Nhận thức mối nguy hiểm của bệnh viêm tụy và hướng điều trị

Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy trong cơ thể bị viêm gây đau bụng, sốt, mạch nhanh và buồn nôn. Nhận biết đâu là nguyên nhân dẫn tới viêm tụy và hướng điều trị phù hợp.

bệnh viêm tụy
Viêm tụy gây ra đau ở vùng bụng trên

Bệnh viêm tụy là gì?

Tuyến tụy là một tuyến dài, phẳng nằm ẩn phía sau dạ dày ở vùng bụng trên. Tuyến tụy đảm nhiệm hai chức năng chính trong cơ thể:

  • Giúp giải phóng các enzyme tiêu hóa vào ruột non để giúp tiêu hóa thức ăn.
  • Giải phóng insulin và glucagon vào máu. Đây là những hormone giúp cơ thể kiểm soát cách xử lý đường glucose từ thức ăn tạo ra năng lượng.

Tuyến tụy là căn bệnh khi tuyến tụy bị tổn thương khi các enzyme tiêu hóa bắt đầu hoạt động trước khi tuyến tụy tiết ra chúng.

Phân loại viêm tụy

Viêm tụy được phân thành hai loại là viêm tụy cấp tính và mãn tính:

  • Viêm tụy cấp tính: là tình trạng viêm đột ngột kéo dài trong thời gian ngắn. Bệnh có thể từ hơi khó chịu cho tới bệnh nặng, đe dọa tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp đều hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị đúng cách. Trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm tụy cấp có thể gây chảy máu, tổn thương mô nghiêm trọng, nhiễm trùng và u nang. Viêm tụy nặng cũng sẽ gây hại tới các cơ quan khác như tim, phổi và thận.
  • Viêm tụy mãn tính: là tình trạng viêm kéo dài. Bệnh thường xảy ra sau một đợt viêm tụy cấp tính. Một nguyên nhân dẫn tới loại viêm tụy này là uống rượu trong thời gian dài. Tổn thương tuyến tụy do sử dụng rượu nặng có thể không gây ra các triệu chứng trong nhiều năm, tuy nhiên sau đó người bệnh có thể đột ngột xuất hiện các triệu chứng viêm tụy nghiêm trọng.

Các triệu chứng của viêm tụy

bệnh viêm tụy
Đau bụng là triệu chứng chính của viêm tụy

Triệu chứng của viêm tụy cấp

  • Sốt
  • Nhịp tim tăng
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Bụng sưng và mềm
  • Đau ở phần trên của bụng và đau phía sau lưng. Ăn uống khiến cho cơn đau tăng nặng, đặc biết là các thực phẩm giàu chất béo.

Triệu chứng của viêm tụy mãn tính

Các triệu chứng của viêm tụy mãn tính khá giống so với viêm tụy cấp tính. Tuy nhiên có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác:

  • Đau bụng liên tục ở bụng trên và lan ra sau lưng
  • Tiêu chảy và sụt cân vì tuyến tụy không tiết ra đủ enzyme để có thể tiêu hóa được thức ăn
  • Bụng khó chịu và nôn mửa.

Nguyên nhân gây viêm tụy và các yếu tố nguy cơ

bệnh viêm tụy
Viêm tụy có thể do sỏi mật gây ra

Viêm tụy xảy ra khi các enzyme tiêu hóa được kích hoạt khi vẫn đang ở trong tuyến tụy, gây kích thích các tế bào tuyến tụy và gây viêm.

Với các đợt viêm tụy cấp lặp đi lặp lại, tổn thương tuyến tụy cũng có thể xảy ra và dẫn tới viêm tụy mãn tính. Mô sẹo có thể hình thành trong tuyến tụy gây ảnh hưởng tới chức năng tụy. Tuyến tụy hoạt động kém có thể dẫn tới các vấn đề về đường tiêu hóa và bệnh tiểu dường.

Một số nguyên nhân gây viêm tụy cấp gồm:

  • Sỏi mật
  • Nghiện rượu
  • Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
  • Tăng triglyceride trong máu
  • Nồng độ canxi trong máu cao (tăng canxi huyết), có thể do tuyến cận giáp hoạt động quá mức (cường cận giáp)
  • Bệnh ung thư tuyến tụy
  • Phẫu thuật bụng
  • Bệnh xơ nang
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương vùng bụng
  • Béo phì

Nội soi mật ngược dòng (ERCP), một thủ thuật được sử dụng để điều trị sỏi mật, cũng có thể dẫn tới viêm tụy. Đôi khi nguyên nhân gây viêm tụy không được phát hiện chính xác. Đây được gọi là viêm tụy vô căn.

