Ngạc nhiên với lợi ích của việc xoa bóp dẫn lưu bạch huyết

Hệ thống bạch huyết mang chất lỏng trong suốt từ các mô xung quanh cơ thể vào máu và ngược lại. Xoa bóp dẫn lưu bạch huyết mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

xoa bóp dẫn lưu bạch huyết
Xoa bóp dẫn lưu bạch huyết mang lại nhiều lợi ích sức khỏe

Xoa bóp dẫn lưu bạch huyết là gì?

Hệ thống bạch huyết được tạo thành từ một mạng lưới các mạch máu, bạch huyết và hạch bạch huyết. Bạch huyết là một loại chất lỏng trong suốt như nước, mang các phân tử protein, muối, glucose cùng với vi khuẩn. Bạch huyết có khả năng “bẫy” các chất có hại để loại bỏ chúng khỏi cơ thể giúp chúng ta không bị bệnh.

Tuy nhiên, đôi khi bạch huyết có thể bị mắc kẹt bên trong các hạch bạch huyết, trông giống như các cấu trúc nhỏ hình hạt đậu, dẫn đến sưng và đau.

Xoa bóp dẫn lưu bạch huyết là xoa bóp nhẹ nhàng, nhắm vào các hạch bạch huyết nằm ở cổ, bẹn, ngực, nách và bụng.

Xoa bóp giúp dịch bạch huyết di chuyển từ các hạch bạch huyết bị sưng đến các khu vực có mạch bạch huyết hoạt động. Nói cách khác, xoa bóp sẽ làm tăng dẫn lưu bạch huyết, giúp di chuyển vi khuẩn, bạch cầu và các chất khác để hệ thống miễn dịch có thể tiếp tục phòng thủ và bảo vệ cơ thể.

Vị trí các hạch bạch huyết trên cơ thể

xoa bóp dẫn lưu bạch huyết
Lợi ích của việc xoa bóp dẫn lưu hạch bạch huyết

Một hệ thống bạch huyết khỏe mạnh nuôi dưỡng cơ, khớp và các mô khác vì các mạch bạch huyết có những lỗ nhỏ để khí, nước và chất dinh dưỡng đi qua các tế bào xung quanh (được gọi là dịch kẽ). Chất lỏng sau đó chảy trở lại các mạch bạch huyết, đi đến các tuyến bạch huyết để được lọc và cuối cùng đến một mạch bạch huyết lớn hơn nằm ở cổ gọi là ống ngực. Các mô xung quanh cơ thể có thể bị viêm và đau khi lưu thông máu chậm lại, bạch huyết tích tụ và xuất hiện viêm nhiễm.

Xoa bóp dẫn lưu bạch huyết có những lợi ích sau:

  • Tăng dẫn lưu bạch huyết
  • Giúp tăng cường tuần hoàn máu
  • Giảm sưng
  • Giảm đau
  • Làm mềm xơ hóa
  • Cải thiện tính di động, phạm vi chuyển động và sự thoải mái

Trong nhiều trường hợp, xoa bóp dẫn lưu bạch huyết bằng tay được kết hợp với các loại trị liệu, phương pháp điều trị khác. Xoa bóp thường được sử dụng kết hợp với liệu pháp băng bó và nẹp để giảm sưng, kết hợp các bài tập để tăng cường lưu thông máu và kết hợp chăm sóc da để đảm bảo da vẫn khỏe mạnh và không bị nhiễm trùng.

Một đánh giá năm 2015 ở những người trưởng thành đang hồi phục sau ung thư vú bị phù bạch huyết cho thấy sự kết hợp giữa xoa bóp dẫn lưu bạch huyết và sử dụng băng ép có hiệu quả hơn trong việc giảm sưng và đau so với chỉ sử dụng băng ép.

Một đánh giá khác cho thấy xoa bóp hệ bạch huyết có thể giúp giảm đau và giảm cứng khớp ở những người mắc các triệu chứng đau cơ xơ hóa. Tương tự như vậy, loại xoa bóp này cũng có lợi cho những người bị viêm khớp đang bị viêm, kể cả sau phẫu thuật.

xoa bóp dẫn lưu bạch huyết
Xoa bóp giúp tăng dẫn lưu bạch huyết, giảm sưng và đau

Những ai nên xoa bóp dẫn lưu bạch huyết?

Theo các chuyên gia, xoa bóp dẫn lưu bạch huyết phù hợp với những người bị phù hạch bạch huyết (triệu chứng đặc trưng là sưng tấy do chất lỏng bạch huyết tích tụ ở nơi không nên có và viêm hạch bạch huyết).

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn có thể tìm hiểu việc xoa bóp dẫn lưu bạch huyết:

  • Khó chịu do sưng
  • Nặng nề hoặc căng cứng ở chân tay
  • Các mô cảm thấy săn chắc hơn bình thường
  • Đau khi di chuyển
  • Cứng khớp

Các hạch bạch huyết có thể bị tổn thương do vấn đề sức khỏe nào đó, chẳng hạn như một số loại ung thư hoặc do phẫu thuật. Thông thường sưng ở cánh tay, chân hoặc nơi có khối u hoặc nơi thực hiện phẫu thuật, chẳng hạn như vú trong trường hợp ung thư vú.

