Chớ coi thường các cơn đau vùng mặt kẻo ôm hận!

Đau vùng mặt

Đau vùng mặt có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Bởi vậy, nếu thấy xuất hiện cơn đau bất thường, bạn nên cảnh giác để điều trị sớm.

Đau vùng mặt
Đau vùng mặt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Nguyên nhân nào gây đau vùng mặt?

Đau vùng mặt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhiễm trùng đến tổn thương dây thần kinh.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất gồm:

  • Nhiễm trùng miệng
  • Vết loét hở
  • Áp xe, chẳng hạn như tụ mủ dưới mô bề mặt trong miệng
  • Áp xe da – tập hợp mủ dưới da
  • Đau đầu
  • Chấn thương mặt
  • Đau răng

Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gồm:

  • Bệnh zona thần kinh
  • Đau nửa đầu
  • Viêm xoang
  • Rối loạn thần kinh
  • Virus herpes simplex 1 (HSV-1), gây ra mụn rộp ở môi
  • Nhiễm trùng tuyến nước bọt

Cơn đau ở vùng mặt thường được mô tả giống như chuột rút, như dao đâm hoặc cảm giác nhức nhối. Đau từ các vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như tai hoặc đầu, có thể lan ra mặt.

cơn đau vùng mặt
Mụn rộp ở môi có thể gây đau đớn trên mặt

Cảm giác đau ở vùng mặt là gì?

Cảm giác đau ở vùng mặt ở mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra

Đau nhói, âm ỉ ở một bên mặt hoặc xung quanh miệng nói chung là do các vấn đề trong miệng, chẳng hạn như đau răng, sâu răng hoặc áp xe. Nếu bạn gặp phải loại đau này, hãy đi khám răng xem sao.

Cảm giác đau do viêm xoang sẽ giống như bị đè ép hoặc đau nhức khắp mặt trước của gò má và bên dưới mắt. Áp xe và vết loét thường sẽ đau nhói tại vị trí bị đau. Đau đầu và chấn thương có thể cảm thấy giống như cảm giác bị kim châm hoặc đau nhói lên.

Vì có nhiều nguyên nhân gây ra đau vùng mặt, nên nếu thấy khó chịu, tốt nhất là bạn nên đi khám. Đặc biệt nếu cơn đau đột ngột và lan tỏa từ ngực hoặc cánh tay trái, vì đây có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim sắp xảy ra, cần cấp cứu càng sớm càng tốt.

cơn đau vùng mặt
Áp xe có thể gây đau nhói ngay tại vị trí đau

Đau vùng mặt được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây đau vùng mặt dựa vào thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh nhân về vị trí đau, tần suất đau, mức độ đau, thời gian đau, điều gì làm dịu cơn đau, có thể cần chụp X-quang hoặc chụp MRI. Các xét nghiệm hình ảnh này rất hữu ích trong việc chẩn đoán các vấn đề trong xương, cơ và mô.

Xét nghiệm máu có thể được chỉ định để xác định một số bệnh nhiễm trùng. Một số xét nghiệm đặc biệt có thể được áp dụng trong trường hợp nghi ngờ cơn đau xuất phát từ các vấn đề ở tim hoặc mắt.

Nếu tình trạng mắt là nguyên nhân khiến bạn bị đau mặt, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê cho mỗi mắt. Sau đó, đặt một dải giấy nhỏ có chứa thuốc nhuộm màu cam lên nhãn cầu, chiếu đèn vào mắt để kiểm tra giác mạc và các bộ phận khác của mắt xem có bị tổn thương hay không.

Trong trường hợp nghi ngờ vấn đề ở tim, điện tâm đồ (ECG) có thể được chỉ định để đánh giá. Xét nghiệm này rất hữu ích trong việc chẩn đoán cơn đau tim hoặc nhịp tim bất thường.

cơn đau vùng mặt
Xét nghiệm máu có thể được chỉ định để xác định nguyên nhân gây đau vùng mặt

Bị đau vùng mặt điều trị như thế nào?

Tùy thuộc nguyên nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau.

  • Đau do nhiễm trùng như viêm xoang thường hết sau khi sử dụng thuốc kháng sinh (viêm do nhiễm vi khuẩn) hoặc để nhiễm trùng tự lành (do nhiễm virut).
  • Đau mặt do nhiễm virut như bệnh zona có thể xuất hiện phát ban. Trong một số trường hợp, cơn đau sẽ biến mất mà không cần điều trị trong vòng vài ngày đến vài tuần. Trong các trường hợp khác, đau dây thần kinh có thể kéo dài nhiều tháng. Thuốc kháng virut kê đơn như acyclovir và valacyclovir có thể rút ngắn thời gian phát ban. Ngoài ra các loại thuốc khác có thể được kê đơn để giải quyết các cơn đau thần kinh dai dẳng.
  • Nếu đau vùng mặt là do bệnh lý răng miệng, nha sĩ có thể điều trị bằng cách kê đơn thuốc kháng sinh, nhổ răng hoặc thực hiện lấy tủy răng.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn có thể điều trị đau mặt do đau đầu từng cơn hoặc chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, đôi khi đau mặt do đau đầu không đáp ứng với thuốc không kê đơn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn để giảm đau trong trường hợp này.

Cách tự chăm sóc tại nhà khi bị đau vùng mặt

Thông thường, đau mặt không phải do những nguyên nhân nghiêm trọng gây ra, bệnh nhân có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Hiệu quả của các phương pháp tự chăm sóc phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là một số gợi ý để giảm đau:

  • Chườm lạnh: Gói một túi đá vào một miếng vải hoặc khăn, sau đó chườm lên vùng bị đau trong 10-20 phút. Thực hiện vài lần mỗi ngày để giảm đau.
  • Dùng thuốc giảm đau: Có thể dùng thuốc không kê đơn acetaminophen.
  • Kê cao gối khi ngủ: Nâng cao đầu để dịch nhầy chảy ra khỏi xoang, giảm đau do viêm xoang, giảm nghẹt mũi.
  • Súc miệng bằng nước muối: Giúp giảm đau răng, giảm viêm lợi.
  • Châm cứu, trị liệu thần kinh cột sống: Giúp cải thiện các cơn đau ở vùng mặt.

DS Phan Thu Hiền