Các yếu tố nguy cơ gây ra viêm tụy

bệnh viêm tụy
Người uống rượu nhiều bị tăng nguy cơ viêm tụy

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tụy gồm:

  • Uống rượu quá nhiều: Nghiên cứu cho thấy những người sử dụng rượu nặng (uống quá 4 – 5 ly mỗi ngày) có nguy cơ bị viêm tụy cao hơn bình thường.
  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc viêm tụy mãn tính cao hơn trung bình 3 lần so với những người không hút thuốc. Tuy nhiên, nếu cai thuốc thì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh xuống một nửa.
  • Béo phì: Người bị thừa cân béo phì có nhiều khả năng bị viêm tụy.
  • Bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị viêm tụy.
  • Tiền sử gia định bị viêm tụy: Bệnh viêm tụy là bệnh di truyền. Vì thế, nếu trong gia đình có thành viên bị viêm tụy thì tỷ lệ bạn bị mắc bệnh này sẽ cao hơn.

Biến chứng của bệnh viêm tụy

Viêm tụy có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Suy thận: Viêm tụy cấp có thể gây ra suy thận, khi đó cần điều trị bằng cách lọc máu nếu suy thận nặng và dai dẳng.
  • Các vấn đề hô hấp: Viêm tụy cấp tính có thể gây ra những thay đổi hóa học trong cơ thể làm ảnh hưởng đến chức năng phổi, khiến cho lượng oxy trong máu giảm xuống mức thấp nguy hiểm.
  • Nhiễm trùng: Viêm tụy cấp khiến cho tuyến tụy dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm vi trùng. Nhiễm trùng rất nghiêm trọng và cần được điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật để loại bỏ các mô nhiễm trùng.
  • Pseudocyst (Nang giả): Viêm tụy cấp khiến các chất lỏng và mảnh vụn tích tụ trong túi giống như nang trong tuyến tụy. Khi nang giả vỡ ra có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như chảy máu trong và nhiễm trùng.
  • Suy dinh dưỡng: Viêm tụy cả loại cấp tính và mãn tính đều có thể khiến cho tuyến tụy sản xuất ra ít hơn các enzyme cần thiết để phân hủy và xử lý các chất dinh dưỡng từ thực phẩm ăn vào. Hệ quả là dễ dẫn tới suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và sụt cân dù cho người bệnh vẫn đang ăn cùng lượng thức ăn như bình thường.
  • Tiểu đường: Ảnh hưởng của các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy do viêm tụy mãn tính có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, một căn bệnh ảnh hưởng tới cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu.
  • Ung thư tuyến tụy: Tình trạng viêm lâu dài trong tuyến tụy do viêm tụy mãn tính là một yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới ung thư tuyến tụy.

Chẩn đoán bệnh viêm tụy

bệnh viêm tụy
Chẩn đoán viêm tụy cần chụp X-quang vùng bụng

Để kiểm tra viêm tụy cấp, bác sĩ có thể ấn nhẹ vào vùng bụng của người bệnh để xem có mềm không. Bác sĩ cũng đồng thời kiểm tra huyết áp, thân nhiệt cơ thể và nhịp tim.

Để chẩn đoán viêm tụy mãn tính, cần thực hiện chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT hoặc MRI để có thể biết được tuyến tụy có bị vôi hóa hay không. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và kiểm tra phân để kiểm tra chất béo dư thừa, một số dấu hiệu cho thấy tuyến tụy không tạo ra đủ enzyme để xử lý chất béo. Người bệnh cũng có thể cần xét nghiệm chức năng tụy để xem tuyến tụy tiết ra các enzyme tiêu hóa có bình thường không. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để kiểm tra có mắc tiểu đường không.

Để chẩn đoán viêm tụy cấp, bác sĩ xét nghiệm máu để đo hai loại men tiêu hóa: amylase và lipase. Mức độ cao của hai loại men này nghĩa là người bệnh có thể đang mắc viêm tụy cấp. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bạch cầu, lượng đường trong máu, canxi và chức năng gan của người bệnh.

