Những lầm tưởng về hôi miệng khiến hơi thở có mùi mãi không hết

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, khó chịu, thường không gây nguy hiểm nhưng lại là rào cản lớn trong giao tiếp, đặc biệt là khi có cuộc đàm phán quan trọng hoặc khi thì thầm với bạn bè, người thân. Hôi miệng tuy là vấn đề khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều lầm tưởng về vấn đề này.

hôi miệng
Hôi miệng gây rào cản lớn trong giao tiếp

Lầm tưởng số 1: Hôi miệng có nguồn gốc từ dạ dày

Hiểu lầm phổ biến nhất cho rằng mùi hôi của hơi thở bắt nguồn từ dạ dày. Điều này là không đúng, bởi tại dạ dày và thực quản có rất nhiều van ngăn cản sự hồi lưu của thức ăn. Những van này cũng có vai trò ngăn ngừa tất cả mùi đi từ dạ dày lên thực quản, họng, miệng hoặc mũi. Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ hôi miệng do vấn đề từ dạ dày và tiêu hóa. Trong đó, thực quản chỉ là nguồn gốc của mùi hôi khi người bệnh có “túi thừa Zenker”. Tỉ lệ người bệnh có bất thường này là dưới 0,1% và chỉ được ghi nhận ở người bệnh trên 65 tuổi.

Xét về vấn đề từ dạ dày, không có mối tương quan nào giữa tình trạng viêm loét dạ dày do vi khuẩn H. pylori với hôi miệng.

hôi miệng

Lầm tưởng số 2: Nếu bạn thở vào lòng bàn tay, bạn có thể ngửi được mùi hơi thở của mình

Điều này chưa hẳn đã đúng. Bởi, khi thở bằng miệng, bạn không dùng cơ họng theo cách mà bạn dùng khi nói, mà mùi hôi thường bắt nguồn từ phía sau của khoang miệng.

Cách tốt nhất để biết hơi thở có mùi hay không là bạn nên tìm một người thân, có thể tin tưởng, rồi nhờ họ ngửi mùi hơi thở khi bạn nói ở khoảng cách 30cm với họ. Ngoài ra, để đánh giá chính xác mùi hơi thở, bạn nên đi khám nha khoa. Các nha sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên dụng để đo lượng hợp chất lưu huỳnh bay hơi từ hơi thở của bạn.

hôi miệng
Ngửi mùi hơi thở trên tay không phải là cách tốt nhất để kiểm tra hôi miệng

Lầm tưởng số 3: Không có biện pháp nào chữa khỏi hôi miệng

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ chữa khỏi hôi miệng là 90%. Để điều trị triệt để, cần xác định được chính xác nguyên nhân gây ra mùi hôi.

Nếu nguồn gốc mùi hôi là do viêm nha chu (viêm lợi do cao răng giai đoạn muộn), điều trị viêm nha chu (bao gồm cả việc vệ sinh lưỡi) sẽ hết hôi miệng.

Nếu nguồn gốc mùi hôi do vấn đề tai mũi họng, như viêm amidan tái phát nhiều lần thì sau khi cắt amidan, tình trạng hôi miệng cũng giảm.

hôi miệng
Điều trị bệnh răng miệng sẽ giúp giảm hôi miệng

Lầm tưởng số 4: Đánh răng và cạo lưỡi là đủ để giữ hơi thở thơm tho

Phần lớn mọi người chỉ dành khoảng 30 – 45 giây cho việc đánh răng, khoảng thời gian này là chưa đủ để làm sạch mọi bề mặt răng. Cùng với đó, cạo lưỡi chỉ giúp loại bỏ lớp mỏng gồm vi khuẩn, tế bào chết và những mảnh vụn thức ăn đọng lại trên bề mặt lưỡi, trong khi phần lớn vi khuẩn “ẩn náu” tại những hốc khác trong khoang miệng.

Bởi vậy, cần vệ sinh răng miệng đúng cách và toàn diện (bao gồm đánh răng, làm sạch các kẽ răng và cạo lưỡi) để loại bỏ mùi hôi miệng. Bạn nên đánh răng khoảng 3 phút để đảm bảo làm sạch toàn bộ bề mặt răng. Tuy nhiên, không nên đánh răng quá nhiều, bởi việc này sẽ gây khô miệng, từ đó, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, đánh răng quá nhiều lần trong ngày sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương răng, lợi, và có thể tạo thêm các hốc trong kẽ răng. Cần kết hợp cạo lưỡi và dùng chỉ nha khoa để làm sạch lưỡi, kẽ răng và vùng tiếp xúc với lợi.

hôi miệng
Hướng dẫn cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng

Lầm tưởng số 5: Thức ăn là nguyên nhân gây hôi miệng

Phải thừa nhận rằng một số loại thức ăn có thể lưu lại mùi hăng trong hơi thở, ví dụ như hành, tỏi. Bên cạnh đó, cũng có một số thực phẩm có mùi, sau khi xuống dạ dày, thức ăn được hấp thu tại ruột, mùi có thể có trong máu và thở ra hơi thở từ phổi. Tuy nhiên, những thực phẩm này chỉ gây nên mùi khó chịu tạm thời, không phải là nguyên nhân của hiện tượng hôi miệng kéo dài.

hôi miệng
Ăn hành, tỏi có thể khiến hơi thở có mùi hôi tạm thời

Hôi miệng mạn tính là kết quả của quá trình phân hủy thức ăn còn thừa trong khoang miệng bởi vi khuẩn, tạo ra các hợp chất lưu huỳnh có mùi hôi. Như vậy, việc tránh những đồ ăn có mùi chỉ giúp bạn có hơi thở đặc trưng của loại thức ăn đó trong khoảng thời gian ngắn, mà không thể loại bỏ hoặc giảm bớt tình trạng hôi miệng thường ngày.

Tài liệu tham khảo:

1. Bollen C (2016) Myths about Halitosis. J Dent Health Oral Disord Ther 5(2): 00143.