Điều trị bệnh ung thư hạch bạch huyết thế nào cho hiệu quả?

Bệnh ung thư hạch bạch huyết đang có xu hướng gia tăng. Tìm hiểu rõ các phương pháp điều trị sẽ giúp người bệnh tránh tâm lý lo lắng, hoang mang không cần thiết.

ung thư hạch bạch huyết
Ung thư hạch bạch huyết là bệnh lý huyết học ác tính

Ung thư hạch bạch huyết là bệnh gì?

Hệ thống bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết (tuyến bạch huyết), lá lách, tuyến ức và tủy xương. Hạch bạch huyết có cấu trúc trơn, hình bầu dục dẹp gần giống với những hạt đậu nhỏ. Có hơn 600 hạch kết thành từng chùm, rải rác khắp cơ thể, tập trung nhiều nhất dưới cổ, nách, háng, ở giữa ngực và bụng. Hạch bạch huyết làm nhiệm vụ lưu trữ các tế bào miễn dịch, hoạt động như một bộ lọc để loại bỏ vi trùng, các tế bào chết và chất thải khác khỏi cơ thể.

Ung thư hạch bạch huyết hay còn gọi là u lympho là sự biến đổi và tăng sinh mất kiểm soát của tế bào bạch cầu lympho.

Các loại ung thư hạch bạch huyết

Có nhiều loại ung thư hạch bạch huyết, phổ biến nhất là 2 loại:

  • Ung thư hạch Hodgkin (trước đây gọi là bệnh Hodgkin)
  • Ung thư hạch không Hodgkin

Điều trị ung thư hạch bạch huyết tùy thuộc vào loại ung thư hạch và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Việc điều trị có thể bao gồm hóa trị, thuốc điều trị miễn dịch, xạ trị, cấy ghép tủy xương hoặc kết hợp một số phương pháp này.

>> Xem thêm Cảnh báo một số bệnh lý khi bị sưng hạch

Các triệu chứng ung thư hạch bạch huyết

ung thư hạch bạch huyết
Hình ảnh sưng hạch bạch huyết ở cổ

Bệnh có thể có biểu hiện tại hạch và ở các cơ quan khác:

  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn: ở giai đoạn sớm, hạch không gây đau. Hạch cứng, không bám dính dưới da. Khi hạch phát triển to có thể chèn ép đường thở gây khó thở, chèn ép mạch máu gây phù chi và khó vận động.
  • Mệt mỏi dai dẳng
  • Sốt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khó thở
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Da ngứa

Nguyên nhân gây bệnh ung thư hạch bạch huyết

ung thư hạch bạch huyết
Nam giới có nguy cơ bị ung thư hạch bạch huyết cao hơn nữ giới

Hiện nay nguyên nhân gây bệnh ung thư hạch bạch huyết vẫn chưa được xác định chắc chắn. Nhưng bệnh bắt đầu khi tế bào bạch cầu lympho trong hệ thống miễn dịch bị đột biến. Đột biến làm tế bào lympho nhân lên nhanh chóng tạo ra nhiều tế bào lympho bệnh lý và hoạt động kém hiệu quả trong các hạch bạch huyết, làm cho các hạch bạch huyết, lá lách và gan sưng lên.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư hạch bạch huyết bao gồm:

  • Độ tuổi: Một số loại ung thư hạch phổ biến hơn ở người trẻ tuổi, trong khi những loại khác thường được chẩn đoán ở những người trên 55 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ phát triển ung thư hạch bạch huyết cao hơn so với nữ giới.
  • Bị suy giảm hệ thống miễn dịch: Ung thư hạch bạch huyết phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh về hệ thống miễn dịch hoặc ở những người dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Đang mắc một số bệnh nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư hạch bạch huyết, bao gồm nhiễm virus Epstein-Barr và nhiễm trùng Helicobacter pylori.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh

ung thư hạch bạch huyết
Xét nghiệm công thức máu cung cấp thông tin về số lượng các tế bào máu

Các phương pháp thăm khám và xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các hạch bạch huyết bị sưng, bao gồm ở cổ, dưới cánh tay và bẹn, cũng như kiểm tra gan và lá lách của người bệnh có bị sưng không.
  • Sinh thiết hạch: Lấy toàn bộ hoặc một phần hạch bạch huyết để làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Các xét nghiệm nâng cao có thể xác định xem có tế bào ung thư hạch hay không và những loại tế bào nào có liên quan.
  • Xét nghiệm công thức máu: Cho biết số lượng các tế bào trong máu, có thể cung cấp manh mối cho việc chẩn đoán.
  • Sinh thiết tủy xương: Thủ tục chọc hút và sinh thiết tủy xương bao gồm việc đưa một cây kim vào xương hông để lấy một mẫu tủy xương. Mẫu được phân tích sẽ giúp tìm tế bào ung thư hạch.

Các biện pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết

Chuẩn bị cho việc chữa trị

Người bị bệnh ung thư hạch nên tiêm phòng cúm, viêm phổi, viêm màng não.

Các phương thức điều trị

Xạ trị và hóa trị là hai phương thức điều trị thông thường nhất. Các phương pháp điều trị khác như cấy ghép tủy xương, ghép tế bào gốc, và trị liệu sinh học (biological therapy), điều trị trúng mục tiêu (target therapy) còn đang trong vòng thử nghiệm lâm sàng (clinical trial).

  • Xạ trị: Dùng tia xạ để thiêu huỷ tế bào ung thư. Tùy theo giai đoạn của bệnh, có thể dùng xạ trị đơn độc hoặc kết hợp với hoá trị liệu.
  • Hóa trị: Phối hợp nhiều loại hóa chất (combination chemotherapy) để điều trị bệnh theo từng đợt. Đa số các hóa chất đều được dùng tiêm truyền tĩnh mạch, một vài loại thuốc dùng đường uống. Thuốc theo máu đi khắp cơ thể, nên được xem là điều trị toàn thân (systemic therapy).

DS Phan Thu Hiền