Các triệu chứng phù bạch huyết có thể xuất hiện do các vấn đề sức khỏe như:

  • Ung thư vú
  • Phẫu thuật ung thư vú (phẫu thuật cắt bỏ các cấu trúc bạch huyết, chẳng hạn như hạch và mạch làm suy giảm khả năng vận chuyển của bạch huyết)
  • Sẹo sau phẫu thuật làm giảm vận chuyển bạch huyết
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoặc làm tổn thương mô cơ làm giảm lực nén của cơ lên các mạch bạch huyết
  • Xạ trị có thể gây tổn thương nút và sẹo xơ hóa

Nhiều nghiên cứu cho thấy, xoa bóp dẫn lưu hạch bạch huyết có lợi cho những nhóm đối tượng sau:

  • Người bị đau khớp
  • Người có triệu chứng đau cơ xơ hóa
  • Bị táo bón
  • Nhức đầu và đau nửa đầu
  • Phù
  • Suy tĩnh mạch mãn tính
  • Thường xuyên căng thẳng, lo lắng dẫn đến trầm cảm
xoa bóp dẫn lưu bạch huyết
Người bị suy giãn tĩnh mạch nên thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết

Cách thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết

Bạn có thể thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết cho chính bản thân mình, nhưng trước đó nên học cách làm từ một chuyên gia, tốt nhất là chuyên gia vật lý trị liệu được đào tạo chuyên về phương pháp này.

Hầu hết các loại xoa bóp dẫn lưu bạch huyết đều liên quan đến việc làm sạch (sử dụng áp lực nhẹ nhàng để giải phóng bạch huyết bị mắc kẹt) và sau đó tái hấp thu (chuyển động quét để di chuyển bạch huyết về phía các hạch bạch huyết).

Sau khi học cách thực hiện các bước này, bạn có thể tự xoa bóp tối đa 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 20 phút.
Dưới đây là hướng dẫn chung để thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết:

  • Nằm xuống hoặc ở một vị trí thoải mái mà bạn có thể thư giãn cơ bắp.
  • Sử dụng các chuyển động chậm và nhẹ nhàng (hãy tưởng tượng bạn đang vuốt ve chính mình), lấy phần phẳng của bàn tay hoặc các ngón tay (không phải đầu ngón tay) và lướt bàn tay/ngón tay trên da để giúp da căng ra một chút. Sau đó di chuyển nó trở lại vị trí bình thường.
  • Xoa bóp từ từ về phía những vùng không bị sưng tấy để chất lỏng dư thừa có chỗ chảy đến.
  • Bây giờ hãy tập trung vào các bộ phận của cơ thể nơi có các hạch bạch huyết, bao gồm cổ, háng và nách.
  • Lặp lại các động tác xoa bóp sau khoảng 10 đến 15 lần ở cả hai bên cơ thể: động tác xoa bóp hình chữ “J” phía trên xương đòn, hai bên cổ ngay dưới tai, sau gáy ngay dưới chân tóc ở hai bên cột sống, dưới cánh tay dọc theo hai bên nách, sau đầu gối và ở mặt trong của chân di chuyển lên ống chân và đùi. Lặp lại 15 lần, sau đó chuyển sang phần tiếp theo phía trên đầu gối.
xoa bóp dẫn lưu bạch huyết
Nên tìm chuyên gia vật lý trị liệu để thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết

Tác dụng phụ khi xoa bóp dẫn lưu bạch huyết

Vì việc xoa bóp rất nhẹ nhàng và chỉ có những động tác chạm rất nhẹ nên kiểu xoa bóp này sẽ không gây đau. Nếu bạn bị đau hoặc tình trạng sưng tấy trầm trọng hơn, có thể bạn đã dùng lực quá mạnh. Một số người cũng gặp tác dụng phụ nhẹ như đau đầu, buồn nôn và mệt mỏi.

Người đang bị nhiễm trùng, bị ốm, đang hồi phục sau một chấn thương nghiêm trọng thì không nên thực hiện xoa bóp dẫn lưu bạch huyết.

Bạn cũng nên tránh xoa bóp dẫn lưu bạch huyết nếu có các vấn đề sức khỏe sau đây:

  • Có cục máu đông
  • Đã từng bị đột quỵ hoặc bị suy tim sung huyết
  • Bị ung thư
  • Bị bệnh gan hoặc thận

Các cách khác để hỗ trợ hệ thống bạch huyết

Nên kết hợp xoa bóp bạch huyết với tập thể dục để giúp cải thiện khả năng dẫn lưu bạch huyết một cách tự nhiên. Ngoài ra, uống nhiều nước, ăn các thực phẩm chống viêm cũng giúp hỗ trợ tuần hoàn và giải độc tốt hơn.

Bất kỳ hình thức tập thể dục và vận động thường xuyên (như đi bộ nhiều hơn) cũng đều tốt cho việc duy trì dòng chảy của chất lỏng bạch huyết. Một số bài tập có nhiều lợi ích hơn cả là tập yoga, bài tập HIIT và nhảy trên tấm bạt lò xo… Bạn nên kết hợp cả tập thể dục, ăn uống lành mạnh, xoa bóp dẫn lưu bạch huyết để tăng cường sức khỏe tổng thể.

Vân Anh