp cùng với ê-kíp Can thiệp nội mạch thực hiện, sau gần 40 phút can thiệp thủ thuật, động mạch thân nền đã được tái thông hoàn toàn.
>> Xem thêm Cách phát hiện sớm đột quỵ
Do bệnh nhân P.T.N. được đưa đến bệnh viện kịp thời và ê-kíp thực hiện can thiệp khẩn cấp nên sau 6 giờ bệnh nhân tỉnh táo, hỏi trả lời đúng, phục hồi vận động tốt và đang được điều trị và theo dõi tại khoa Nội Thần kinh.
Hình ảnh mạch máu não trước khi can thiệp
Hình ảnh mạch máu não sau can thiệp được chụp trên máy DSA
Bs.CKII.Ông Văn Mỹ – Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Phó trưởng Phân khoa Can thiệp mạch não cho biết: bệnh nhân đột quỵ não do tắc động mạch thân nền, nếu không được điều trị kịp thời có tỉ lệ tử vong 75-80%, những trường hợp cứu sống có thể để lại di chứng liệt tứ chi hoặc đời sống thực vật.
>> Xem thêm Chế độ ăn uống tốt nhất cho người bệnh sau đột quỵ
Đây là một trong nhiều trường hợp thành công mà ê-kíp can thiệp nội mạch kết hợp thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ đã được BVĐK Trung ương Cần Thơ triển khai từ cuối năm 2016.
Khi nhận thấy bệnh nhân có một số triệu chứng như yếu liệt hoặc tê nửa người, nói khó, đau đầu, chóng mặt, nôn ói… cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện tuyến chuyên khoa để được cấp cứu kịp thời. Thành công trong điều trị, tỉ lệ thuận với thời gian bệnh nhân đến được cơ sở y tế (tốt nhất là trước 6 giờ).
Theo suckhoedoisong.vn
PV