Vai trò của aspirin trong dự phòng biến cố tim mạch thứ phát đã được chứng minh. Tuy nhiên, với dự phòng nguyên phát, thông tin còn chưa hoàn toàn rõ ràng. Tổng quan hệ thống và phân tích gộp mới đây của Zheng và Roddick đã cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Aspirin – Giúp dự phòng và xử trí biến cố tim mạch do huyết khối xơ vữa
Aspirin có vai trò dự phòng và xử trí biến cố tim mạch do huyết khối xơ vữa. Tuy nhiên, với vai trò này, aspirin vừa có lợi ích nhưng cũng có thể gây hại do làm tăng nguy cơ xuất huyết. Aspirin được chứng minh rõ ràng làm giảm nguy cơ huyết khối ở bệnh nhân sau khi tiến hành một số thủ thuật tim mạch như đặt stent. Trong trường hợp này, lợi ích của việc sử dụng aspirin vượt trội so với nguy cơ xuất huyết.
Vì vậy, đa số các hướng dẫn điều trị đều thống nhất ở việc khuyến cáo sử dụng aspirin sau khi tiến hành các thủ thuật tim mạch để dự phòng thứ phát biến cố tim mạch.
Không tương tự như trong trường hợp dự phòng thứ phát, với dự phòng nguyên phát biến cố tim mạch, lợi ích của việc sử dụng aspirin và nguy cơ xuất huyết dường như tương đương nhau, đặc biệt ở những bệnh nhân nguy cơ thấp. Do đó, các hướng dẫn điều trị hiện nay còn chưa hoàn toàn thống nhất về vấn đề này.
Hội Tim mạch Châu Âu (ESC) không khuyến cáo sử dụng aspirin trong trường hợp dự phòng biến cố tim mạch nguyên phát. Trong khi đó, Ban tư vấn các dịch vụ phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (U.S. Preventive Services Task Force – USPSTF) khuyến cáo cân nhắc tác dụng dự phòng của aspirin và nguy cơ xuất huyết và cả lợi ích lâu dài khi aspirin có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. USPSTF cho rằng việc sử dụng aspirin cần được cân nhắc dựa trên nguy cơ bệnh nhân xuất hiện bệnh lý mạch máu trong tương lai, nguy cơ xuất huyết, khả năng sống cũng như các thông tin khác liên quan về bệnh nhân.
Nghiên cứu lâm sàng thử nghiệm vai trò aspirin trong phòng biến cố tim mạch nguyên phát
Năm 2018, ba thử nghiệm lâm sàng mới công bố đã sáng tỏ thêm thông tin về vai trò của aspirin trong dự phòng biến cố tim mạch nguyên phát. Các thử nghiệm lâm sàng này bao gồm thử nghiệm ASCEND trên bệnh nhân đái tháo đường, thử nghiệm ASPREE trên bệnh nhân cao tuổi và thử nghiệm ARRIVE trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao hơn. Zheng và Roddick đã tiến hành tổng quan hệ thống và phân tích gộp kết quả ba thử nghiệm lâm sàng mới công bố trên, kết hợp thêm với 10 thử nghiệm lâm sàng trước đây về việc sử dụng aspirin trong dự phòng biến cố tim mạch nguyên phát:
Tổng số bệnh nhân đưa vào phân tích gộp lên đến 164.225 người. Kết quả cho thấy aspirin làm giảm biến cố tim mạch so với không sử dụng aspirin (nguy cơ tương đối (HR) 0,89%, 95%CI: 0,84 – 0,95%; giảm nguy cơ tuyệt đối (ARR) 0,38%, 95%CI: 0,20 – 0,55%, số bệnh nhân cần điều trị để giảm 1 ca bệnh (NNT) là 265 người).
Tuy nhiên, sử dụng aspirin lại làm tăng nguy cơ biến cố xuất huyết lớn so với không sử dụng thuốc này (HR 1,43, 95%CI: 1,30 – 1,56; ARR 0,47%, 95%CI: 0,34 – 0,62%, số bệnh nhân cần điều trị để xảy ra 1 ca gặp biến cố xuất huyết (NNH) là 210 người). Hai chỉ số NNT (265 người) và NNH (210 người) gần tương đương nhau là lý do giải thích cho việc một số hướng dẫn điều trị không khuyến cáo sử dụng aspirin trong dự phòng nguyên phát và chỉ bắt đầu sử dụng thuốc này khi có các biểu hiện của bệnh lý tim mạch (dự phòng thứ phát).
Kết luận từ nghiên cứu lâm sàng về việc dùng aspirin trong dự phòng biến cố tim mạch
Nhìn chung, những kết quả từ phân tích gộp của Zheng và Roddick đã ủng hộ thêm quan điểm của USPSTF về sử dụng aspirin trong dự phòng biến cố tim mạch nguyên phát. Khi áp dụng các kết quả phân tích gộp này vào điều trị trên từng cá thể cụ thể, bác sĩ nên cân nhắc các biện pháp khác kết hợp với dự phòng bằng aspirin như cai thuốc lá, kiểm soát huyết áp và lipid máu. Ở những nơi có nguy cơ tim mạch cao hoặc các chiến lược dự phòng khác như statin ít được sử dụng, việc sử dụng aspirin có thể là một biện pháp can thiệp ít tốn kém, có thể đóng vai trò quan trọng.
Nguồn:
1. Sean L. Zheng, Alistair J. Roddick, “Association of Aspirin Use for Primary Prevention With Cardiovascular Events and Bleeding Events – A Systematic Review and Meta-analysis”, JAMA. 2019;321(3):277-287. doi:10.1001/jama.2018.20578.
2. J. Michael Gaziano, “Aspirin for Primary Prevention Clinical Considerations in 2019”, JAMA. 2019;321(3), pp. 253-55.