Phương pháp điều trị tuyến tụy

Điều trị viêm tụy cấp

Nếu bị viêm tụy cấp, người bệnh sẽ cần phải sử dụng các loại thuốc mạnh để giảm đau. Người bệnh có thể cần phải hút dịch dạ dày bằng ống thông đặt qua mũi. Nếu cơn đau kéo dài, người bệnh có thể cần ăn và uống qua đường tĩnh mạch.

Người bệnh có thể cần ở lại bệnh viện điều trị theo phác đồ bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh nếu tuyến tụy bị nhiễm trùng
  • Dịch truyền tĩnh mạch
  • Thực hiện chế độ ăn kiêng ít chất béo hoặc nhịn ăn. Người bệnh có thể được yêu cầu không nạp thêm thức ăn để tuyến tụy có thời gian phục hồi. Trường hợp này, người bệnh sẽ nhận dinh dưỡng thông qua tĩnh mạch.
  • Sử dụng thuốc giảm đau

Trong các trường hợp viêm tụy cấp tính nghiêm trọng hơn thì phương pháp điều trị có thể kết hợp:

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), thủ thuật bao gồm việc đưa một ống xuống cổ họng vào dạ dày và ruột trên để lấy sỏi mật ra ngoài nếu chúng làm tắc ống dẫn mật hoặc tuyến tụy của người bệnh. Một vết cắt nhỏ sẽ được thực hiện để loại bỏ sỏi trong ống mật hoặc một ống nhựa được gọi là stent được đưa vào ống dẫn để giải phóng tắc nghẽn.
  • Phẫu thuật túi mật nếu sỏi mật gây ra viêm tụy.
  • Phẫu thuật tuyến tụy để làm sạch chất lỏng hoặc loại bỏ mô bị chết.

Điều trị viêm tụy mãn tính

bệnh viêm tụy
Điều trị viêm tụy mãn tính có thể sử dụng thuốc giảm đau

Nếu bị viêm tụy mãn tính, bác sĩ sẽ tập trung điều trị cơn đau – đề phòng khả năng nghiện thuốc giảm đau theo toa – và theo dõi các biến chứng đường tiêu hóa. Người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp thay thế enzyme tuyến tụy để khôi phục khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng của đường tiêu hóa; để làm giảm tần suất các cuộc tấn công mới.

Người bệnh cần:

  • Bổ sung insulin để điều trị tiểu đường
  • Sử dụng thuốc giảm đau
  • Dùng enzyme tuyến tụy để giúp cơ thể có đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn
  • Áp dụng phẫu thuật hoặc các thủ thuật giúp giảm đau, thoát nước và điều trị tắc nghẽn.

Tiêm thuốc gây mê vào các dây thần kinh gần cột sống có thể giúp giảm đau. Nếu cơn đau không đáp ứng với thuốc hoặc các khối thần kinh, mô tụy bị tổn thương có thể được phẫu thuật cắt bỏ, tuy nhiên đây là biện pháp không ưu tiên chỉ áp dụng sau cùng.

Thay đổi thói quen sống cho người bệnh viêm tụy đã điều trị khỏi bệnh

Với những người bệnh viêm tụy đã điều trị khỏi trong bệnh viện và được về nhà thì cần phải áp dụng một số biện pháp sau để phục hồi sau viêm tụy. Cụ thể:

  • Ngừng uống rượu: Ngay cả khi rượu không được coi là nguyên nhân gây viêm tụy cấp thì người bệnh cũng nên bỏ rượu trong thời gian đang phục hồi.
  • Bỏ thuốc lá: Nếu đang hút thuốc lá thì nên cai nghiện. Với người không hút thuốc là thì đừng bắt đầu hút. Với người không thể tự cai thuốc thì hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ cai thuốc lá.
  • Chọn chế độ ăn uống ít chất béo: Nên thay đổi chế độ ăn và hạn chế chất béo, bổ sung thêm trái cây, rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc.
  • Uống nhiều nước hơn: Bị viêm tụy có thể gây mất nước, vì thế người bệnh nên uống nhiều nước hơn trong ngày. Nên mang theo chai nước bên người để đảm bảo bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Đào Tâm